17/09/2018 - 22:12

Phiên họp thứ 27 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV:

Giảm nghèo là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị 

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, sáng 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN  (TTXVN)

  Báo cáo kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018) của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, cho thấy hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0-1,3% so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân 5,43%/năm; tại các xã thuộc Chương trình 135 giảm khoảng 3-4%/năm, đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo Nghị quyết 142/2016/QH13. Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực, tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước giảm từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); bên cạnh 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo, một số tỉnh thuộc khu vực khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận kết quả giảm nghèo trong hai năm (2016-2017) đạt mục tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nguyên nhân chính là do tách hộ, do hậu quả của thiên tai, lũ lụt, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao. Đặc biệt, hết năm 2017, số hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo chiếm tới 1,8% hộ nghèo cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, điều đáng ghi nhận là trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Nhà nước chưa bao giờ cắt giảm ngân sách dành cho an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tiến độ giảm nghèo chậm, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao, không hợp lý giữa các vùng miền. Trong công tác quản lý nhà nước, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và các cấp chính quyền, không thể trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Cần xác định rõ trách nhiệm của từng địa phương trong công tác giảm nghèo; chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng nhiều hộ không muốn thoát nghèo; nhân rộng các mô hình thoát nghèo hiệu quả; chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp chính quyền trong công tác này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo của địa phương mình để tìm ra giải pháp phù hợp.

Giảm nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ hay bất cứ một bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nào. Đó là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Trên thực tế, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm. Do đó, rất cần thiết ra đời một đạo luật để thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối và các nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Dự thảo Luật đã dành riêng một điều (Điều 16) để quy định về quản lý rượu thủ công, theo đó quy định lộ trình đến 1-1-2023, rượu thủ công sẽ được quản lý như rượu công nghiệp.

Về quy định kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia, nhiều đại biểu nhất trí với dự án Luật quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, khuyến mại và tài trợ rượu bia để hạn chế khả năng tiếp cận rượu, bia.

Chia sẻ bài viết