11/08/2018 - 16:02

Giải tỏa sự bế tắc của tuyển sinh trung cấp 

Làm gì để giải tỏa sự bế tắc trong tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp, nghề (cơ sở giáo dục nghề nghiệp) có đào tạo trình độ trung cấp - là vấn đề bàn luận tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các trường vừa diễn ra.

Khó chồng khó

Theo thầy Trần Ngọc Sáu, Trưởng Phòng Công tác học sinh, Trường Trung cấp Y Dược Mekong Cần Thơ, chương trình trung cấp hệ chính quy của trường chỉ có 10 học sinh. Năm nay, trường vẫn chưa biết có thể tuyển được thí sinh hay không. Hiện trường tồn tại nhờ liên kết với Trường Đại học Trà Vinh, tuy nhiên, nguồn tuyển liên kết không ổn định. Để khắc phục khó khăn trước mắt, trường sẽ chuyển sang là phân hiệu của Trường Cao đẳng Sài Gòn – Gia Định. Trường mong được sự giúp đỡ trong tuyển sinh từ các sở ngành liên quan, trường THPT.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ học thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ học thực hành.

Tình trạng này cũng diễn ra ở các trường trung cấp khác, như: Bách nghệ Cần Thơ, Miền Tây thành phố Cần Thơ,… Đơn cử Trường Trung cấp Miền Tây thành phố Cần Thơ, từ năm 2012 đến năm 2015, mỗi năm trường tuyển được khoảng 1.000 học sinh. Đến năm 2017, trường chỉ tuyển được vài chục và mất hẳn nguồn tuyển học sinh tốt nghiệp THPT.  3 năm gần đây, trường phải ngưng mở khối ngành kinh tế, xây dựng vì không đủ sĩ số.

Ngay cả các trường cao đẳng cũng gặp khó khi đào tạo cao đẳng và trung cấp. Theo thầy Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, nguồn tuyển sinh của trường không quá khó khăn, tuy nhiên, tâm lý phụ huynh, học sinh muốn vào học đại học, nên khi trúng tuyển vào trường, học một thời gian ngắn rồi lại bỏ. Còn tại Trường Cao đẳng Cần Thơ, vài năm gần đây trường không tuyển sinh được cho các ngành trung cấp. Thầy Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: Trường có sự quản lý của 2 Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)) nên ít nhiều gặp khó khăn khi xin chỉ tiêu tuyển sinh, kể cả quản lý, đào tạo và phụ cấp giảng dạy cho giáo viên.

Đánh giá tình hình tuyển sinh năm 2017 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP Cần Thơ, ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường trung cấp đang gặp khó về nguồn tuyển; khối ngành sức khỏe ở các trường trung cấp tư thục không tuyển được thí sinh. 

Liên kết chặt với doanh nghiệp

Để gỡ khó trong vấn đề tuyển sinh, giải pháp của một số trường là hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Nhờ vậy, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ có nguồn tuyển sinh luôn ổn định từng năm, đạt chỉ tiêu. Theo cô Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh nâng cao chất lượng đào tạo, trường  rất quan tâm khâu giải quyết việc làm thông qua liên kết với doanh nghiệp; tổ chức ngày hội việc làm... 5 năm gần đây, hằng năm 75%-94% học sinh sinh viên của trường có việc làm sau tốt nghiệp, ở một số ngành, tỷ lệ này là 100%. Cô Nhung nói: “Chỉ riêng Ngày hội việc làm do trường tổ chức năm 2017, đã có 1.864 lượt học sinh sinh viên phỏng vấn và có hơn 1.500 em trúng tuyển lần 1. Mỗi năm, trường tổ chức đoàn đến khoảng 150-200 trường THPT ở ĐBSCL tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh”. Thầy Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, cho rằng: Bên cạnh “thương hiệu”, trường phải gắn kết doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Nhà trường theo sát học sinh sau 3 năm tốt nghiệp, vừa hỗ trợ các em trong tìm việc, vừa ghi nhận ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp để điều chỉnh, bổ sung chương trình.

Trường Trung cấp Nghề Thới Lai cũng luôn giữ được nguồn tuyển ổn định bằng những cách làm hiệu quả. Ông Huỳnh Minh Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường đẩy mạnh nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, trực tiếp đến các trường THPT, THCS và tổ chức đưa, rước học sinh trong và ngoài huyện tham quan hoạt động dạy và học tại trường. Đồng thời rà soát học sinh tốt nghiệp THCS có nguy cơ bỏ học và khả năng không trúng tuyển THPT… tham gia học trung cấp kết hợp bổ túc văn hóa. Năm 2017, trường tuyển vượt 161% chỉ tiêu.    

Năm 2018 là năm thứ 2 hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Tại TP Cần Thơ, ngành LĐ-TB&XH Cần Thơ quản lý 84 đơn vị; trong đó có 7 trường cao đẳng, 14 trường đào tạo bậc trung cấp… Theo lãnh đạo ngành, bên cạnh hỗ trợ hướng dẫn các trường về công tác tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo; quan trọng vẫn là nỗ lực nâng cao năng lực của các trường.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết