20/04/2012 - 22:39

PGS.TS MAI VĂN NAM, TRƯỞNG KHOA KINH TẾ VÀ QUẢN TRỊ KINH DOANH, ĐẠI HỌC CẦN THƠ:

Giải quyết đầu ra thị trường để “cứu” doanh nghiệp

 

Sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, tồn kho lớn trong khi lãi suất ngân hàng đang “thâm” vào vốn của doanh nghiệp (DN). Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ trần lãi suất huy động về mức 12%/năm (giảm 2% so với đầu tháng 3-2012) để kéo giảm lãi suất cho vay, gỡ khó cho DN. Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách của NHNN có “độ trễ”, ít nhất phải mất 6 tháng nữa lãi suất cho vay mới giảm. Làm gì để “cứu” DN, PGS.TS Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Cần Thơ đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc phỏng vấn.

* Thưa PGS.TS, thời điểm này, cần có giải pháp gì từ chính sách để giúp DN vượt qua khó khăn và giảm tổn thất?

- DN ở TP Cần Thơ và ĐBSCL hơn 96% là DN vừa và nhỏ; trong số này có 68% số DN vốn dưới 5 tỉ đồng. Vốn kinh doanh hạn chế, DN nhỏ và vừa đã chọn đầu tư vào những gì mà thị trường đang cần nhằm thu hồi vốn nhanh. Khi có cú sốc trên thị trường, DN làm ăn theo lối này dễ gặp sự cố, nguy cơ phá sản cao.

Thời gian qua, DN luôn đối mặt với những thách thức từ thị trường tiêu thụ kể cả nội địa và xuất khẩu. Thị trường thế giới yêu cầu cao hơn, cạnh tranh mạnh hơn, cùng với chính sách bảo hộ sản phẩm trong nước của các thị trường nhập khẩu đã làm DN xuất khẩu Việt Nam gặp khó về đầu ra. Thêm vào đó, hàng hóa ngoại nhập theo đường tiểu ngạch tràn ngập thị trường nội địa, hàng hóa nhập bằng đường chính ngạch chưa được kiểm soát chặt chẽ, giá bán hàng ngoại nhập rẻ, tạo áp lực rất lớn cho DN nội địa, nhất là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. DN không xuất khẩu được, tiêu thụ nội địa không cạnh tranh nổi với hàng ngoại dẫn đến tồn kho hàng hóa. Có những DN tồn kho đến 50% sản phẩm làm ra, trong khi tồn kho vượt quá 10% DN đã là nguy cơ cao. Hàng hóa không lưu thông được ra thị trường, DN thiếu vốn, vay ngân hàng khó, lãi suất cao, trong khi sinh lợi không có, DN càng lún. Do vậy, giải pháp hiện nay là phải giải quyết đầu ra thị trường để gỡ khó cho DN.

Thời gian qua, Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo ưu tiên vốn với lãi suất ưu đãi cho DN xuất khẩu, nhưng thông qua “trung gian” là ngân hàng, nên đôi khi không giải quyết được cái mà DN cần. Để giải quyết vấn đề này cần vai trò điều tiết của Nhà nước bằng các chính sách cụ thể về kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu trong khuôn khổ cho phép theo cam kết WTO, AFTA... Song song đó, hỗ trợ DN tìm thị trường thông qua xúc tiến thương mại, bởi DN đa phần là DN vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ trong tìm đầu ra cho sản phẩm.

* Hiện nay, NHNN đã hạ trần lãi suất huy động để giảm bớt khó khăn cho DN. Thưa PGS.TS, chính sách này có “giải cứu” được DN thời điểm này không?

Thị trường tiêu thụ của sản phẩm cá tra xuất khẩu đang gặp khó, DN cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong xúc tiến thương mại. Ảnh: T.HÀ

- Có thể khẳng định chính sách của NHNN thời điểm này rất đúng đắn và DN đang rất cần. Lãi suất huy động giảm, gởi tiết kiệm ngân hàng kém hấp dẫn sẽ khuyến khích dòng vốn đi vào sản xuất để giải quyết bài toán tăng trưởng. Tuy nhiên, muốn DN tiếp cận được vốn thì hạ trần lãi suất huy động không chưa đủ mà phải hạ thêm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... trong hệ thống ngân hàng. Vì lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn cao, ngang bằng với trần lãi suất huy động thì dù có hạ trần lãi suất huy động thì lãi suất đầu ra cũng không giảm ngay được. Lãi suất cho vay phải ở mức mà DN chấp nhận được mới là giải pháp cuối cùng để khuyến khích dòng vốn vào sản xuất. Nếu cần thiết có thể áp dụng “trần” lãi suất đầu ra đối với một số ngành, sản phẩm đặc biệt, DN tiếp cận được vốn vay ưu đãi sẽ phần nào giảm bớt tình trạng “khát vốn”. Việc hạ trần lãi suất huy động về mức 12%/năm của NHNN vẫn chưa thể kéo giảm lãi suất cho vay giảm thời điểm này, mà cần “độ trễ” nhất định, ít nhất phải 6 tháng nữa.

Tôi cho rằng, ngoài chính sách trên cần phân loại DN để giãn nợ và thời gian giãn nợ hợp lý để DN có thể xoay trở qua cơn khó, nếu DN cần giãn nợ 3 tháng, 6 tháng mà ngân hàng chỉ cho giãn nợ 1 tháng, 2 tháng cũng không có ý nghĩa gì. Đối với DN còn cứu được thì phải cứu, còn không được buộc phải cho phá sản, nếu không DN này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Cứu DN phải ưu tiên DN thâm dụng lao động, sản xuất hàng thiết yếu và xuất khẩu, nếu không sẽ dẫn đến những bất ổn về an sinh xã hội khi thất nghiệp gia tăng.

* Những DN dựa vào vốn vay để sản xuất, kinh doanh thường gặp rất nhiều rủi ro. Trong khi chính sách quản trị rủi ro để hạn chế rủi ro thì DN chưa tính đến. PGS.TS có nhận định gì về vấn đề này?

-Quản trị rủi ro gồm quản trị kinh doanh và quản trị tài chính cần được thực hiện trước khi DN đi vào hoạt động, tham gia đầu tư. DN cần có chiến lược kinh doanh, trong đó có quản trị rủi ro. Song, phần lớn DN không quan tâm đến việc quản trị rủi ro trong DN. Tư duy kinh doanh của DN hiện nay là lợi nhuận đặt lên hàng đầu; trong khi đó quản trị rủi ro mới là số 1, lợi nhuận đứng thứ 2. Nếu DN không lập quản trị rủi ro, thị trường biến động, DN trở tay không kịp, làm ăn thua lỗ cũng đồng nghĩa với việc phá sản. Còn quản trị rủi ro tốt, DN giảm được tổn thất khi thị trường biến động.

Thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, DN ở Cần Thơ và ĐBSCL vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía, bằng nhiều công cụ. Trong đó, các dịch vụ hỗ trợ DN là một trong những giải pháp tốt để giúp DN phát triển. Tuy nhiên, dịch vụ hỗ trợ DN kể cả dịch vụ công và tư chưa phát triển đồng đều, nên cũng khó mà hỗ trợ cho DN lập quản trị rủi ro.

* Như vậy, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN tại TP Cần Thơ và ĐBSCL đang ở mức nào thưa PGS.TS?

-Hiện nay, các DN vừa và nhỏ đang có nhu cầu cao đối với dịch vụ hỗ trợ như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ phân phối, huấn luyện đào tạo và hạch toán kế toán... Theo kết quả khảo sát từ đề tài khoa học cấp thành phố về “Giải pháp phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN vừa và nhỏ tại TP Cần Thơ” do khoa thực hiện (PGS.TS Mai Văn Nam làm chủ nhiệm đề tài –PV) mới đây cho thấy nhu cầu của DN là rất cao, trong khi chất lượng dịch vụ do Nhà nước và tư nhân cung cấp lại chưa đáp ứng yêu cầu của DN.

Theo kết quả phân tích đề tài, các dịch vụ hỗ trợ do khu vực Nhà nước cung cấp còn nhiều yếu kém, do nhận thức chịu nhiều ảnh hưởng của tư duy quản lý kinh tế cũ. Các DN vừa và nhỏ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước còn khó khăn và thiếu cơ chế kiểm soát tính minh bạch; tỷ lệ DN không biết hoặc có nghe nói nhưng không biết nội dung các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là khá cao. Một trở ngại làm cho DN khó tiếp cận dịch vụ hỗ trợ là chi phí thuê dịch vụ cao, trong khi chất lượng lại không cao, nhất là dịch vụ do tư nhân thực hiện. Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN vừa và nhỏ, thì dịch vụ hỗ trợ công và tư phải phát triển đi trước một bước.

* Xin cảm ơn PGS.TS!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết