23/12/2012 - 16:06

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ

Hoạt động sản xuất của DNTN Cơ khí Trung Anh, quận Cái Răng. Ảnh: MINH HUYỀN

Ở vùng ĐBSCL, ngành công nghiệp phụ trợ (còn gọi là công nghiệp hỗ trợ) còn kém phát triển. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo "Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL", đã có nhiều ý kiến đề xuất hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho vùng ĐBSCL...

Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể thu hút được FDI nhiều hơn khi các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản tăng lên nhanh chóng. Nhật Bản luôn chú trọng khâu sản xuất linh phụ kiện để cung cấp trực tiếp cho khâu lắp ráp sản xuất, nhiều chuyên gia của Nhật Bản cũng đã sang Việt Nam truyền đạt lại kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là một trong những thuận lợi cho ngành công nghiệp nước ta, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể, công nghiệp phụ trợ của nước ta nói chung và TP Cần Thơ nói riêng còn rất nhiều hạn chế, yếu kém. Do đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp phụ trợ phát triển...

Nhiều ý kiến cho rằng, công nghiệp phụ trợ có vai trò rất quan trọng, tạo nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, hạn chế nhập siêu, gia nhập chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, mở rộng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển hệ thống doanh nghiệp nội địa nhỏ và vừa. Ngoài ra, không phát triển công nghiệp phụ trợ thì không thể có công nghệ chế tạo lớn mạnh. Đến năm 2015 Việt Nam tham gia đầy đủ khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), không có năng lực cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ thì công nghiệp chế tạo của nước ta sẽ bị suy thoái do sản phẩm công nghiệp nhập khẩu tăng… Thế nhưng, thực trạng công nghiệp phụ trợ Việt Nam còn nhiều yếu kém, theo ước tính ngành công nghiệp này hiện lệ thuộc gần 80% vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu; tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô và xe máy còn thấp… Thời gian qua, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ đối với các ngành như: cơ khí chế tạo, điện- điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao… Ưu đãi về thuế, chẳng hạn giảm miễn thuế nhập khẩu đối với sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các dự án thuộc danh mục lĩnh vực được ưu đãi, ưu đãi đặc biệt… Song, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hơn nhằm khuyến khích ngành công nghiệp này phát triển.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI TP Hồ Chí Minh, tới đây Việt Nam và ĐBSCL cần phát triển một số ngành công nghiệp chế tạo hạ nguồn, phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp phụ trợ. Còn hoạt động hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam và ĐBSCL chủ yếu như: vay tài chính (nguồn vốn, lãi suất, thủ tục vay…); hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, quản lý; hỗ trợ công nghệ kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng hạ tầng; hỗ trợ cho các hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ thông tin-thương mại…

Các tình nguyện viên cao cấp JICA đã giới thiệu với các doanh nghiệp ĐBSCL về dự án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của JICA. Đây là hoạt động hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam được thực hiện từ năm 2009 dưới dự tài trợ từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Dự án đã và đang hỗ trợ cho 61 doanh nghiệp khu vực TP HCM; trong đó đã hỗ trợ xong 33 doanh nghiệp và 28 doanh nghiệp đang hỗ trợ, thuộc các ngành ô tô, xe máy, điện, điện tử, cơ khí và các lĩnh vực khác… Các nội dung doanh nghiệp được hỗ trợ như: hướng dẫn kỹ thuật, quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất, quản lý chất lượng, hoạt động 5S... Hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp, kinh phí do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đồng thời, các chuyên gia trực tiếp hỗ trợ chính là các tình nguyện viên cao cấp JICA, những người có kiến thức và kinh nghiệm nghiệp vụ, làm việc lâu năm trong các doanh nghiệp. Sắp tới, dự án sẽ tiếp tục mở rộng số lượng doanh nghiệp hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp phía Nam nằm ngoài TP HCM, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp ĐBSCL.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết