01/07/2014 - 21:16

Đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng cao

Giải pháp ổn định sản xuất - tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL

ĐBSCL hiện "sở hữu" 300 ngàn ha cây ăn trái các loại với sản lượng trên 3 triệu tấn/năm. Đặc biệt có nhiều loại trái đặc sản, giá trị kinh tế cao như: vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi… Kim ngạch xuất khẩu hằng năm đều tăng nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia còn rất thấp so với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Điệp khúc được mùa, mất giá, ùn ứ trong tiêu thụ thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua than vãn: thiếu hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu…

* Trồng nhiều sợ "bí" đầu ra

Ông Trương Quang An, chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), lo ngại: "Hiện nay, giá thanh long đang giảm mạnh, người trồng không có lời. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do người dân mở rộng diện tích trồng thanh long tràn lan. Thời gian tới, Trung Quốc (hiện đang là thị trường tiêu thụ thanh long chính của nước ta-người viết) có thể sẽ kiểm tra chất lượng thanh long khắt khe nên khó sẽ càng khó hơn. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam và ngành nông nghiệp các địa phương cần hỗ trợ nông dân sản xuất thanh long có chất lượng, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu". Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, nhận định: "Thời gian tới cây thanh long sẽ gặp khó. Trong khi diện tích thanh long nước ta đang tăng vọt thì Trung Quốc cũng đang trồng 20.000ha thanh long và quy trình sản xuất của họ rất công phu. Không riêng Trung Quốc, ở Đài Loan cũng vậy. Họ trồng thanh long cho trái ngay cả trong mùa đông".

Trái cây đặc sản ĐBSCL có mặt ngày càng nhiều trong hệ thống siêu thị Co.opmart tại ĐBSCL.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, các năm qua, việc xuất khẩu trái cây của nước ta rất khả quan. Cụ thể, trong năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt giá trị hơn 1 tỉ USD. Điều này, chứng minh rằng, nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để đưa nông sản ra thị trường thế giới nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do một số nông sản chưa đi đúng quy luật của thị trường, sự liên kết chưa đạt. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện ở ĐBSCL có hơn 300ha cây ăn trái được chứng nhận GlobalGAP hoặc VietGAP. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, tăng thu nhập cho nhà vườn; tăng uy tín thương hiệu trái cây Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, so với tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng thì con số đạt chuẩn này hiện nay còn quá thấp, quy mô nhỏ lẻ...

* Truy xuất nguồn gốc nông sản

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu khẳng định: Lãnh đạo các địa phương phải ngồi bàn lại quy hoạch, có thống nhất mùa vụ và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nông sản, sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Ở nhiều nước trên thế giới, người nông dân cũng có ít đất nhưng họ "mua tại gốc bán tại ngọn". Cụ thể như New Zealand có mô hình tiêu thụ độc đáo. Mỗi sản phẩm họ chỉ có một công ty xuất khẩu duy nhất nên không có tình trạng hạ giá bán do cạnh tranh, chất lượng cũng đảm bảo. Hay Hội Nông dân Hàn Quốc có siêu thị lớn, tất cả sản phẩm nông dân được đem vào siêu thị tiêu thụ với giá cao…

Các chuyên gia xác định, trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, để các loại nông sản hàng hóa, nhất là trái cây vươn xa ra thị trường thế giới, nhất thiết phải đẩy mạnh xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (gọi tắt là GAP)… Tại buổi tọa đàm "Giải pháp tiêu thụ nông sản" vừa diễn ra ở Cần Thơ, bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng: Để việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân được thuận lợi trong thời gian tới thì việc liên kết "4 nhà" phải được đầu tư nhiều hơn. Đây là vấn đề được đề cập nhiều rồi nhưng vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả cao, cứ mạnh ai nấy làm… Theo đó, Nhà nước phải đi đầu trong việc đưa ra các chính sách và có hướng đi đúng. Các nhà khoa học cần đưa ra các giống tốt, có chất lượng trong xuất khẩu, nhà doanh nghiệp và nông dân phải luôn sát cánh cùng nhau, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà hủy hợp đồng, xé rào quy hoạch… Các địa phương, ngành chức năng, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong khi thực hiện quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn như: Cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết, hình thành và phát triển ổn định các HTX sản xuất theo GlobalGAP, VietGAP…

Bài, ảnh: Thanh Huy

Chia sẻ bài viết