19/06/2018 - 07:43

Giải pháp diệt chuột an toàn, bảo vệ mùa màng 

Vụ lúa hè thu 2018 đang bước vào giai đoạn chín và chuẩn bị  thu hoạch rộ. Giai đoạn này, một trong những nỗi lo của nông dân là chuột tàn phá mùa màng, hủy hoại thành quả lao động của nông dân...

Nông dân tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ trao đổi kinh nghiệm đặt bẫy lồng để bắt chuột. Ảnh: VĂN CỘNG
Nông dân tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ trao đổi kinh nghiệm đặt bẫy lồng để bắt chuột. Ảnh: VĂN CỘNG

Diệt chuột...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa hè thu 2018, TP Cần Thơ xuống giống được 80.754ha, đạt 103% so với kế hoạch và cao hơn 196ha so với vụ hè thu 2017. Trong đó, lúa trong giai đoạn đòng khoảng 3.181ha; giai đoạn trổ, trổ đều khoảng 8.400ha; phần còn lại trong giai đoạn chắc xanh và chín. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 14.000ha lúa hè thu đã thu hoạch, với năng suất ước trên 60 tạ/ha, tương đương so với vụ hè thu năm ngoái. Tuy nhiên, ở một số địa phương lúa bị nhiễm nhiều loại dịch hại, sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất. Đặc biệt, đầu tháng 6, toàn thành phố có trên 24ha lúa giai đoạn trổ, chắc xanh bị chuột gây hại với tỷ lệ 5-7% ở các cánh đồng dọc theo các tuyến kênh, khu dân cư và gần các vườn cây ăn trái, tăng 10ha so với cuối tháng 5-2018, cao hơn 24ha so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo, chuột gây hại lúa có khả năng tiếp tục gây hại từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa hè thu ở các khu vực gần vườn, ven đường tại các quận Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Phong Điền... Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khuyến cáo: bà con nông dân cần tập trung diệt chuột bằng chế phẩm sinh học, không ảnh hưởng môi trường; thu bắt chuột bằng phương pháp thủ công, đặt bẫy, rập... Đặc biệt không sử dụng điện diệt chuột vi phạm pháp luật, nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vụ lúa hè thu 2018, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) gieo sạ trên 25.000ha. Đến nay, diện tích này đã thu hoạch khoảng 300ha. Tuy nhiên, theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, có nhiều ruộng lúa bị chuột tấn công, phá hại. Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con diệt chuột, nhưng không sử dụng các biện pháp nguy hiểm đến tính mạng con người. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Chuột đồng có dấu hiệu nhiều lên, phá hại mùa màng, làm giảm năng suất lúa. Khuyến cáo bà con sử dụng các phương pháp như đặt rập, chế phẩm sinh học, đuổi lon để diệt chuột, không nên dùng bẫy điện diệt chuột đồng".

Người dân huyện Vĩnh Thạnh còn nhớ trường hợp của Lê Văn Vịnh (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) bị Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt 7 năm tù về tội giết người. Vịnh đến xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh nuôi vịt chạy đồng. Một hôm, Vịnh lấy dây chì dài 130m nối với cục biến điện giăng xung quanh ruộng lúa của người quen để làm bẫy bắt chuột. Đến giữa đêm, Vịnh ra thăm bẫy thì phát hiện anh D.T.C. (ở xã Thạnh Quới) nằm chết trên dây chì mà Vịnh đang dùng để bẫy chuột. Vịnh đến Công an xã đầu thú về hành vi của mình. Mới đây, ông Hồ Minh Tâm (41 tuổi, ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng lâm vào vòng lao lý do hành vi giết người. Nạn nhân là D.N.H. ngụ cùng địa phương với ông Tâm. Tối 6-5-2018, H. cùng nhóm bạn vào rẫy của ông Tâm để soi ếch. Do không biết chủ đất giăng bẫy chuột bằng điện H. vướng dây kẽm có điện và bị giật tử vong. Hay tin có người bị nạn vì việc làm của mình, ông Tâm đã đến Công an xã đầu thú.

Bảo đảm an toàn

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của việc bẫy chuột bằng điện, thậm chí có địa phương phạt nặng về hành vi sử dụng điện làm bẫy diệt chuột.

Để hướng dẫn nông dân diệt chuột an toàn, vệ sinh, tránh nguy hiểm đến tính mạng con người. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ khuyến cáo: Ngành nông nghiệp các quận, huyện tổ chức triển khai, vận động nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ, diệt chuột mang tính cộng đồng, thường xuyên và liên tục bằng nhiều biện pháp kết hợp hiệu quả, an toàn, bền vững, không sử dụng các biện pháp bị nghiêm cấm như: dùng điện, nhớt pha thuốc trừ sâu, gây nguy hiểm cho con người và ô nhiễm môi trường. Các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, in phát các tài liệu hướng dẫn phòng trừ chuột, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học Biorat để diệt chuột. Vì, Biorat là loại thuốc diệt chuột vi sinh được sản xuất bằng công nghệ sinh học của Cuba, hoàn toàn vô hại với con người, gia súc, gia cầm và môi trường xung quanh…

Ở quận Thốt Nốt , hằng năm đều thực hiện chương trình hướng dẫn, tập huấn nông dân biện pháp diệt chuột an toàn, không gây nguy hại cho con người và môi trường xung quanh. Tại các buổi tập huấn, ngành  nông nghiệp quận Thốt Nốt đã tập huấn cho nông dân kiến thức cơ bản về đặc tính, tác hại và nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất và sức khỏe cộng đồng; hướng dẫn các biện pháp phòng trừ chuột hiệu quả, yêu cầu bà con diệt chuột bằng biện pháp sinh học, hóa học, biện pháp thủ công kết hợp với hóa chất để diệt chuột; nghiêm cấm việc sử dụng điện để diệt chuột, không sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục, không sử dụng nhớt pha với thuốc trừ sâu đổ trên ruộng lúa để diệt chuột vì cách làm này ảnh hưởng tới sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường...

Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: "Nhờ hướng dẫn, tập huấn, nông dân đã sử dụng chế phẩm sinh học Biorat diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Sử dụng Biorat để diệt chuột không quá phức tạp, chi phí thấp, rất phù hợp với nhiều hộ dân đang canh tác lúa gần bờ đê lớn, gần nhà và vườn cây ăn trái...".

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết