12/03/2009 - 08:26

Giải pháp chính sách kinh tế châu Á và những gợi mở đối với Việt Nam

* Việt Nam và EU xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài về kinh tế và thương mại

Tiến sĩ Lê Nguyễn Hương Trinh, Đại học Sư phạm Hà Nội đã nghiên cứu và đưa ra những giải pháp chính sách kinh tế châu Á, qua đó nêu ra những gợi mở đối với Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay.

Do áp lực của lạm phát nên nhiều nền kinh tế Đông Nam Á phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ. Ở nhiều nước, vùng lãnh thổ mức lạm phát giá tiêu dùng đã tới mức cao nhất trong vòng 25 năm qua như Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Hồng Công. Thắt chặt tiền tệ có thể kiềm chế lạm phát nhưng làm giảm cầu nội địa và giảm tăng trưởng kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách châu Á cần có những biện pháp tích cực hơn để ổn định thị trường tài chính trong khu vực. Việc quản lý kinh tế vĩ mô cần đi đôi với tăng cường giám sát thận trọng các tổ chức tài chính, thúc đẩy sự hồi phục cơ cấu kinh tế thông qua các cải cách sâu hơn, toàn diện hơn. Cải cách cần phải có định hướng và nên tập trung cải cách chính sách tỷ giá mềm dẻo hơn sẽ mở rộng diện hoạt động của chính sách tiền tệ; xúc tiến việc quản lý nợ quốc gia một cách hiệu quả hơn nữa để biện pháp chính sách tài khóa có thể phát huy tác dụng; cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên về mặt chính sách trong khu vực. Điều quan trọng là phải cải thiện môi trường đầu tư và đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của các trung gian tài chính, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, nơi đầu tư trong nước còn non yếu, vốn đổ vào nhiều mà không sử dụng hết.

Kinh nghiệm mà các nước Đông Nam Á học được từ khủng hoảng tài chính châu Á là phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuẩn bị một nền tài chính vững mạnh để có thể đối phó với khủng hoảng. Chương trình cải cách kinh tế toàn diện, tăng cường hội nhập khu vực là chính sách dài hạn của hầu hết các nước trong khu vực nhằm có thể đương đầu với các cú sốc kinh tế ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng. Những khó khăn trên cộng với hạn chế về cơ sở hạ tầng, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách sẽ không những làm hỏng mục tiêu tăng tốc xuất khẩu mà còn ảnh hưởng xấu tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tình hình trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào các giải pháp tiền tệ trong khi chính sách tài khóa chưa hỗ trợ đắc lực cho việc thắt chặt tiền tệ.

Bởi vậy, Việt Nam cần tăng cường dự trữ ngoại hối để đối phó với tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh ở Mỹ đòi hỏi hàng xuất khẩu của Việt Nam càng phải cạnh tranh hơn đồng thời thị trường nội địa cũng cần phát triển nhanh hơn. Việt Nam sẽ tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nếu tạo ra được sự phối hợp tốt trong chính sách kinh tế vĩ mô để chống lạm phát và ổn định kinh tế dài hạn.

w Sáng 11-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo “Kinh tế và Thương mại Việt Nam - EU” nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU tìm hiểu đối tác tiềm năng và xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nhấn mạnh, quan hệ chính trị, kinh tế giữa Việt Nam - Vương quốc Bỉ và EU luôn được củng cố và phát triển. Vương quốc Bỉ nói chung và vùng Flanders nói riêng là một đối tác tiềm năng của Việt Nam và hai nền kinh tế đều có thể bổ sung cho nhau, cùng có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nhau. Mặc dù quan hệ thương mại đã đạt được kết quả khả quan nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế nhiều mặt giữa hai nước. Ông hy vọng, với sự hoạt động tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác Việt Nam - Vương quốc Bỉ và EU, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông vận tải biển, du lịch, văn hóa... sẽ phát triển mạnh mẽ đánh dấu một thời kỳ mới hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam - Vương quốc Bỉ và các nước EU.

HOÀNG MINH NGUYỆT - THÚY HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết