18/10/2018 - 08:55

Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Giải pháp bảo vệ sản xuất và tiêu dùng 

Báo cáo của Ban Thường trực BCĐ 389/TP, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên một số tuyến, địa bàn còn diễn biến phức tạp. Thủ đoạn buôn lậu ngày một tinh vi, đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố và trung chuyển đi các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL tiêu thụ...

Cơ quan QLTT kiểm tra buôn lậu thuốc lá điếu nhập lậu trên xe chở khách.

Quyết liệt

Thời gian qua, vẫn còn những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ, chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa; kinh doanh vẫn còn sử dụng hóa chất, chất phụ gia không được phép sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm,… Nổi cộm là những vụ việc: Ngày 27 tháng 8 năm 2018, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Cần Thơ đã kiểm tra hộ kinh doanh nhà thuốc y học cổ truyền Vạn Trường Sanh và Vạn Tế Sanh tại quận Ninh Kiều. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại hộ kinh doanh này có các loại thuốc đông y không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác thông tin tiếng Việt. Trong đó, đặc biệt có các loại thuốc đông y do hộ kinh doanh trực tiếp sản xuất không có giấy phép sản xuất theo quy định. Trong tháng 9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 thuộc Chi cục QLTT TP Cần Thơ phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, thuộc Công an TP Cần Thơ tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Huỳnh Ngọc Chiểu, tại số 24/10, đường Đồng Khởi, phường An Lạc, quận Ninh Kiều do ông Huỳnh Ngọc Chiểu làm chủ. Qua đó đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5,1 triệu đồng với các hành vi vi phạm như: sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ, không bảo đảm quy định về khoảng cách an toàn đối với nguồn ô nhiễm, kinh doanh hàng hóa (thực phẩm) không rõ nguồn gốc.

 9 tháng năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đã tổ chức 15 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó có 8 đoàn theo kế hoạch và 7 đoàn thanh tra đột xuất. Qua thanh tra 661 cơ sở (gồm: 72 tổ chức, 589 cá nhân) phát hiện 301 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 1,5 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng, kinh doanh thức ăn chăn nuôi giả, không có giá trị sử dụng, công dụng, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, sản xuất thực phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm, không có giá trị công dụng sử dụng, cây giống không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng… Ngoài ra, công tác kiểm tra hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu cũng được cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện, qua đó bắt giữ số lượng hàng hóa lớn. Đặc biệt, qua việc thực hiện dán tem thuộc đề án "Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Cần Thơ", trên các cột bơm xăng dầu mang lại hiệu quả rất tích cực. Số tiền thu thuế kinh doanh xăng dầu từ đầu năm tăng 150% so với trước khi thực hiện dán tem.

Cần "gỡ" khó để quản lý

Ông Trần Thanh Chàng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an TP Cần Thơ, cho rằng, các mặt hàng gian, hàng giả gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Chẳng hạn, mặt hàng giống cây trồng lâu năm, nếu là giống cây không đạt chất lượng thì người trồng phải nhiều năm sau mới biết, lúc này thiệt hại kinh tế rất lớn. Việc sản xuất hàng giả chủ yếu là những người trong hộ gia đình thực hiện với qui mô nhỏ nên thông tin rất kín, rất khó khăn cho lực lượng trinh sát phát hiện. Do đó, lực lượng địa phương cần chú trọng đến vấn đề quản lý. Bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu cần tập trung tuyến đường sông, đặc biệt trong mùa lũ, do các đối tượng buôn lậu thường chọn tuyến này để vận chuyển hàng lậu.

Theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389/TP, 9 tháng năm 2018 đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 1.611 vụ, giảm 247 vụ (13,3%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 40,4 tỉ đồng, trong đó, phạt hành chính gần 21 tỉ đồng, truy thu thuế hơn 18 tỉ đồng, thanh lý hàng tịch thu gần 1,4 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, việc chế tài đối với hành vi buôn bán xăng dầu ngoài hệ thống còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm do lợi nhuận thu được từ việc mua bán xăng dầu ngoài hệ thống quá lớn. Đó là, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Theo đó, phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng đối với hành vi tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối, trừ trường hợp bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Tình hình buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu ngày càng có xu hướng tăng do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, quy định buôn lậu thuốc lá từ 1.500 bao trở lên mới xem xét trách nhiệm hình sự nên không đủ sức răn đe… Trong quá trình kiểm tra các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, lực lượng thanh tra gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, hiện nay nhiều công ty bán hàng theo hình thức phân phối trực tiếp đến người nông dân, hàng hóa bán không có hóa đơn, chứng từ nên lực lượng thanh tra khó xử lý. Tình hình kiểm soát thu thuế tại các điểm kinh doanh ăn uống vẫn còn chuyển biến chậm, nguyên nhân cũng là do người tiêu dùng không có thói quen đề nghị xuất hóa đơn khi sử dụng dịch vụ. Chưa kể, hình thức bán hàng online (trực tuyến) ngày càng phát triển cũng gây khó khăn cho công tác thu thuế.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng BCĐ 389/TP cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc, cần tăng cường tuyên truyền ngăn chặn tình trạng người dân tiếp tay cho đối tượng buôn lậu; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn và sử dụng hàng hóa. Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hàng gian, hàng giả. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa ngày càng đạt chất lượng cao...

Bài, ảnh: Nam Hương

Chia sẻ bài viết