24/09/2010 - 21:00

Giải pháp an cư cho người dân ở ven sông rạch

Những ngôi nhà dọc theo kênh Cầu Kênh (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) làm hạn chế dòng chảy, ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

TP Cần Thơ với đặc thù vùng sông nước, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển du lịch sinh thái... Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nhà ở ven sông, kênh, rạch không những làm mất vẻ mỹ quan của một đô thị trẻ mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để hạn chế tình trạng trên, việc di dời nhà ven sông, kênh, rạch là giải pháp đang cần chính quyền địa phương và ngành chức năng thành phố tập trung thực hiện...

* Ô nhiễm từ nhà ở ven sông

Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, đặc điểm nhà của dân ven sông rạch ở TP Cần Thơ có diện tích nhỏ, đa phần là các hộ nghèo, đông nhân khẩu, không nghề nghiệp ổn định, có thu nhập thấp. Người dân tự xây cất nhà cửa ven sông rạch để trú mưa, trú nắng và mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ... Việc xây dựng này đã làm thu hẹp dòng chảy và khả năng tiêu thoát nước trong khu vực. Đặc biệt, người dân sống ven sông rạch theo thói quen thường xả rác thải, nước thải trực tiếp xuống sông rạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo thống kê, chỉ riêng tại quận Ninh Kiều đã có trên 3.000 căn nhà xây cất dọc sông Cần Thơ, rạch Cái Khế, rạch Ngỗng, rạch Bần, rạch Tham Tướng... ông L.T.H có nhà ở cặp rạch Tham Tướng (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) gần 30 năm nay, nói: “Nhà tôi ở sát rạch Tham Tướng, cặp theo chợ Xuân Khánh, hàng chục năm nay gia đình tôi sống bằng nghề buôn bán trái cây, làm bánh bán. Nhiều năm qua, muốn lên bờ xây dựng căn nhà đàng hoàng, ổn định để ở nhưng không có tiền mua đất, dựng nhà. Do sống cặp theo rạch nên mọi sinh hoạt từ việc xả nước thải, rác... đều đổ xuống sông rạch. Tôi biết làm thế là gây ô nhiễm môi trường, nhưng cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn đành phải như thế!”.

Còn anh T.V.N nhà dọc theo rạch Tham Tướng (phường An Phú, quận Ninh Kiều), cho biết: “Sống ven rạch nên sức khỏe của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường của con rạch. Nhất là vào ban đêm, mùi hôi của nước dưới rạch Tham Tướng bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Mấy đứa cháu nhỏ trong gia đình thường xuyên bị viêm hô hấp do tình trạng ô nhiễm này. Gia đình tôi cũng muốn đi chỗ khác ở nhưng lấy đâu ra tiền mua đất, cất nhà”.

Ở thành thị là thế, còn vùng nông thôn, điển hình như dọc theo kênh Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh), sông Cần Thơ (huyện Phong Điền), sông Thốt Nốt (quận Thốt Nốt)... đều có nhà dân mọc lên. Ngoài tác động về việc góp phần gây ô nhiễm môi trường nước, bà con sống dọc theo sông rạch còn đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông... Nguyên nhân, do các sông rạch ở vùng nông thôn có dòng chảy rất mạnh dễ dẫn đến sạt lở. Theo khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), TP Cần Thơ có tổng chiều dài sông Hậu đi qua khoảng 65km, có 350km chiều dài kênh rạch cấp 1 (sông Cái Sắn, Tắc Ông Thục, kênh Đứng...), khoảng 800km kênh, rạch cấp 2. Dân cư sống tập trung dọc theo các con sông, rạch này, do đó, những ảnh hưởng từ việc sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân rất lớn. Tính đến nay (năm 2010), toàn hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ có 24 điểm sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 56km, đang có nguy cơ tiềm ẩn và có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian tới nếu không được quan tâm giải quyết rốt ráo.

* Giải pháp khắc phục

Những hộ dân cất nhà ven sông rạch phải sống chung với sự ô nhiễm môi trường do chính bà con xả nước thải, rác thải xuống. Trước đây, rạch Tham Tướng, rạch Bần... ghe xuồng đều vào được, nhưng nay tình trạng người dân đua nhau cất nhà lấn chiếm nên hạn chế dòng chảy, thải rác gây ô nhiễm nghiêm trọng. Về chương trình, dự án giải quyết vấn đề nhà ở ven sông rạch, ông Võ Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết quận đang chờ chủ trương của thành phố. Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường các sông rạch, hàng năm các phường địa bàn đều có nạo vét, vệ sinh, thu gom rác thải.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, hiện nay thành phố chưa xây dựng được Chương trình “xóa” nhà ở ven sông rạch. Việc giải tỏa nhà ven sông rạch trong thời gian qua chủ yếu “ăn theo” các dự án khác. Điển hình như dự án xây dựng bờ kè Xóm Chài, bờ kè rạch Khai Luông, công viên Hồ Xáng Thổi... qua đó đã góp phần làm giảm số lượng nhà xây dựng ven sông rạch. Sắp tới, một số dự án sẽ được triển khai thực hiện như: Dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ (đoạn từ phà Xóm Chài đến cầu Cái Sơn), công trình giải tỏa xây dựng công viên Tham Tướng (tại rạch Tham Tướng), bờ kè rạch Ngỗng (thuộc các phường An Nghiệp, An Hòa, An Khánh)... sẽ hạn chế tình trạng nhà xây dựng dọc theo sông, rạch, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Hơn 5 năm qua, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đã kết hợp cùng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tiến hành điều tra, đánh giá các công trình chống sạt lở trên địa bàn TP Cần Thơ. Qua đó, Viện cũng đưa ra giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, rạch trong thời gian tới. Giải pháp đó được thể hiện qua đồ án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”. Đồ án này đưa ra giải pháp chủ yếu là: Củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2015; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định, đồng thời chỉnh trang đô thị thực hiện liên tục từ nay đến năm 2025 và xa hơn nữa. Trước mắt phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 40% hộ dân sống ven sông vào chỗ ở ổn định ở những khu đô thị mới, đến năm 2030 khoảng 80% và đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh cho sông, kênh, rạch. Kinh phí để thực hiện dự án này trên 2.030 tỉ đồng và do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ làm chủ dự án.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá cao về những giải pháp này và cho biết: “Những giải pháp nêu trên đều phù hợp với địa phương trong công tác phòng chống sạt lở, hạn chế tình trạng nhà ở ven sông gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Trên cơ sở này, địa phương sẽ xây dựng cụ thể từng dự án xây dựng bờ kè theo thời gian biểu đã đề ra. Kinh phí xây dựng các công trình nêu trên rất cao (trên 2.030 tỉ đồng) nhưng địa phương có khả năng thực hiện, vì thời gian đầu tư xây dựng có giai đoạn được phân bổ từ nay đến năm 2030”.

Di dời các hộ dân cất nhà ven và trên sông rạch là rất cần thiết, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh nguy cơ sạt lở. Nhưng đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân đô thị nên thành phố phải chọn giải pháp thực hiện từng bước, có lộ trình chặt chẽ. Và mong muốn của hàng ngàn hộ dân đang sống ven các sông rạch ở TP Cần Thơ là việc thực hiện cũng cần triển khai đúng kế hoạch và làm như thế nào để sau di dời người dân vẫn an cư, lạc nghiệp.

Bài, ảnh: HÀ VĂN 

Chia sẻ bài viết