21/02/2018 - 16:00

Giải mã cuộc sống trường thọ của cư dân vùng Sardinia 

Di truyền tốt, dinh dưỡng tốt và siêng tập thể dục được xem là những yếu tố rất quan trọng để sống lâu, song nghiên cứu ở vùng Địa Trung Hải - đặc biệt là ở đảo Sardinia của Ý - cho thấy tương tác xã hội cũng góp phần rất lớn. Nhiều nghiên cứu quan sát được tiến hành ở đó đều cho thấy sự quan tâm và chăm sóc của các thành viên gia đình và sự gắn kết với cộng đồng giúp ích cho sức khỏe tinh thần, nhờ đó người già được bách niên trường thọ.

Antonio Todde là người đầu tiên trên thế giới thọ đến 110 tuổi – sinh ra vào cuối những năm 1800, qua đời vào năm 2002. “Cuộc đời của ông kéo dài ba thế kỷ!” – người con trai của ông, tên là Tonino, cho biết. Cụ ông 84 tuổi này cũng hy vọng sẽ sống đến 100. Gia đình cụ Todde sinh sống ở Tiana, một ngôi làng đặc biệt, nơi mà tỷ lệ người thọ 100 tuổi cao gấp 3 lần phần còn lại trên đảo Sardinia và đất liền của Ý.

“Vùng xanh” Sardinia

Cụ Tonino khoe ảnh người cha thọ 110 tuổi của mình.

Vào đầu những năm 2000, nhà nhân khẩu học kiêm bác sĩ Giovanni Pes nhận thấy nhiều ngôi làng ở trung tâm Sardinia có tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ cao nổi trội. Ông lập bản đồ và tô màu xanh lam những nơi có dân số sống thọ nhiều, gọi là “vùng xanh” – từ hiện dùng để chỉ bất cứ khu vực nào có đông người cao tuổi. Bằng cách này, giới nghiên cứu sau đó đã tìm ra 5 địa điểm có nhiều người sống thọ nhất, ngoài Sardinia (Ý) còn có Okinawa (Nhật Bản), Loma Linda (Mỹ),  Nicoya (Costa Rica) và Ikaria (Hy Lạp). Với ý tưởng cho rằng sự cách biệt về mặt địa lý có thể dẫn đến hình thành các biến thể gien có lợi cho tuổi thọ, nhưng sau khi phân tích thông tin di truyền của toàn dân, ông Pes phát hiện các yếu tố di truyền chỉ đóng góp “chừng 20-25% vào tuổi thọ trung bình”. Trong khi đó, các cuộc phỏng vấn người cao tuổi và dữ liệu lịch sử cho thấy các yếu tố xã hội và tâm lý cũng rất quan trọng đối với khả năng trường thọ.

Luigi Corda, tác giả sách “100 X 100: The Twentieth Century Through Portraits of a Hundred Sardinian Centenarians” (tạm dịch “100 X 100: Thế kỷ XX qua chân dung một trăm người trăm tuổi vùng Sardinia”) đã dành 2 năm để chụp ảnh và phỏng vấn các cụ 100 tuổi ở các vùng Barbagia, Ogliastra, Trexenta và Middle Campidano – nơi ông nhìn thấy vai trò quan trọng của gia đình đối với khả năng sống lâu của các cụ. “Cảm giác bản thân vẫn còn quan trọng, là trung tâm của sự chú ý và là chủ của gia đình khiến người lớn tuổi tích cực và có thêm động lực sống, tất cả cho thấy gia đình quan trọng không kém yếu tố di truyền, chế độ ăn uống và tín ngưỡng” – ông viết. Không chỉ vậy, ông còn nhận thấy tất cả những người ông gặp đều có sức khỏe tốt, không uống nhiều thuốc (nếu có) và trí tuệ minh mẫn không ngờ. Họ thường đọc sách mà không cần kính và vẫn làm những việc thường làm.

Đời sống xã hội tích cực và gắn kết

Theo Maria Chiara Fastame, một nhà tâm lý học tại Đại học Cagliari (Ý), khác với nhiều nơi ở Ý, người già ở vùng Sardinia không được đưa đến viện dưỡng lão mà vẫn sống tại nhà. Nếu không có người thân, những người lớn tuổi sẽ được chăm sóc bởi hàng xóm và ngôi nhà chính là không gian tiếp xúc hàng ngày giữa người già và người trẻ. Người cao tuổi nơi đây cũng không bị coi là gánh nặng mà là những cao nhân giúp truyền tải các giá trị và hiểu biết xã hội. “Họ được xem là nguồn tài nguyên đối với cộng đồng” – bà Fastame khẳng định.

Lợi ích của mối quan hệ khăng khít với gia đình và xã hội đối với sự trường thọ đã được khẳng định bởi một nghiên cứu công bố năm 2017 của Đại học Cagliari, trong đó phát hiện những người lớn tuổi ở “vùng xanh Sardinia” tham gia các hoạt động xã hội và giải trí nhiều hơn hẳn so với người già ở các khu vực khác.

Tinh thần càng tốt, sức khỏe càng tốt

Sarah Harper, giáo sư về lão khoa tại Đại học Oxford (Anh) khẳng định đời sống xã hội rất quan trọng trong việc giúp người ta sống lâu hơn, nó “có tác động tương tự như lối sống lành mạnh, ăn uống tốt, không hút thuốc và hạn chế thức uống có cồn”. Nhà tâm lý Paul Hitchcott thuộc Đại học Caligari cũng thấy rằng ở trung tâm Sardinia, dân số già nhiều hơn mức bình thường, họ ít có dấu hiệu trầm cảm và “đề kháng tốt với những tác động sức khỏe thường thấy ở tuổi già”. Nghiên cứu của chuyên gia Hitchcott cũng phát hiện người lớn tuổi ở đây có trí nhớ làm việc tốt hơn người già ở miền Bắc nước Ý do tham gia hoạt động xã hội và vận động thể chất nhiều hơn – những khía cạnh giúp thúc đẩy sức khỏe thể chất và tâm lý. 

THANH TRÚC (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết