22/09/2009 - 20:24

Đồng bằng sông Cửu Long

Giá cá tra nguyên liệu tăng-
người nuôi cá vẫn lo !

Chế biến cá tra xuất khẩu.

Sau nhiều tháng thăng trầm trên thị trường nhập khẩu, đầu tháng 9-2009, giá sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá tra Việt Nam có thể đạt 1,5 tỉ USD trong năm 2009. Tuần qua, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhích lên so với cuối tháng 8-2009, nhưng người nuôi vẫn lo ngại và số người bỏ ao nuôi cũng gia tăng. Việc thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến sẽ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng có ý kiến cho rằng, việc thiếu hụt này làm cho cán cân cung- cầu cân bằng trở lại...

Lợi nhuận thấp

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ), trong tổng số lợi nhuận thu được trên 1kg cá tra, doanh nghiệp (DN) chiếm 78,5%, người nuôi 19,4% và thương lái 2,1%. Trong khi đó, giá thức ăn cho cá, tiền lương công nhân và nhiều khoản khác lại tăng trội hơn so với mức tăng giá cá trên thị trường. Hệ quả là người nuôi bỏ ao nuôi ngày càng nhiều. Đơn cử tại TP Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra đến cuối tháng 8-2009 chỉ gần 1.250 ha, bằng 89% so cùng kỳ năm 2008. Một số địa phương khác như: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang... diện tích nuôi cá tra năm 2009 cũng giảm đáng kể...

Từ giữa tháng 9-2009 đến nay, thị trường xuất khẩu khởi sắc, giá cá nguyên liệu tại ĐBSCL tăng khoảng 200 đồng/kg so với cuối tháng 8-2009. Giá cá nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 15.200 đồng/kg, nhưng người nuôi cá vẫn chưa hết lo ngại, bởi với giá này chỉ lời chút ít nếu nắm vững kỹ thuật. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cho biết: “Giá cá tra nguyên liệu loại 1 nhích lên và đang ở mức 15.200 đồng/kg, nhưng ít người nuôi cá bán được với mức giá này. Vì cá loại 1 chỉ có người nắm vững kỹ thuật mới đạt và chỉ 10% trong tổng số hộ nuôi bán được giá này. Đa phần chỉ bán với giá 14.800- 15.000 đồng/kg”. Theo ông Hải, với giá mua cá nguyên liệu hiện tại của DN, nếu người nuôi cá được hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của Chính phủ thì số người huề vốn chỉ khoảng 10%, nhưng có đến 90% bị thua lỗ vì giá thành nuôi đã 14.500-15.000 đồng/kg. Mặt khác, từ nay đến cuối năm, giá cá tra nguyên liệu khó tăng cao dù nhu cầu ở thị trường nhập khẩu vào mùa Noel, Tết dương lịch 2010 đang tăng, nhưng DN phải giao hàng trước 1 tháng. Do vậy, đến giữa tháng 11 đến hết năm 2009, DN chỉ thu mua để trữ kho và chờ hợp đồng thương mại vào đầu năm 2010.

Mặc dù giá xuất khẩu cá thành phẩm tăng so với trước, DN được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga, EU cũng tăng nhưng chưa thể vực dậy được thị trường vốn trầm lắng thời gian khá dài. Các chuyên gia dự báo, 6 tháng cuối năm 2009, tỷ lệ người nuôi cá tra bỏ ao ở vùng ĐBSCL là 20-30% so với đầu năm 2009. Tỷ lệ này sẽ tăng 30-40% vào đầu năm 2010, nếu giá cá vẫn đi theo chiều ngang. Nhiều dự báo được đưa ra là nhà máy sẽ thiếu nguồn nguyên liệu chế biến vào đầu năm 2010. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho rằng, với tỷ lệ giảm diện tích nuôi hiện tại, cán cân cung- cầu trên thị trường sẽ cân bằng trở lại. Do những năm gần đây, diện tích nuôi cá toàn vùng phát triển quá “nóng” và vượt xa sức cầu trên thị trường. Rồi tình trạng tranh mua- tranh bán của các DN trong ngành chế biến thủy sản cũng góp phần “đè” giá cá xuống. Rốt cuộc người nuôi lãnh đủ!

Ông Nguyễn Văn Viễn, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cho biết: “Vốn đầu tư nuôi cá rất lớn, nên chỉ cần bị ách ở một khâu nào trong tiêu thụ là người nuôi gặp khó ngay. HTX vẫn nuôi ổn định với khoảng 30ha, sản lượng khoảng 5.000- 7.000 tấn cá nguyên liệu/năm. Với giá cá hiện tại, trong điều kiện dịch bệnh ít, người nuôi đạt kích cỡ thì lời khoảng 500 đồng/kg, nhưng không dễ, do giá thị trường biến động liên tục”. Do vốn đầu tư nuôi cá tra khá cao, người nuôi ngoài vay vốn ngân hàng còn phải mua nợ thức ăn cho cá tại đại lý. Trong khi trên thực tế, người nuôi cá phụ thuộc rất nhiều vào DN chế biến. Nếu giá cá đang ở mức cao, nguồn nguyên liệu thiếu hụt, DN sẽ tìm đến tận nhà mua. Ngược lại, có trường hợp người nuôi phải bán cá chịu cho DN và việc trễ hẹn trả tiền là chuyện thường!

Chọn phương án an toàn

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nuôi cá tra đã 4 năm qua, nhận định: “Cá tra xuất khẩu với kim ngạch hằng năm trên 1 tỉ USD, sản phẩm nhiều lợi thế. Nhưng không chi phối được thị trường xuất khẩu mà bị thị trường chi phối lại bằng rào cản kỹ thuật, thương mại”. Giá cá ở An Giang được DN mua ở mức 14.600- 14.800 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 14.500- 15.000 đồng/kg. Theo ông Nhị, hội nhập kinh tế, nông dân phải sản xuất- kinh doanh tuân thủ cơ chế thị trường. Song, vấn đề này còn khá mới mẻ đối với đa số nông dân, họ chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng hội nhập, nên luôn loay hoay khi thị trường biến động. Hai năm trước, người nuôi cá tra trở thành tỉ phú là chuyện thường, còn hiện tại trong số họ đã có người trở thành con nợ, phải ly hương tìm kế sinh nhai. Cho nên, số hộ nuôi cá hiện tại rất dè dặt và có người chấp nhận nuôi gia công do không đủ vốn đầu tư tiếp.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và ở một số nước nói riêng vẫn chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, nên rào cản kỹ thuật và thương mại ngày càng dày, do đó DN và nông dân cần bình tĩnh trong sản xuất- kinh doanh. Các chuyên gia và những người nuôi cá có kinh nghiệm lâu năm cho rằng, người nuôi cá tra nên thận trọng, gạt bỏ tư tưởng thua vụ này thì vụ sau nuôi gỡ lại vốn. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX thủy sản Thới An, nói: “Việc phát triển quá nóng về diện tích không chỉ người nuôi cá bị thiệt hại nặng nề thêm mà môi trường cũng bị tác động rất lớn. Nếu không thận trọng và tuân thủ qui hoạch sẽ ngày càng lún sâu vào thua lỗ rất khó gỡ. Nếu có hợp đồng nuôi cá và được bao tiêu thì nuôi, hoặc chọn gia công”. Năm 2009, HTX Thới An nhận nuôi gia công và có hợp đồng với Công ty Hùng Vương, dự kiến sẽ giao khoảng 20.000 tấn cá nguyên liệu. Điều trước tiên, cần có qui hoạch vùng nuôi cụ thể nhằm đảm bảo phát triển ổn định, bền vững...

Hiện nay, một số tỉnh đang bắt tay vào rà soát và qui hoạch lại vùng nuôi cá tra. Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL đã có những cuộc họp giao ban thường xuyên với các tỉnh nhằm cung cấp thông tin cung- cầu, dự báo thị trường giúp người nuôi, DN định hướng sản xuất. Hiệp hội Nuôi và Chế biến cá tra ĐBSCL cũng đang được xúc tiến vận động thành lập, đây là điều kiện để các địa phương trong vùng nuôi cá tìm tiếng nói chung. Thêm vào đó, một số tỉnh như Tiền Giang đã thí điểm xây dựng vùng nuôi cá tra theo qui trình SQF 1000 với diện tích khoảng 25,41 ha; DN chế biến ở TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang... cũng bắt tay vào xây dựng vùng nuôi cá phục vụ nhu cầu chế biến của nhà máy. Nếu qui hoạch được kiểm soát chặt chẽ, cán cân cung- cầu được dự báo chính xác, việc nuôi cá tra của vùng ĐBSCL sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực, hiệu quả và bền vững hơn.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết