14/12/2017 - 14:38

Ghi nợ tiền sử dụng đất - thuận lợi đi đôi với ràng buộc 

Sau khi bị giải tỏa bởi dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, năm 2015, ông Nguyễn Văn Lành, ở khu vực Thới Trinh A (phường Thới An, quận Ô Môn), được chính quyền và ngành chức năng ở quận Ô Môn xem xét, giải quyết bố trí một nền tái định cư ở Khu tái định cư Đường tỉnh 920B, thuộc khu vực Thới Trinh A, phường Thới An. Sau đó, gia đình ông tiến hành xây dựng nhà ở ổn định cho đến nay. Ông Lành phấn khởi nói: “Có được chỗ ở ổn định, gia đình tôi mừng lắm! Ngày nhận quyết định giao nền nhà, tôi thực hiện ngay thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Biết được hoàn cảnh khó khăn của tôi, cán bộ địa phương hướng dẫn thực hiện đăng ký ghi nợ tiền sử dụng đất. Giờ đây, gia đình tôi an tâm lao động, ổn định đời sống”.

Do hoàn cảnh kinh tế gặp khó khăn, ông Huỳnh Tuấn Kiệt đã đăng ký việc ghi nợ tiền sử dụng đất, khi tiến hành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Ảnh: CHẤN HƯNG

Trường hợp của ông Huỳnh Tuấn Kiệt, một hộ dân gặp khó khăn về nhà ở phường Thới An, được xem xét, giải quyết bố trí nền nhà ở tại Khu tái định cư Đường tỉnh 920B. Hiện nay, ông đã hoàn thành việc đăng ký quyền sử dụng đất và cũng ghi nợ tiền sử dụng đất, với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng. Ông Kiệt nói: “Gia đình tôi khó khăn nên khi được xem xét, giải quyết ghi nợ tiền sử dụng đất, tôi mừng lắm. Gia đình cố gắng lao động, sản xuất, tích góp dần để sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định”.

Việc ghi nợ tiền sử dụng đất được chính quyền và ngành chức năng triển khai, thực hiện trong nhiều năm nay, góp phần tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngành chức năng quận Ô Môn đã xem xét, giải quyết cho 90 trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất. Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014, hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất. Trường hợp khó khăn về tài chính có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận, sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận; hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất; hoặc hồ sơ giao đất tái định cư; hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất.

Khu tái định cư Đường tỉnh 920B, ở phường Thới An, quận Ô Môn, có nhiều hộ dân đăng ký ghi nợ tiền sử dụng đất, khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: CHẤN HƯNG

Tuy nhiên, nhiều người sử dụng đất không khỏi thắc mắc về các quyền của người sử dụng đất khi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn ghi nợ. Tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013, quy định: “… Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền”. Tại khoản 1 và khoản 2, Điều 16 của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất nêu rõ: “Người sử dụng đất được trả nợ dần trong thời hạn tối đa 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn...”.

Như vậy, việc ghi nợ tiền sử dụng đất nhằm tạo thuận lợi cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong đăng ký quyền sử dụng đất và quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, người được ghi nợ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng bị ràng buộc để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình trước khi được hưởng toàn bộ quyền của người sử dụng đất theo quy định.

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết