13/07/2017 - 17:12

Gây mê – hồi sức: Hỗ trợ hiệu quả cho phẫu thuật

TTH.VN - Sau thành công của mỗi ca phẫu thuật, người bệnh và thân nhân thường hay khen ngợi phẫu thuật viên mà quên rằng, để ca phẫu thuật thành công, cần sự đồng lòng chung sức của ê kíp phẫu thuật, trong đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của đội ngũ gây mê hồi sức.

Sau thành công của mỗi ca phẫu thuật, người bệnh và thân nhân thường hay khen ngợi phẫu thuật viên mà quên rằng, để ca phẫu thuật thành công, cần sự đồng lòng chung sức của ê kíp phẫu thuật, trong đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của đội ngũ gây mê hồi sức.

Anh Lý Minh Thắng (41 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang) vừa trải qua cuộc phẫu thuật bóc tách khối u quái ác to, đẩy lệch một bên tim và làm xẹp một bên phổi khiến anh khó thở. Đến thăm anh Thắng tại Khoa Ngoại lồng ngực, mạch máu BV Đa khoa TP Cần Thơ sau phẫu thuật, vợ chồng anh tấm tắc khen: "Các bác sĩ tài thiệt, mổ mà tôi không đau gì hết. Ba ngày sau mổ, tôi đã ăn uống, đi lại bình thường. Bác sĩ nói nay mai có thể xuất viện".

Bác sĩ Phạm Thiều Trung thực hiện gây tê ngoài màng cứng cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Bác sĩ CKII Phạm Thiều Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, anh Thắng không đau sau mổ nhờ được các bác sĩ thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng liên tục. Do phải trải qua cuộc mổ ngực, nơi có rất nhiều dây thần kinh và cơ liên sườn, bệnh nhân rất đau đớn. Vì thế, thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng liên tục giúp người bệnh sau mổ gần như không đau, không cần thở máy, có thể ăn uống sớm, không mất sức, hồi phục sức khỏe nhanh. Ngoài kỹ thuật trên, các bác sĩ còn thực hiện nhiều kỹ thuật khác nhằm gây mê hiệu quả, giúp các phẫu thuật viên yên tâm thực hiện cuộc mổ như: gây mê thông khí một phổi; đo áp lực tĩnh mạch trung tâm và đo huyết áp động mạch xâm lấn giúp các bác sĩ theo dõi huyết áp bệnh nhân liên tục, chính xác...

Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức là khoa đông "quân số" nhất BV Đa khoa TP Cần Thơ, với 47 bác sĩ và điều dưỡng, đảm đương 16 phòng mổ. Khoa tiếp nhận 30 – 40 ca mổ/ngày, trong đó, khoảng 20% bệnh nhân nặng, phải thực hiện các cuộc mổ lớn. Nhờ dự án trang thiết bị BV hiện đại do Pháp tài trợ từ nguồn vốn ODA, khoa được trang bị hệ thống hàng chục máy thở và máy gây mê hiện đại, có chức năng điều chỉnh tất cả thông số sinh tồn của người bệnh. Do đó, quá trình phẫu thuật, các bác sĩ có thể theo dõi sát sao bệnh nhân, giúp cuộc mổ đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở nguồn nhân lực được chủ động đào tạo, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, dự kiến giữa tháng 12 -2016, BV Đa khoa TP Cần Thơ bắt đầu thực hiện mổ tim với 3 bệnh nhân đầu tiên, có sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia phẫu thuật tim đến từ BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Ê kíp mổ tim của BV có 16 cán bộ Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Đặc biệt, Khoa được trang bị các máy móc hiện đại phục vụ kỹ thuật mổ tim, gồm 2 máy tim phổi nhân tạo, thay thế vai trò hoạt động của tim phổi bệnh nhân trong quá trình các phẫu thuật viên thực hiện thao tác phẫu thuật trên trái tim.

Các chuyên gia ngoại khoa cho rằng, vai trò của đội ngũ gây mê hồi sức góp 70% tỷ lệ thành công các ca phẫu thuật tim hở, vì mỗi ca phẫu thuật đòi hỏi thực hiện nhiều kỹ thuật gây mê quan trọng. Thứ nhất là làm cho tim phổi bệnh nhân ngừng đập; điều khiển tim phổi nhân tạo thay thế. Công việc này rất nhiều áp lực, trong khi tim và phổi ngưng hoạt động, người bệnh phải được duy trì oxy, máu và năng lượng nuôi các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, quá trình mổ tim, bệnh nhân sử dụng lượng thuốc chống đông rất lớn và sau khi phẫu thuật xong, phải hóa giải chất chống đông, cho tim bệnh nhân đập trở lại. Nếu phẫu thuật viên sử dụng các thiết bị thay thế cho người bệnh như: mảnh ghép, van nhân tạo, có nguy cơ huyết khối ở các vị trí này rất lớn. Do đó, đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng gây mê hồi sức phải theo dõi liên tục các yếu tố đông máu... Thực tế cho thấy, lĩnh vực gây mê hồi sức của BV Đa khoa TP Cần Thơ phát triển song hành cùng các kỹ thuật cao của BV. Trước đây, nhiều người cho rằng mổ tim tại miền Tây là không tưởng, nhưng đến nay, BV Đa khoa TP Cần Thơ là đơn vị thứ 4 của vùng triển khai kỹ thuật cao này, giúp người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Những thành công đáng ghi nhận của đội ngũ gây mê hồi sức BV Đa khoa TP Cần Thơ góp phần vào bước tiến chung của ngành gây mê hồi sức trong vùng, thông qua Chi hội Gây mê hồi sức ĐBSCL. Khi mới thành lập, cả vùng có hơn 100 hội viên, 21 bác sĩ có trình độ CKI trở xuống. Đến nay, Chi hội có khoảng 1.000 hội viên và hơn 250 bác sĩ CKI, trong đó có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa. Định kỳ hằng năm, Chi hội tổ chức hội nghị khoa học chuyên ngành, với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước giúp hội viên cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của vùng phát triển mạnh mẽ. Năm nay, nhiều đề tài tiêu biểu của các chuyên gia đầu ngành được báo cáo tại hội nghị như: "Nghiên cứu hiệu quả an thần của propofol có kiểm soát nồng độ đích kết hợp với fentanyl trong điều trị chấn thương sọ não nặng" của Tiến sĩ, bác sĩ CKII Phạm Văn Hiếu, BV Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre); "Đánh giá kết quả gây mê hồi sức trong thay mảnh ghép động mạch chủ bụng dưới thận tại BV Đa khoa TP Cần Thơ" của bác sĩ CKII Phạm Thiều Trung. Điều dưỡng Phạm Hoàng Vũ, gắn bó 2 năm với Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, BV Đa khoa TP Cần Thơ, chia sẻ, qua các hội nghị, học hỏi nhiều kiến thức mới, giúp công tác chuyên môn đạt hiệu quả hơn.

Sau mỗi ca phẫu thuật, thành công có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm công tác gây mê. Những đóng góp âm thầm của đội ngũ này góp phần mang lại cho người bệnh và gia đình bệnh nhân niềm vui và sức khỏe.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết