01/07/2010 - 08:27

Gay cấn vụ Mỹ bắt nghi phạm gián điệp Nga

Anna Chapman, một trong những nghi phạm gián điệp Nga vừa bị Mỹ bắt giữ, từng làm việc ở Anh. Ảnh: Sipa Press

Vụ 11 người bị các lực lượng phản gián Mỹ bắt giữ vì tình nghi làm gián điệp cho Nga có nguy cơ biến thành “cuộc chiến ngoại giao quốc tế” chống Mát-xcơ-va. Trong số những người bị bắt đó có 1 công dân Canada và 3 người từng được sinh ra tại nước này. Các quan chức Anh và Ireland ngày 29-6 tuyên bố họ đang tiến hành điều tra báo cáo của Mỹ cho biết một số nghi can điệp viên Nga đã sử dụng giấy thông hành giả của các công dân nước họ.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các cáo buộc của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) là vô căn cứ, thể hiện “tinh thần thời Chiến tranh lạnh” và có thể phương hại các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước, nhưng một số thế lực chống đối Nga tại Mỹ vẫn tiếp tục đưa ra những đánh giá quá mức về mối đe dọa của tình báo Nga. Hãng tin Mỹ AP ngày 29-6 cho biết họ đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại cựu điệp viên người Nga Oleg Gordievsky đang sinh sống tại Luân Đôn, theo đó ông này “ước đoán” Nga có khoảng 50-60 cặp tình báo “bất hợp pháp” hoạt động bên trong nước Mỹ. Gordievsky còn nói rằng các sĩ quan tình báo Nga được tuyên bố tại Mỹ khoảng 400 người viên chức ngoại giao và quân sự chịu trách nhiệm thu thập thông tin mật.

Trong khi đó, báo Telegraph của Anh dẫn lời Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Anh (MI5) Jonathan Evans cho biết, các “sĩ quan nằm vùng chính thức” là những người được hưởng quy chế ngoại giao, còn các “điệp viên nằm vùng không chính thức” là doanh nhân hay thành viên các tổ chức phi chính phủ. Ngoài hai loại tình báo trên, “tình báo bất hợp pháp” sử dụng giấy tùy thân giả, hoạt động “nằm vùng” hết sức bí ẩn và thường mốc nối tuyển dụng cộng tác viên là những đối tượng có vai trò quan trọng ở nước sở tại. Trên trang thông tin trực tuyến của mình, MI5 nhận định số sĩ quan tình báo Nga tại Luân Đôn bằng mức thời Xô-viết, rằng “ít nhất 20 người đang tham gia các hoạt động chống lại các lợi ích của nước Anh”.

Tờ Guardian dẫn nguồn tin từ các quan chức phản gián của MI5 thì nói rằng hiện có 30 điệp viên hoạt động cho tòa đại sứ và cơ quan thương mại Nga tại Luân Đôn. Theo MI5, các hoạt động tình báo của Liên Xô trong quá khứ chủ yếu tập trung lĩnh vực chính trị và quân sự, nhưng trong thời đại ngày nay, tình báo Nga nói riêng và của nhiều nước trên thế giới nói chung thường tìm kiếm các công nghệ thông tin mới, kỹ thuật gien, hàng không, quang học, điện tử và một số lĩnh vực khác. Tình báo thương mại cũng là một trong lĩnh vực được nhiều nước quan tâm hơn so với quá khứ. Người ta cho rằng dưới trào Tổng thống Dmitry Medvedev - cựu chủ tịch tập đoàn khí đốt Gazprom, các chính sách về an ninh năng lượng quốc gia, trữ lượng và công nghệ khai thác dầu khí của phương Tây là vấn đề đặc biệt quan trọng được Điện Kremlin lưu ý cho các cơ quan tình báo.

Dẫu vậy, Bộ Ngoại giao Nga ngày 29-6 khẳng định những người bị Washington bắt giữ vì tình nghi làm gián điệp cho Nga không hề thực hiện bất cứ hành động nào chống lại lợi ích của Mỹ. Phát biểu trước báo giới tại Mát-xcơ-va, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Andrei Nesterenko nói: “Chúng tôi đang đề cập về các công dân Nga, những người tới Mỹ vào nhiều thời điểm khác nhau và không hề có bất cứ hành động trực tiếp nào chống lại các lợi ích của Mỹ”. Ông nhấn mạnh phía Mỹ cần đảm bảo để những nghi phạm này được đối xử bình thường tại nơi họ bị giam giữ, cũng như các nhân viên Lãnh sự quán của Nga và luật sư được quyền tiếp cận với họ. Nga cũng đã yêu cầu một sự giải thích rõ ràng từ phía Washington về vụ “bê bối điệp viên” này, tuy nhiên, hiện Mát-xcơ-va vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.

PHÚC GIA AN
(Theo The Telegraph, The Guardian, AFP, AP)

Chia sẻ bài viết