01/06/2010 - 22:24

Gặt hái thành công từ trái xoài non

* Ký: CHẤN HƯNG

Vào các nhà hàng, quán nhậu, ai từng thưởng thức món dưa xoài non (có vị chua chua, chát chát của xoài pha lẫn với độ ngọt thanh của đường cát, vị mằn mặn của muối và vị the, cay cay của ớt), chắc hẳn đều gật đầu khen ngon. Trái xoài non, ngày trước chẳng mang lại giá trị kinh tế gì, nhưng hiện nay, với đôi tay khéo léo và đầu óc nhạy bén, vợ chồng anh Phạm Văn Thơ, ở ấp Tấn Phước (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã biến nó trở thành món ăn khoái khẩu, một đặc sản dân dã được nhiều người ưa chuộng...

* Năng động để thoát nghèo

Từ trung tâm TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, chúng tôi mất khoảng 2 giờ và qua 2 chuyến phà mới đến được cơ sở sản xuất dưa chua xoài non, cóc non Trường Giang (ở ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ). Hôm chúng tôi ghé thăm, anh Phạm Văn Thơ, chủ cơ sở đang cùng gia đình chuẩn bị hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, An Giang. Nở nụ cười hiền trên khuôn mặt rám nắng, anh Thơ, phấn khởi nói: “Ngày nay, dưa xoài, cóc non do cơ sở tôi làm ra được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Có được thành quả như bây giờ, ít ai biết trước đây, vợ chồng tôi đã trải qua không ít khó khăn, thậm chí nhiều lần thất bại...”. Và câu chuyện về đôi vợ chồng nghèo ngày trước đi mót xoài, về làm dưa bán kiếm tiền sống lây lất qua ngày, đến nay trở thành tỉ phú, nổi tiếng khắp nơi, được nhiều lão nông ở đây kể cho nhau nghe như chuyện cổ tích thuở xưa...

Anh Phạm Văn Thơ giới thiệu sản phẩm do cơ sở làm ra. Ảnh: V.T 

Sinh ra và lớn lên ở Chợ Mới, năm 18 tuổi, anh Thơ tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1985, anh xuất ngũ trở về quê sinh sống rồi kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, người bạn gái cùng xóm. Gia đình hai bên đều nghèo, tài sản ra riêng của anh Thơ, chị Hoa chỉ là hai bàn tay trắng và vài bộ quần áo cũ. Vợ chồng anh lao động quần quật quanh năm, với đủ nghề như làm thuê, làm mướn, giữ trâu bò, cắt cỏ thuê... Nơi trú ngụ của anh chị là căn chòi lá che mưa, che nắng cất nhờ trên khoảnh đất nhỏ, sau hè nhà người hàng xóm. Những lúc không ai thuê mướn, anh chị xin các chủ vườn cho vào lượm xoài rụng, rồi đem ra chợ bán kiếm tiền mua gạo sống đắp đổi qua ngày. Nhưng, xoài rụng bán chẳng được bao nhiêu tiền, thế là, vợ chồng anh Thơ nghĩ ra cách làm dưa xoài ngâm với muối, đem bán ở phía trước trường học. Nghề dạy nghề, từ trái xoài ngâm muối, anh chị thử ngâm xoài non với nước muối, đường và gia vị như tỏi, ớt, bột ngọt... bán thử, chẳng ngờ được khách hàng ưa chuộng, đắt như tôm tươi. Đôi mắt rưng rưng, anh Thơ nhớ lại khoảng thời gian đầu lập nghiệp. Năm 2004, anh mang lên TP Hồ Chí Minh 7 ký xoài non để bán thử. Kết quả ngoài sự mong đợi. Anh Thơ kể: “Vợ chồng tôi chỉ giao hàng đúng một đợt thì hết nguyên liệu, bởi xoài non chỉ có một mùa. Không có hàng cung ứng, khách hàng cự nự, nhưng vẫn tiếp tục đặt hàng. Năm 2006, chúng tôi quyết định vét tiền để dành lâu nay, vay mượn thêm được 3 chỉ vàng và gần 5 triệu đồng đi khắp vùng trồng nhiều xoài như: Chợ Mới, Thất Sơn, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long... để thu mua xoài non về làm dưa, cung ứng theo đơn đặt hàng”. Từ đó, mỗi tháng anh Thơ có thể cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh hơn 300kg dưa xoài, thu nhập hơn 6 triệu đồng, sau đó nâng lên 400kg/tháng, thu nhập trên chục triệu đồng. Năm 2008, anh Thơ mua được mảnh đất, cất căn nhà tường khang trang và xây dựng cơ sở sản xuất hoàn chỉnh.

Từ hai bàn tay trắng, giờ anh Thơ đã trở thành một chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra. Nhưng với anh, tháng ngày khó nhọc, vất vả mưu sinh với bao lo toan cơm áo, gạo, tiền là khoảng thời gian đáng nhớ. Vì thế, anh luôn thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cái khó với người nghèo. Hiện nay, cơ sở của anh giải quyết được việc làm ổn định cho hơn 40 lao động, với mức thu nhập bình quân hơn 50.000 đồng/người/ngày. Rảo quanh cơ sở, chúng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt ngời sáng trong không gian rôm rả tiếng nói, tiếng cười, với không khí lao động thật tất bật. Người nào việc nấy, tất cả đều nhanh tay và thành thục từng động tác đến mức điêu luyện. Trong đó, phải kể đến chị Nguyễn Thị Lành luôn dẫn đầu về khối lượng sản phẩm làm ra. Chị Lành cho biết: “Từ khi cơ sở bắt đầu thành lập thì tôi đã vào làm ở đây. Làm riết quen tay nên sản phẩm làm ra ngày một nhiều và thu nhập cũng khá hơn. Nhờ có cơ sở này, tôi có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...”.

* Uy tín và chất lượng làm nên... thương hiệu

Thành công nào mà không từng thất bại và trường hợp của anh Thơ cũng không ngoại lệ. Ban đầu, sản phẩm do anh làm ra không giòn và màu sắc không đẹp mắt, đành đổ bỏ. Sau nhiều lần thất bại, anh rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh công thức làm dưa. Từ nhiều năm nay, cơ sở Trường Giang thu gom xoài non các nơi và thuê lao động nông nhàn đến gọt vỏ xoài để làm dưa, đặc biệt là giống xoài Cát Chu là ngon nhất, cơm dày. Muốn có được miếng dưa xoài đạt tiêu chuẩn, người làm phải chọn xoài có đường kính từ 3-5cm, nếu xoài nhỏ quá, dưa sẽ có vị chát, còn lớn hơn, dưa sẽ không giòn. Sau đó gọt vỏ, chẻ ra móc cùi ngâm muối, xả nước, xên đường, ướp lạnh 3 ngày, đến ngày thứ tư là ăn được. Dưa xoài cần bảo quản trong điều kiện lạnh, dưa có thể sử dụng trong thời hạn 40 ngày. Anh Thơ cho biết: “Để có nguyên liệu sản xuất dưa xoài đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người tiêu dùng, lâu nay vợ chồng tôi không sử dụng xoài rụng mà phải trực tiếp đến các vườn xoài thu mua xoài non trên cây. Điều đáng mừng là hiện nay nhà vườn ở các tỉnh thường canh tác xoài mùa nghịch, nên nguồn nguyên liệu gần như có quanh năm”.

Hiện nay, cơ sở của anh Thơ còn sản xuất thêm món dưa cóc non, cũng chua, ngọt và giòn như xoài. Nhờ vậy mà quanh năm có đủ hàng cung ứng. Khi nào hết mùa xoài (tháng 4 và 5), anh Thơ lại chuyển sang cóc, vì loại này cho trái quanh năm và dễ thu mua. Nhờ người cháu ở TP Hồ Chí Minh tiếp thị, hiện nay đặc sản dưa xoài của vợ chồng anh Thơ đã xuất hiện ở nhiều siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, An Giang, Hà Nội... Tuy nhiên, để sản phẩm được đưa vào bày bán ở siêu thị, thời gian trước, anh Thơ phải tốn không ít công sức. Anh Thơ xác định muốn được nhiều người biết đến và tiêu thụ mạnh thì trước hết sản phẩm phải ngon, sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, sau ngày thành lập cơ sở, anh đã nhiều lần tới lui các cơ quan chức năng để đăng ký nhãn hiệu độc quyền hàng hóa, với tên gọi “Cơ sở sản xuất dưa chua xoài non, cóc non Trường Giang”. Từ đó, sản phẩm của anh đưa ra tiêu thụ được thị trường chấp nhận và các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cuối năm 2008, anh Thơ tham gia Hội chợ triển lãm ở tỉnh Sóc Trăng và đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế cấp Bằng chứng nhận đạt tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm và nhận Huy chương Vàng của Ban tổ chức Hội chợ cho sản phẩm dưa xoài non chua ngọt Trường Giang.

Vốn vươn lên từ gian khó cộng với bản chất của người lính, anh Thơ rất nghiêm túc trong việc dạy dỗ con cái. Anh chị có 2 người con trai, sau khi học xong THPT, cả 2 đều ở nhà phụ giúp cha mẹ trông nom cơ sở. Một ngày mới bắt đầu, các thành viên trong nhà anh Thơ ai nấy đều có việc. 2 người con của anh Thơ phụ trách mua nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu; anh Thơ lo khâu tẩm ướp nguyên liệu và đóng gói sản phẩm. Còn chị Hoa đảm đương việc nội trợ, khi rảnh tay thì quay sang phụ tiếp trông nom cơ sở. Dù cuộc sống khấm khá so với trước, trong nhà cũng có nhiều loại xe gắn máy đắt tiền, nhưng anh Thơ vẫn “cưng” chiếc Honda cúp 50 ngày nào. Cứ cách đôi ba ngày, anh mang nó ra lau chùi, kiểm tra và sửa chữa lại một số bộ phận. Anh Thơ nói: “Chiếc xe này với tôi có rất nhiều kỷ niệm. Lúc mới khởi nghiệp, tôi đã rong ruổi cùng nó đi nhiều nơi tìm mua nguyên liệu. Có hôm nó trở chứng tôi phải dắt bộ vài cây số, mồ hồi nhễ nhại khắp người. Ngày ngày, tôi vẫn đi lại bằng chiếc xe này. Nhiều bạn bè hỏi sao ông chủ mà đi xe cà tàng thế, tôi chỉ biết mỉm cười cho qua chuyện”. Dù kỹ tính, nhưng theo nhiều lao động ở cơ sở của anh Thơ cho biết, anh là người sống chí tình, chí nghĩa, thường giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Lành cho biết: “Biết được gia cảnh người nào gặp khó, vợ chồng anh Thơ thường đến giúp đỡ, khi thì tiền bạc, lúc thì thực phẩm. Riêng mấy em học sinh nghèo, thì cứ vào đầu năm học, anh chị mua tập sách, quần áo gởi tặng, giúp các em có điều kiện học hành tốt hơn”...


* * *

Thành công và niềm tự hào của anh Thơ là góp phần cùng chính quyền địa phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, giúp họ cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Không dừng lại ở mặt hàng dưa xoài non và cóc non, sắp tới, anh Thơ sẽ làm thêm dưa kim chi. Bước sang lĩnh vực mới, tin rằng với bản tính chịu thương, chịu khó, quyết tâm làm giàu chính đáng, anh sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa, góp phần giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, giải quyết việc làm cho lao động nghèo ở địa phương, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, chung tay góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chia sẻ bài viết