05/03/2017 - 16:31

Gặp “Út Bún riêu” của “Đường đến danh ca vọng cổ”

Nghệ nhân Ưu tú Trường Út vốn quen thuộc trong làng đờn ca tài tử Cần Thơ. Nhưng gần đây, Trường Út tham gia chương trình "Đường đến danh ca vọng cổ"(*) và tạo dấu ấn qua biệt danh "Út Bún riêu", bởi anh là chủ một quán bún riêu nhỏ ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Dù dừng bước ở vòng 4 của cuộc thi nhưng những vai diễn của anh được khán giả mến mộ.

"Út Bún riêu" dành cho báo Cần Thơ cuộc trò chuyện ngắn:


 Trở về từ cuộc thi "Đường đến danh ca vọng cổ", điều gì khiến anh nhớ nhất?

- Đó là tình cảm của người hâm mộ dành cho Trường Út. Khi lên TP Hồ Chí Minh dự thi, nhiều bạn trẻ vây quanh tôi và gọi "Út Bún riêu" đầy tình cảm. Trên trang mạng xã hội Facebook và kênh Youtube, nhiều người mộ điệu đã bình luận dành nhiều tình cảm cho Trường Út. Mới đây, một kỹ sư trẻ từ TP Hồ Chí Minh đã tìm về Cần Thơ chỉ để… ăn bún riêu ở quán nhà tôi. Đó là hạnh phúc của một tài tử như Trường Út.

 Có phải họ hâm mộ giọng ca và diễn xuất của anh?

- Trường Út không nghĩ vậy. Đó là sức hút của cải lương, vọng cổ, âm nhạc dân tộc. "Đường đến danh ca vọng cổ" là chương trình truyền hình thực tế mang hơi thở đương đại cho cải lương. Khán giả trẻ yêu thích phần thi diễn của tôi là bởi họ tìm được sự đồng cảm, gần gũi với cải lương. Tôi chỉ là người chuyển tải sự đồng cảm đó thôi (cười).

 Vậy, anh có đồng ý với việc cách tân, làm mới cải lương, vọng cổ không?

- Nhiều người cứ trách giới trẻ bây giờ xa lạ, không mặn mòi với cải lương. Nhưng qua chương trình "Đường đến danh ca vọng cổ", tôi thấy lời trách này thật oan. Bằng chứng là mỗi lần chương trình phát sóng, đồng thời phát trên kênh Youtube, đều có hàng triệu lượt xem và bình luận, chủ yếu là người trẻ. Họ bày tỏ sự yêu thích cải lương. Như Trường Út đã nói, bạn trẻ thích thú khi những bản nhạc "hit" như "Nếu em được lựa chọn", "Như phút ban đầu", "Chuyện tình nhà thơ"… hay những bộ phim "Mỹ nhân kế", "Thằng gù nhà thờ Đức Bà"… được chuyển thể cải lương, vọng cổ. Đó là cách để âm nhạc truyền thống tiệm cận với hơi thở cuộc sống hiện đại. Trường Út rất đồng tình.

 Là một nghệ nhân tài tử, anh học hỏi được những gì qua lần thử sức với vọng cổ, cải lương này?

- Trường Út học được nhiều. Bởi ca tài tử chủ yếu là giọng hát còn cải lương đòi hỏi kỹ thuật ca, diễn kết hợp, mà mình lại là "ngoại đạo". Tôi nhớ mãi tình cảm của huấn luyện viên cũng như các nghệ sĩ cải lương gạo cội đã tận tình tập luyện cho tôi cách ca vọng cổ trong cải lương, cách diễn ăn ý với bạn diễn… Tôi ấn tượng với tiết mục "Số phận mãi là số phận" mà huấn luyện viên viết và dàn dựng cho tôi, bắt đúng tâm tư của một Trường Út bán bún riêu mê vọng cổ. Nhưng cái được lớn nhất với riêng tôi là có thêm động lực và cảm hứng để trọn lòng theo nghiệp cầm ca.

 Xin cảm ơn và chúc anh thành công!


(*): Chương trình phát lúc 20 giờ 45 phút thứ bảy hằng tuần trên kênh HTC- Thuần Việt và trên kênh Youtube.

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết