21/06/2018 - 16:13

Gắn kết với gia đình 

Gia đình là nơi bình yên, chở che con cái trong những lúc khó khăn, thất vọng nhất. Đối với các bạn trẻ, gia đình rất thiêng liêng, là động lực để vững bước trong cuộc đời...

Đi qua xung đột…

Thanh Duy (17 tuổi) có khuôn mặt sáng, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Thanh Duy chơi khá hay các loại đàn guitar, ukulele, trống cajon… Những buổi văn nghệ ở trường và các chương trình giao lưu với các trường bạn hiếm khi vắng Duy. Duy hào hứng nói: “Em mê văn nghệ nên tự học cách chơi các nhạc cụ trên mạng rồi tập luyện với bạn bè cùng sở thích. Tương lai em muốn theo con đường nghệ thuật. Ngoài việc học, em chỉ nghĩ đến âm nhạc”. Thế  nhưng cha mẹ Thanh Duy không muốn con theo con đường nghệ thuật. Cha Duy công tác ngành Công an nên muốn con nối nghiệp, mẹ Duy cũng đồng tình. Có thời điểm Duy và cha mẹ "căng thẳng" nên ít trò chuyện với nhau, bởi Duy nghĩ chỉ có thể làm tốt những việc say mê. Mặc dù vậy, những lần về quê, Duy rất vui vẻ, tránh nhắc lại mâu thuẫn với cha mẹ. Thanh Duy nói: “Cha mẹ luôn yêu thương, lo lắng cho em. Bây giờ, em cố gắng học tốt, còn chuyện nghề nghiệp sau này sẽ thuyết phục cha mẹ bằng những hành động cụ thể”.

Hồng Hân và mẹ trong một chuyến du lịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy mệt mỏi vì cha mẹ luôn nghĩ tôi còn nhỏ như hồi mới vào đại học”- Tấn Đạt (28 tuổi) chia sẻ. Cách vài hôm, cha gọi điện căn dặn Đạt chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe; phải khóa cửa, khóa xe gắn máy cẩn thận để chống trộm… 1-2 tháng, mẹ cất công đến Cần Thơ thăm Đạt một lần, với những nhắc nhở, làm sôi động góc nhà trọ. Mẹ Đạt dành cả buổi đến siêu thị, mua cho Đạt đủ thứ vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Tấn Đạt cho biết: “Thấy món gì vừa ý mẹ cũng mua về cho tôi, từ dụng cụ nhà bếp đến quần áo. Biết là phí tiền nhưng tôi không dám góp ý vì ngại mẹ giận!”. Biết tính cha mẹ hay lo lắng nên Đạt làm quen dần, không còn cau có để tạo hòa khí cho cả nhà.

Gia đình là động lực

Trước đây, Nguyễn Hồng Hân (20 tuổi, sinh viên) từng có thời gian mâu thuẫn với mẹ vì mẹ muốn Hân làm bác sĩ hoặc dược sĩ, trong khi, Hân thích làm việc ở các công ty nước ngoài. Để thuyết phục mẹ, Hân cố gắng học tốt và thi đậu đại học. Hồng Hân cho biết: “Mẹ luôn lắng nghe ý kiến và chia sẻ với tôi như một người bạn. Cha mẹ ly hôn khi tôi chưa chào đời và mẹ phải buôn bán vất vả để nuôi tôi khôn lớn, học hành đỗ đạt. Vì vậy, tôi rất biết ơn và yêu thương mẹ”. Hơn năm nay, mẹ Hân mắc bệnh hở van tim nên sức khỏe dần suy giảm. Hằng tuần, Hân từ TP Cần Thơ về Sóc Trăng thăm mẹ. Hồng Hân xin vào làm thêm quán trà sữa để kiếm tiền trang trải chi phí học tập, để mẹ nhẹ gánh lo. 

Mẹ của Võ Thị Mỹ Loan (sinh viên ngành Giáo dục công dân Trường Đại học Cần Thơ) bị thiểu năng từ nhỏ. Mỹ Loan không biết cha là ai. 20 năm qua, mẹ con Loan sống trong sự đùm bọc của ông bà ngoại. Cuộc sống cả nhà đều nhờ tiền lương thương binh của bà ngoại Loan. Thương ông bà, mẹ, Loan cố gắng học và là học sinh giỏi từ cấp tiểu học. Vào đại học, Loan luôn đạt thành tích cao nhất lớp để được nhận học bổng trang trải học phí, chi tiêu sinh hoạt. Những lúc mẹ bệnh, Loan phải xin nghỉ học về phụ ngoại chăm sóc mẹ. Mỹ Loan kể: “Mẹ nói chuyện rất ngờ nghệch nhưng tôi cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho mình. Tôi mua cho mẹ điện thoại, lưu số để tiện liên lạc, trò chuyện. Ngày nào, mẹ cũng điện thoại, kể với tôi những câu chuyện không đầu, không cuối. Tôi mong muốn sau khi ra trường tìm được việc làm ổn định để phụng dưỡng ông bà và mẹ”.

Mỗi bạn trẻ mỗi gia cảnh khác nhau nhưng tất cả đều dành tình yêu thương cho gia đình. Đối với các bạn, đó là nơi sẽ trở về khi gặp bế tắc, là động lực để học tập, làm việc. Nguyễn Đức Tâm (17 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Lúc mới đến Cần Thơ đi học, em rất nhớ cha mẹ. Cuộc sống tự lập làm em tủi thân mỗi khi thấy bạn bè được gần cha mẹ. Cha mẹ luôn động viên em gắng học để sau này thi đậu vào các trường trong Quân đội, thỏa ước mơ của em và gia đình”.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
gia đình