13/12/2010 - 08:49

Game online, trò chơi ảo tác hại thật

Game online - trò chơi trực tuyến - với nhiều chiêu thức chiến đấu kịch liệt, vũ khí tối tân, hình ảnh, âm thanh hấp dẫn... đã lôi cuốn người chơi, nhất là giới trẻ, sinh viên học sinh. Trong đó, có những trò chơi bạo lực tác động xấu đến nhân cách, việc học tập của các em. Đặc biệt, các đại lý internet, trò chơi trực tuyến hoạt động gần trường học đã lôi cuốn học sinh, gây không ít lo ngại cho phụ huynh và ngành chức năng trên địa bàn TP Cần Thơ.

* HỌC SINH BỊ ẢNH HƯỞNG NẶNG NỀ

Từ đầu tháng 11-2010 đến ngày 6-12-2010, Đoàn kiểm tra liên ngành do Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra 79 đại lý cung cấp dịch vụ internet, game online trên địa bàn TP Cần Thơ. Qua đó, phát hiện 43 đại lý internet cung cấp trò chơi trực tuyến gần trường học, trong phạm vi 200m, sai với quy định của Thông tư Liên tịch số 60/2006/TTLT-BVTT-BBCVT-BCA ngày 1-6-2006 của Bộ Văn hóa Thông tin - Bộ Công an - Bộ Bưu chính Viễn thông, quy định các trách nhiệm của đại lý internet. Điều đáng quan tâm là tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các đại lý nêu trên luôn đầy ắp “game thủ nhí” mặc đồng phục học sinh của các trường đang say sưa với những trò chơi bạo lực, súng ống, máu me... Thậm chí, còn phát hiện nhiều học sinh đang truy cập những trang web đồi trụy.

Cụ thể, ngày 6-12-2010, tại đại lý internet Phương Nam (phường Hưng Phú, quận Cái Răng), Đoàn kiểm tra phát hiện T.K.N., học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa, đang truy cập trang web đồi trụy. Khi cán bộ kiểm tra giải thích những tác hại, ảnh hưởng xấu của các trang web đó đối với đạo đức, nhân cách của học sinh, thanh thiếu niên thì T.K.N. bình thản trả lời vì tò mò nên truy cập cho biết. Vào ngày 22-6-2010, tại Đại lý internet Đại Lợi (đường Hoàng Văn Thụ, phường An Cư), Đoàn kiểm tra cũng phát hiện em P.Q.Đ., học sinh Trường Bán công Phan Ngọc Hiển, đang truy cập trang web đồi trụy. Q.Đ. có thái độ không hợp tác và không nhìn nhận những sai trái của mình nên Đoàn kiểm tra nhờ Công an phường An Cư can thiệp, hỗ trợ; đồng thời, mời phụ huynh Q.Đ. trực tiếp đến trao đổi để có cách giáo dục con em.

Nhiều “game thủ” là học sinh đang say sưa chiến đấu với đối thủ trong trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực. 

Thời gian qua, các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, các trang web đồi trụy gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách, suy nghĩ, hành động của học sinh khiến nhiều em rơi vào tình trạng bế tắc, bỏ học thậm chí tìm đến cái chết... Dư luận ở khu vực ĐBSCL vẫn còn xôn xao về trường hợp em C., học sinh Trường THCS Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ngày 29-8-2010, N. (chị của C.) thay cha mẹ đi họp phụ huynh cho em xong, vừa về đến nhà đã hốt hoảng khi phát hiện C. treo cổ tự tử bằng hai mảnh khăn quàng đỏ. Sau khi C. chết, người nhà tìm thấy dưới chiếc gối nằm của C. là một bức họa đồ đường đi của game thủ được minh họa bằng những hình nhân và máy bay. Theo Ban giám hiệu Trường THCS Vĩnh Kim, trước đó C. vẫn đi học và sinh hoạt bình thường. Chiều 28-8-2010, trong lúc đang say sưa ngồi chơi game online tại khu vực gần trường học, C. bị cha bắt gặp đưa về nhà la mắng, chứ không đánh đập. Trong tuần đầu tiên của năm học mới, từ ngày 16-8 đến 22-8, C. đã trốn học hai buổi. Giáo viên chủ nhiệm hỏi, C. trả lời là có chuyện khó xử, không thể nói với cô được. Khi họp phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm của C. báo sự việc trên cho phụ huynh để có biện pháp can thiệp. Nhưng không ngờ ở nhà C. treo cổ tự tử.

Trường hợp của N. ở quận Ninh Kiều, được cha mẹ trang máy vi tính kết nối internet trong phòng ngủ, cũng rất đáng tiếc. Năm học cuối cấp, chuẩn bị vào đại học, nhưng N. thường xuyên bỏ học và cho rằng mình là người giỏi nhất, chê thầy cô dạy không hay, để mình tự học. Khi gia đình phát hiện thì N. đã bị nghiện game nặng, phải đưa đi “cai nghiện”.

Theo cán bộ Sở TT&TT TP Cần Thơ, nguyên nhân dẫn đến hành động sai lầm của giới trẻ, học sinh có thể do quá mù quáng, say mê game online. Các em đặt quá nhiều niềm tin và hy vọng vào thế giới ảo nên khi gặp thất bại thì hụt hẫng, chán đời, dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ.

*NHỮNG GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, năm học 2009-2010, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy 252 trường hợp học sinh đánh nhau. Trong đó, nhiều trường hợp học sinh đánh nhau để thể hiện bản lĩnh cá nhân, do ảnh hưởng từ những trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực. Sở GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các trường từ tiểu học đến bậc phổ thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh không chơi những trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, ảnh hưởng đến việc học hành, nhân cách... Thầy Phạm Bá Trạng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thốt Nốt, cho biết: “Trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt Đoàn, các cuộc họp phụ huynh học sinh... chúng tôi đều lồng ghép tuyên truyền về tác hại của trò chơi trực tuyến, yêu cầu học sinh không chơi trò chơi có nội dung xấu (bạo lực, cờ bạc, khiêu dâm), không chơi trò chơi không phù hợp với lứa tuổi... Trường hợp học sinh có dấu hiệu nghiện game online, nhà trường phối hợp cùng phụ huynh giáo dục, khuyên bảo để các em từ bỏ các trò chơi độc hại”.

Trong đợt kiểm tra vừa qua, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu 43 chủ đại lý cung cấp dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến di dời ra khỏi phạm vi cách trường học 200m, thời gian di dời đến hết ngày 12-12-2010. Đây là một giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh tranh thủ giờ giải lao hoặc trốn học đến các đại lý chơi game online. Ông Nguyễn Việt Thanh, Chánh Thanh tra Sở TT&TT thành phố, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành, cho biết: “Sau thời gian yêu cầu di dời, Đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra đột xuất các đại lý nêu trên. Nếu phát hiện đại lý tiếp tục cung cấp trò chơi trực tuyến gần trường học, trong phạm vi 200m, sẽ đề nghị ngành chức năng rút giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đề nghị doanh nghiệp ngưng cung cấp trò chơi trực tuyến... cho các đại lý này”.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Thanh, từ thế giới ảo của game online đang ảnh hưởng đến cuộc sống thật qua hình ảnh những thanh thiếu niên với trang phục, kiểu tóc khó coi, bắt chước những nhân vật trong game, lập những băng nhóm có “bang chủ”... Sự ảnh hưởng đó gây tác động xấu đến đạo đức, nhân cách, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Qua thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện nhiều đại lý internet có diện tích 25-30m2 nhưng chủ đại lý tận dụng tối đa để lắp đặt máy tính, cung cấp đầy đủ nước giải khát, mì tôm, lương khô... phục vụ “game thủ” chơi thâu đêm. Do đó, để ngăn chặn tình trạng học sinh nghiện game, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, cần phát huy vai trò của gia đình và nhà trường. Phụ huynh cần quản lý các phương tiện giải trí của con em mình, nếu các em thích chơi game thì nên hướng vào những trò chơi có nội dung tích cực, hạn chế thời gian chơi game và kiên quyết loại bỏ những trò chơi xấu, có nội dung bạo lực...

* * *

Thời gian qua, đã có hàng loạt vụ game thủ thua trận tự tử hoặc đi gây án giết người, cướp tài sản để có tiền sống thỏa thích trong thế giới ảo của game online. Trong đó, có nhiều game thủ là học sinh. Do đó, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và các ngành chức năng nhằm ngăn chặn học sinh nghiện game, chơi những trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, truy cập trang web xấu... là hết sức cần thiết để chặn đứng tác hại thật từ trò chơi ảo.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết