20/10/2018 - 07:56

Finca và tâm huyết của Heo Hye Young 

Được Viện Xúc tiến Doanh nghiệp Xã hội Hàn Quốc hỗ trợ, chị Heo Hye Young lên đường sang Việt Nam, chọn Cần Thơ làm nơi xây dựng và phát triển dự án Finca. Hoạt động chính của dự án là đào tạo nghề đan móc cho phụ nữ khuyết tật và xây dựng thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm này với thương hiệu VanBan. Mục tiêu của dự án là giúp phụ nữ khuyết tật có nghề phù hợp, có thu nhập và tự tin vui sống.

Thắp sáng niềm tin 

Năm 2011, chị Heo Hye Young từng đến Việt Nam với vai trò là quản lý của Dự án “Hỗ trợ xây dựng Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam”, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) kết hợp với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện, thông qua tài trợ của Quỹ Phụ nữ và Gia đình quốc tế Hàn Quốc. Dự án kết thúc vào năm 2015. Hye Young và một đồng nghiệp mong muốn có thể tiếp tục làm được điều gì đó giúp đỡ những phụ nữ khuyết tật ở Cần Thơ. Ý tưởng về Dự án Finca được đề xuất, Viện Xúc tiến Doanh nghiệp Xã hội Hàn Quốc đồng ý hỗ trợ kinh phí, chuyên gia tư vấn. Và cùng với Finca, cuối năm 2016, Heo Hye Young trở lại Việt Nam. 


Chị Hye Young (bên phải) trưng bày sản phẩm đan móc của phụ nữ khuyết tật Cần Thơ tại ngày hội việc làm cho phụ nữ diễn ra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ trong tháng 10-2018. Ảnh: MỸ TÚ

Hành trang quý nhất chị mang đến Việt Nam để thực hiện Dự án Finca là sự tận tâm. Khó có thể kể hết những khó khăn mà chị phải đương đầu trong quá trình xây dựng dự án. Sau khi 5 phụ nữ khuyết tật đã được đào tạo nghề thành thục, nguồn tài trợ của Dự án cũng không còn nhiều. Chi phí trả công cho các chị em và thuê điểm bày bán sản phẩm đều nhờ vào nguồn thu bán sản phẩm trong khi sản phẩm tiêu thụ chậm, khiến một số chị em nản lòng. “Nhưng Hye Young không nản. Chị ấy bỏ tiền cá nhân ra để trả công cho các chị và thuê nhà để tập hợp các chị em khuyết tật tới làm việc” - chị Lâm Thị Kiều Linh, ở phường An Phú, quận Ninh Kiều, một tình nguyện viên hỗ trợ chị Hye Young, kể. Không những vậy, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, chị Hye Young đem sản phẩm đến bày bán ở rất nhiều nơi- một công việc đầy vất vả và khó khăn. 

Gặp lại chị Huỳnh Thị Thành, ngụ ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, sau hơn 1 năm từ ngày chị học đan móc trong khuôn khổ Dự án Finca, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui, hạnh phúc trong đôi mắt chị. Chị Thành là nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật 2 chân, đi đứng rất khó khăn. Chị Thành tâm sự: “Tôi có 3 anh em đều khuyết tật chân nên không ai lập gia đình. Hồi trẻ tôi được học may, nhưng ngồi may lâu, sức khỏe tôi không chịu được, bác sĩ khuyên tôi bỏ nghề. Từ khi bỏ nghề may, tôi phải sống nhờ tiền trợ cấp của cha; sau đó là sự đùm bọc của anh em khi cha qua đời. Tôi luôn ao ước có được nghề, có thu nhập để tự nuôi sống mình. Và điều đó đã trở thành hiện thực khi tôi được học nghề rồi đồng hành cùng Dự án Finca và cô Hye Young”. Chị Thành chia sẻ, mỗi tháng chị kiếm được khoảng 2,5 triệu đồng từ nghề đan móc. Từ khi có việc làm, chị cảm nhận cuộc sống mình có ý nghĩa. Chị cũng mong rằng những chị em khuyết tật có điều kiện, cùng tham gia Dự án Finca, vừa góp phần xây dựng dự án, vừa làm thay đổi cuộc đời mình thêm tốt đẹp, hạnh phúc...

Những người bạn đồng hành

Khi Dự án Finca khởi động, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố làm cầu nối giới thiệu chị em khuyết tật với dự án. Sau đó, Trung tâm giới thiệu giáo viên dạy nghề đan móc lành nghề cho dự án và hỗ trợ không gian, điều kiện cơ sở vật chất cho khóa dạy nghề của Dự án. Chị Hye Young cho biết: “Trung tâm đã tạo điều kiện cho tôi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở các sự kiện do Trung tâm tổ chức hoặc được mời tham gia. Không chỉ vậy, các cán bộ, nhân viên Trung tâm đều rất nhiệt tình, thân thiện. Thương hiệu VanBan mà tôi đặt cho các sản phẩm đan móc của dự án là tên của một người bạn công tác tại Trung tâm mà tôi rất quý”.


Chị Thành vui và hạnh phúc hơn khi được Dự án Finca tài trợ học nghề và tiêu thụ sản phẩm đan móc. Ảnh: MỸ TÚ

Thông qua quen biết với một cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, chị Lâm Thị Kiều Linh gặp gỡ chị Hye Young và đã dành thời gian để làm tình nguyện viên hỗ trợ chị Hye Young suốt gần 1 năm. Từ chỗ học nghề đan móc của chị Hye Young, với khả năng học hỏi rất nhanh và khiếu sáng tạo, chỉ trong thời gian ngắn, chị Kiều Linh đã đóng vai trò thiết kế và tạo nên nhiều mẫu mã đan móc mới lạ, để sản phẩm của dự án thêm phong phú, bắt mắt. Chị Linh cho biết: “Thấy Hye Young hết lòng phát triển dự án với mong muốn giúp đỡ phụ nữ khuyết tật Việt Nam, tôi rất cảm phục. Vì vậy, tôi đã hỗ trợ Hye Young miễn phí trong một thời gian và chỉ mới nghỉ từ cuối tháng 9-2018 để sang làm việc cho một công ty bất động sản của Thụy Sĩ. Tôi vẫn giữ liên hệ với Hye Young để mỗi khi rảnh rỗi, lui tới hỗ trợ làm thêm nhiều sản phẩm đan móc hoặc đóng góp ý tưởng để sản phẩm bán ra ngày một nhiều hơn. Khi kinh tế của bản thân đủ vững, tôi sẽ lại tiếp tục làm tình nguyện viên hỗ trợ Hye Young phát triển dự án ý nghĩa này”.

“Dự án đang gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ không dừng lại. Hiện giờ, điều tôi cần nhất chính là nhân lực sẵn lòng gắn bó lâu dài, giúp dự án phát triển. Tôi đang xúc tiến nhiều phương án để quảng bá, đưa sản phẩm của các chị em khuyết tật bán được nhiều hơn trong và ngoài nước. Tôi sẽ cố gắng đảm bảo nguồn thu để duy trì và phát triển dự án” - chị Hye Young khẳng định. Với tấm lòng và nỗ lực của chị Hye Young, mong rằng sẽ có nhiều hơn những tổ chức, cá nhân sẵn sàng hỗ trợ Dự án Finca để dự án đủ lực thu hút nhiều phụ nữ khuyết tật tham gia, giúp họ cải thiện đời sống tinh thần và vật chất một cách tích cực.

MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết