15/09/2018 - 14:41

EU với tham vọng củng cố vị thế toàn cầu 

Xây dựng một tầm nhìn toàn cầu nhằm củng cố vị thế của châu Âu trên trường quốc tế - đó là mục tiêu đầy tham vọng được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (ảnh) đưa ra trong Thông điệp liên minh tại Nghị viện châu Âu (EP) mới đây.

Trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 đã bắt đầu và các phong trào dân túy trỗi dậy mạnh mẽ, đồng thời Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, thậm chí là một cuộc khủng hoảng có thể đe dọa sự tồn tại của khối, thông điệp của Chủ tịch EC được đặc biệt chú ý.

Cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát năm 2015 phơi bày sự yếu kém trong các quy định của EU về vấn đề tị nạn. Nó cũng tạo các áp lực về trách nhiệm không tương xứng với các nước tuyến đầu trong việc tiếp đón người di cư, như Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Một thời gian dài, cuộc khủng hoảng người di cư được coi là phép thử cho tinh thần đoàn kết của EU, song dường như nó đang bộc lộ những rạn nứt không thể che giấu của liên minh này, bởi cho tới nay các nước EU chưa thể đưa ra một chính sách chung về vấn đề người tị nạn. 

Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang giành được sự ủng hộ tại nhiều nước EU cũng gây nhiều sức ép. Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang lan rộng. Không ít chính trị gia theo xu hướng này đã giành được quyền lực tại Tây Ban Nha, Hungary, Ý hay Áo. Mới nhất là cuộc tổng tuyển cử ở Thụy Điển ngày 9-9, trong đó sự ủng hộ đối với các đảng dân chủ theo chủ nghĩa dân tộc gia tăng khi cử tri ngả sang phe cánh hữu do lo ngại vấn đề người nhập cư.

 Các thách thức mới về an ninh tại các nước thành viên EU buộc EC phải thúc đẩy hành động trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hay bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy EU ngày càng tỏ ra “dễ bị tổn thương”, thậm chí hầu như không có khả năng “tự bảo vệ” trước những mối đe dọa an ninh. 

 EU cũng dường như đang lún sâu vào thế đối đầu với Mỹ bởi những bất đồng giữa hai đồng minh truyền thống hai bờ Đại Tây Dương về hàng loạt vấn đề, từ Iran tới thương mại..., hầu như không thể tháo gỡ. Cuối cùng, việc nước Anh rời EU vào cuối tháng 3-2019, còn gọi là Brexit, đang bộc lộ sự “thất bại” của EU. 

Nhiều lý do đã được đề cập để lý giải cho tình trạng lao đao của EU trong thời gian qua, cũng như việc tầm ảnh hưởng của khối có dấu hiệu suy giảm. Sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU, tình trạng yếu kém kinh tế so với Mỹ cùng sự phụ thuộc về quốc phòng làm cho EU không thể tạo đà nhảy vọt. Bên cạnh đó, EU không có được một chính sách đối ngoại thống nhất, trì hoãn thực hiện kế hoạch về quốc phòng và thiếu chính sách tài chính, tiền tệ chung. Đồng euro chưa từng đạt vị trí thống trị và cũng không phải là đơn vị thanh toán hay dự trữ chính. Dự trữ ngoại hối toàn cầu vẫn 3/4 là bằng đồng USD. Cuối cùng, sự bất lực của cách lãnh đạo châu Âu còn thể hiện ở việc chưa thể đưa ra chiến lược dài hạn cho vấn đề người nhập cư.

Bản thân ông Jean-Claude Juncker, người được xem là một “cựu binh” của nền chính trị châu Âu, cho rằng giờ là thời điểm “nguy hiểm” đòi hỏi phải “làm việc cật lực” khi mà môi trường quốc tế đã trở nên không thể đoán định trước một Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sức cổ xúy chủ nghĩa bảo hộ và sẵn sàng đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế. Bởi vậy mà ông Juncker đề cao quan điểm “một châu Âu thống nhất có thể giữ một vị trí ngày càng quan trọng hơn trên trường quốc tế”. Ông khẳng định sức mạnh của một châu Âu thống nhất trong cả nguyên tắc và hành động là yếu tố giúp ông giành nhiều kết quả rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp trên toàn EU.

Với những mục tiêu cụ thể như vậy, Ủy ban châu Âu đã đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể nhằm tăng cường vị thế quốc tế của EU, trong đó cải tổ là một hướng đi ưu tiên. Chủ tịch EC dự kiến không tiếp tục việc quyết định chính sách ngoại giao theo phương pháp đồng thuận để EU có thể phản ứng nhanh hơn. Ông Juncker cho rằng EU không thể “mãi hài lòng với vị trí của một khán giả” mà cần đóng một vai trò quan trọng, một kiến trúc sư trong các vấn đề quốc tế. Điều này đòi hỏi EU phải trở nên mạnh mẽ hơn thông qua một chính sách ngoại giao thống nhất hơn, đồng thời cụ thể hóa chương trình phòng thủ chung của mình.

Một giải pháp nữa giúp tăng cường vị thế EU là phải tăng cường vai trò quốc tế của đồng euro, trong đó EU cần hành động để giảm khối lượng nhập khẩu năng lượng được thanh toán bằng USD. Vị lãnh đạo EC cho rằng thật vô lý khi châu Âu phải trả bằng đôla Mỹ cho 80% hóa đơn nhập khẩu năng lượng trị giá 300 tỉ euro một năm, trong khi chỉ khoảng 2% nhập khẩu năng lượng của EU đến từ Mỹ. Điều này càng khó hiểu khi doanh nghiệp châu Âu mua máy bay của châu Âu cũng thanh toán bằng đồng  USD.

Chủ tịch EC cũng kêu gọi các nước châu Âu tránh để xảy ra tình trạng bất đồng.

Thông điệp cuối cùng trên cương vị Chủ tịch EC của ông Juncker chứa đựng nhiều mục tiêu tham vọng, qua đó ông đã chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo chính trị có tầm chứ không đơn thuần chỉ là một “phát ngôn viên” của các nước EU. Tuy nhiên, tầm nhìn tham vọng của ông được cho là chưa tìm ra “phương thuốc hữu hiệu” để giải quyết vấn đề cốt lõi, là EU đang bị “xé nát” bởi những bất đồng và ông cũng không thể đủ thời gian để hiện thực hóa tất cả các dự định to tát của mình.

 KIM CHUNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết