18/12/2010 - 09:10

EU với "kế hoạch giải cứu" mới

Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị. Ảnh: Bloomberg

Tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm nay ở Brussels (Bỉ) hôm 16-12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một điều khoản sửa đổi trong hiệp ước chính của khối nhằm cho phép thực hiện kế hoạch giải cứu lâu dài cho các nước gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo hãng tin AP (Mỹ), khu vực này vẫn đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của một số nước thành viên hiện nay.

Không nêu rõ chi tiết điều khoản sửa đổi trong Hiệp ước Lisbon của EU, nhưng AP cho biết đây là động thái pháp lý cần thiết để tiến tới thành lập cơ chế lâu dài giải quyết tình trạng các nước không còn đủ khả năng trả nợ. Cơ chế này cần thiết gồm một khoản tiền lớn thường để cứu các nước vỡ nợ và có thể bao hàm điều khoản cho phép EU buộc những cá nhân nắm giữ trái phiếu (chủ nợ) gánh vác một ít thua lỗ khi quốc gia nào đó có thể không còn đủ sức hoàn trả trái phiếu đến hạn. Theo ghi nhận của AP, với cơ chế mới, bất kỳ quốc gia thành viên EU nào mắc nợ cầu cứu viện trợ sẽ phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Các điều kiện đó, tương tự như những gì đã áp đặt với Ireland và Hy Lạp khi nhận trợ giúp thời gian qua, nhằm thắt chặt chi tiêu, cắt giảm thâm hụt ngân sách.

EU đã thiết lập quỹ giải cứu tạm thời trị giá 750 tỉ euro trong năm nay, nhưng các nhà đầu tư vẫn muốn các nhà lãnh đạo EU đảm bảo chắc chắn rằng sẽ bảo vệ đồng tiền chung euro. Vì vậy, EU đã nhất trí thành lập cái gọi là Điều kiện ổn định châu Âu (ESF) tại hội nghị thượng đỉnh lần trước hồi tháng 10 và các bộ trưởng tài chính EU đã vạch ra các giải pháp vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, các quan chức EU nhấn mạnh rằng ESF sẽ không áp dụng cho khoản nợ hiện nay của các nước và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2013.

Trong khi đó, gánh nặng nợ hiện nay của một số nước đang gây hoang mang cho các thị trường trái phiếu. Các nhà phân tích cảnh báo tăng trưởng yếu, cùng với những lo lắng về “sức khỏe” của các ngân hàng sẽ gây khó khăn cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong việc thanh toán các khoản nợ, đẩy các nước này đến gần hơn “vết xe đổ” của Hy Lạp và Ireland. Các cơ quan xếp hạng tín dụng thì cho rằng nhiều vấn đề đáng lo ngại mới phát sinh về tình hình tài chính của Hy Lạp, khi các cuộc biểu tình phản đối các chính sách siết chặt chi tiêu của chính phủ ngày càng lan rộng. Mặt khác, việc xúc tiến các giải pháp như tăng quy mô quỹ giải cứu tạm thời hay kế hoạch phát hành trái phiếu EU, lại vấp phải sự phản đối của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Một dấu hiệu khó khăn khác cho EU là cũng trong ngày 16-12, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết họ cần tăng gần gấp đôi quy mô nguồn vốn ổn định thị trường của định chế tài chính này vì bị “căng” do đầu tư vào một số trái phiếu chính phủ đang suy yếu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 12 năm qua, ngân hàng định hướng chính sách tiền tệ cho 16 nước sử dụng đồng euro này yêu cầu các ngân hàng trung ương quốc gia các nước thành viên “bơm” thêm vốn đóng góp đầu tư trái phiếu cho mình, từ 5,76 tỉ euro hiện nay lên 10,76 tỉ euro. Theo Nhật báo phố Wall (Mỹ), động thái này diễn ra sau khi ECB “vung tay” khoảng 72 tỉ euro mua trái phiếu của các nước có tình hình tài chính khó khăn như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha từ tháng 5. Việc mua trái phiếu của ECB giúp ổn định thị trường, nhưng định chế này lại gặp khó khăn.

N. MINH (Theo AP và Reuters)

Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị. Ảnh: Bloomberg

Chia sẻ bài viết