08/03/2018 - 20:51

Dường như biển Đông có bao nhiêu gió đều hút hết vào eo biển này. Quanh năm gió lộng, kể cả lúc trông có vẻ mặt biển yên ả gương hồ. Người ta gọi đó là Eo Gió, nơi dãy núi như bức trường thành che chắn cho làng chài Nhơn Lý khỏi phong ba bão táp.

Trước đây, muốn tới Eo Gió (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là hành trình gian nan. Con đường dễ nhất là lên tàu qua đầm Thị Nại rồi vượt sóng trùng dương. Khoảng cách chừng hai mươi cây số tính theo đường bộ hiện hữu, nhưng người ta phải mất hàng giờ để di chuyển. Còn bây giờ, lái xe chừng ba mươi phút, tính từ trung tâm thành phố Quy Nhơn.

Eo biển xanh lộng gió
Biển Nhơn Lý từ một làng chài nay trở thành điểm du lịch đắt đỏ của Bình Định. Ảnh: THỤY DU

Người phương Nam, kẻ phương Bắc, bất cứ ai đến Eo Gió đều trầm trồ rồi thốt lên: “Ôi, Jeju của Việt Nam!”, “Khác nào Maldives!”… Tất cả sự so sánh đều không lột tả hết được vẻ đẹp, đặc điểm ở đây. Thế nên, chúng tôi gọi đó là eo biển xanh lộng gió. Biển miền Trung thì đâu cũng quyến rũ với bờ cát mịn và làn nước xanh trong. Biển Nhơn Lý nằm khuất giữa những dãy núi kéo dài mười lăm cây số ven biển Quy Nhơn vì thế mà đẹp hoang dại – khác xa những bãi biển trong thành phố hay bãi tắm Hoàng Hậu vốn gắn liền với thời vàng son của nhà Nguyễn. Bởi thế, khi chạm vào Eo Gió, người ta luôn dùng những mỹ từ, những so sánh đẹp đẽ nhất.

Đường ra Eo Gió trải qua một cồn cát lớn, nay đã mở đường nên việc đi lại rất dễ dàng. Hết cồn cát là tới làng chài Nhơn Lý được che chắn bởi “trường thành” Eo Gió. Du khách phải gởi xe, đi bộ ngang qua một con dốc vắt ngang vị trí thấp nhất của dãy núi này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và đón những cơn gió lồng lộng từ biển vào. Ở đây hút gió cũng bởi vị trí hiểm trở - vách núi cao sát biển cheo leo. Gió từ biển vào sẽ thốc lên, tạo những cơn gió lộng để vượt qua dãy núi.  Khi di chuyển trên đỉnh, du khách phải nép mình vào vách đá, bụi cây để tránh gió. Không ai có thể đứng trên một tảng đá cao quá một phút. Bởi chỉ cần một cơn gió thốc mạnh, bạn bị ngã nhào hoặc cuốn phăng khỏi phiến đá.

Xuống một con dốc cao, là bãi Đá Đẻ. Đá cuội lô nhô xếp chồng chiếm hết bề mặt bãi biển. Người ta bảo rằng, đá ở đây ngày một nhiều, như được sinh sôi nảy nở theo thời gian. Đứng ở đây mới thấy hết vẻ hùng vĩ của dãy núi có vách đá cao dựng đứng như trường thành này. Theo thời gian, đã bị bào mòn tạo những hang hốc trên bề mặt và ăn sâu vào bên trong. Từ đó, vách núi này có nhiều hang ở những vị trí hiểm trở. Yến từ biển đến đây làm tổ và trở thành điểm thu hoạch tổ yến nhiều nhất nhì Việt Nam. Cũng bởi tác động của môi trường khắc nghiệt, đá bị bào mòn và đứt gãy rơi xuống biển. Theo triều cường và mưa bão, đá bị đẩy vào bãi biển này. Cùng với nhiều viên đá cuội bị sóng đánh vỡ, đá xuất hiện trên bãi ngày càng nhiều và người ta gọi nó là Đá Đẻ!

Làng quay mặt ra hai hướng biển. Tất cả đều được dãy núi của Eo Gió che chắn nên khá bình yên. Từ trên đỉnh nhìn xuống, những mái ngói đỏ chen chúc nhau từ chân núi đến sát bờ biển, tưởng chừng như chạm vào con sóng. Ghe tàu, thuyền thúng, bạn thuyền… tấp nập ra vào bãi. Cuộc sống làng biển sung túc và nhộn nhịp. Đêm về, làng biển giăng đèn màu ngập lối. Eo Gió nổi tiếng, du khách đến đây nghỉ lại chứ không chỉ lâu lâu mới có một đoàn đến rồi đi như trước nữa. Người dân ngoài nghề biển còn mở thêm dịch vụ lưu trú, ăn uống, chở khách đi tắm biển, đi câu… Đêm về trên bờ biển xập xình tiếng nhạc, tiếng hò và cả tiếng ca cổ, hát bài chòi… vô cùng sinh động, khác với vẻ im lìm của cách đây không lâu. Đặc biệt, từ khi Nhơn Lý có resort năm sao, sân golf, đêm Eo Gió lung linh như một thành phố phồn hoa. Mặt biển sáng choang ánh đèn thuyền câu. Từ một làng chài heo hút, cách trở, Nhơn Lý trở thành “thiên đường biển” của đất võ Bình Định.

Không thích náo nhiệt, du khách có thể tìm cho mình góc ngắm cảnh từ trên cao để chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của phố biển. Ban ngày, ngoài khám vẻ đẹp của eo biển xanh lộng gió, du khách có thể đi tàu  ra các đảo nhỏ để tắm biển, ngắm san hô, thưởng thức bữa trưa trên đảo bằng tài năng săn bắt hoặc có sự giúp sức từ ngư dân địa phương… Eo Gió giờ là chốn của nhà giàu, nhưng du khách vẫn có thể chi trả một khoản tiền được xem là “giá mềm” để có những ngày nghỉ dưỡng đúng nghĩa ở vùng biển này.

THỤY DU

Chia sẻ bài viết