10/01/2015 - 15:45

Em sinh ra ở Ô Môn

 Truyện ngắn KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Thật ra thì tôi đâu có biết Ô Môn nằm ở nơi nào. Nhưng khi em kê khai tiểu sử của mình: “Em sinh ra ở Ô Môn, Cần Thơ” thì tôi cứ tưởng là địa danh này ở sát ngay thành phố. Theo thói quen tôi lại hỏi:  “Vậy khi qua cầu Cần Thơ thì  rẽ trái hay rẽ phải?”. Em cười giống như mấy bông hoa điên điển gặp gió: “Anh hỏi chi vậy?”. Rồi em đi. Em đi theo kiểu mà người dưới quê em chọn lựa, là cứ ra lộ lớn, gặp xe nào thì vẫy tay đón xe đó giống như xổ số. Mấy chiếc xe đò đi liên tỉnh chiếc nào cũng giống như chiếc  nào, cứ có người vẫy tay là dừng lại. Mấy tay lơ xe cứ níu lấy giỏ đồ đạc của khách ném lên xe như sợ khách đổi ý. Tôi nhăn mặt nói với em: “Để anh mua cho em chiếc ghế mềm phòng lạnh. Dạo này xe lửa nước mình lịch sự lắm, tối họ còn phát cho một tấm chăn mỏng. Chứ đi xe đò họ đâu có phát mền”. Em nhỏ nhẹ: “Cả trăm, cả ngàn người đi xe đò được thì mình đi được. Em sinh ra là con gái Ô Môn nên phải tiết kiệm”. Thế là tôi đành lấy xe chở em đến quốc lộ. Ngồi đợi xe cùng em bên quán cà phê lề đường. Tay tôi vẫy muốn gãy mà những chiếc xe đi ngang qua cứ lao nhanh, chiếc nào cũng đầy người, chẳng còn một chỗ cho em. Em nhón môi vào ly nước đã tan hết đá, nói: “Thôi anh về đi. Em ở đây đợi xe cũng được. Em quen đón xe một mình rồi”. Em nói, cái đầu cứ lắc khiến cho mái tóc xõa tung. Tôi vỗ về em: “Trước sau gì cũng phải có một chiếc xe vắng khách, anh về mà em còn ngồi đây thì làm sao anh đành lòng.” Đành lòng là chữ em hay nói với tôi. Cũng như hôm nọ, tự dưng em nói những ngôn ngữ của bọn trẻ khi tôi hỏi em: “Đố em tại sao quê em tên là Ô Môn, có phải tại ở nơi đó trồng khoai môn không?”. Em cười: “Em biết chết liền”. Cuối cùng thì cũng có một chiếc xe dừng lại, xe bám đầy bụi, hình như chạy từ một tỉnh nào ở miền Bắc cả mấy ngày rồi thì phải. Em lên xe, nói vọng: “Anh ngủ ngon”. Còn tôi thì buồn vì ở lại một mình.

*

* *

  Tôi tới tuổi lấy vợ. Đó là cách nói của mẹ tôi. Bà nói: “Con trai 31 tuổi rồi, ăn xong cứ tụ họp bạn bè đi đánh bida, đi quán bia hơi không được đâu. Lấy vợ đi”. Tôi nói: “Thời buổi này lấy vợ phải có tình yêu mẹ ạ”. Bà lắc đầu: “Đợi tình yêu thì mày ở đâu ra? Tao với ba mày lấy nhau có cần yêu đương gì đâu. Nhưng lấy ai cũng phải dắt về nhà cho tao coi tuổi. Vợ chồng ăn nhau là hợp tính tình, hợp tuổi tác. Tuổi con mèo mà lấy con chuột thì tối ngày cãi cọ. Tuổi con rắn mà lấy con  heo cũng không được”. Bà dừng lại lấy  hơi, nói tiếp: “Còn phải coi ngày sinh tháng để có hợp với nhau không. Kim mộc thủy hỏa thổ ngũ hành xung khắc nhau cũng không được”. Mẹ tôi chưa già. Thời đại buổi sáng ăn cơm ở Việt Nam, buổi chiều ăn cơm ở Thái Lan mà mẹ vẫn  còn coi tuổi  lấy vợ gả chồng. Mẹ cũng đã “để mắt” tới mấy cô con gái trong quan hệ bạn bè quen biết của mẹ, rồi mẹ tự đi coi mắt. Tôi  thì chẳng quan tâm bởi tôi quan niệm khi về ở chung thì phải có tình yêu. Mẹ đi, rồi mẹ về. Một hôm mẹ bắt tôi phải ăn mặc thật đẹp, đi với mẹ để coi mắt nhỏ Ngọc, con bác Hải làm chung cơ quan với ba. Ai chứ nhỏ Ngọc thì tôi biết, cô bé dễ thương, hiền lành, có hơi chút nhút nhát. Nói cụ thể ra thì Ngọc là một cô con gái dễ nhìn, nhưng chuyện Ngọc dễ nhìn với chuyện tôi lấy vợ có liên quan gì với nhau đâu? Tôi  lắc đầu: “Ai đời trai 30 tuổi còn phải nhờ mẹ kiếm vợ. Kỳ lắm mẹ à”. Nhưng tôi cũng phải theo mẹ tới nhà bác Hải. Dường như  Ngọc biết chuyện tôi đi coi mắt, đôi mắt cứ riu ríu nhìn xuống dưới đất, khác với những lần gặp nhau như bạn bè, lúc nào Ngọc cũng “tía lia cái miệng” (tôi lại dùng từ của em, cô gái Ô Môn). Về nhà, mẹ  nói: “Nếu con đồng ý thì mẹ mang trầu cau sang. Con tuổi Tí, Tí-Ngọ-Mẹo-Dậu tứ hành xung, con không thể lấy vợ ba  tuổi: Ngọ, Mẹo, Dậu. Còn con Ngọc tuổi Thìn, rất hợp với con. Trai tuổi Tí, gái tuổi Thìn hợp lắm đó”. Ngừng một chút, mẹ lại nói tiếp: “Mẹ cũng đi coi ngày sinh tháng đẻ coi có hợp không ở đằng ông  thầy Hạc. Nó sinh tháng 4 là mùa xuân, con sinh tháng 2 cũng mùa xuân. Hai vợ chồng cùng sinh trong mùa xuân ở với nhau tối ngày như mùa xuân”. Nghe  mẹ nói, tôi muốn cười nhưng sợ mẹ la, tôi đâm lo vì không biết tuổi em và tôi có hợp nhau không. Tôi cùng tôi gãi đầu gãi tai: “Con có bạn gái rồi mẹ ạ”. Mẹ trừng mắt: “Bạn gái à? Quê ở đâu ?”. “Dạ, quê ở Ô Môn”. Mẹ hỏi tiếp: “Bạn mày làm nghề gì?”. “Dạ, làm bên  nuôi trồng thủy sản”. Mẹ nhíu mày: “Nghề gì lạ vậy?”. Tôi giải thích lại: “Dạ, Thúy là kỹ sư thủy sản”. Mẹ cười: “Kỹ sư thì nói là  kỹ sư có dễ hiểu hơn không ?”.

*

* *

 

Quê em ở Ô Môn, như thế là khi tôi và em lấy nhau, đám cưới sẽ có lễ rước dâu dài gần 700 cây số. Rồi em từ Ô Môn về lại. Tôi mừng khi thấy em bước xuống xe. Em mang cho tôi một gói bánh rế (khoai lang thái sợi chiên dòn rưới nước đường). Tôi ráng ăn cho hết một cái để được nhìn em vui. Tôi quyết định tuần sau dắt em về ra mắt mẹ tôi, rồi đợi kỳ nghỉ phép sẽ cùng em đi Ô Môn ăn món thịt ba rọi luộc gói với rau và mắm ruột.

Bữa đi chơi trước ngày ra mắt, hai đứa đạp xe chở nhau lang thang trên phố, đến lúc mệt nhoài vào một hàng nước mía ven đường. Em vừa uống nước vừa nói nhỏ: “Em tuổi Ngọ. Anh nói mẹ anh bảo Tí-Ngọ-Mẹo-Dậu tứ  hành xung. Thôi đừng tới nhà anh. Lỡ mẹ anh coi tuổi không hợp. Anh lấy cô Ngọc mẹ anh coi chắc hợp hơn”. Em nói, nhưng gương  mặt của em buồn giống như lá cây thiếu nước. Tôi cười: “Dễ ợt, anh sẽ nói  em  tuổi  con dê, tức là tuổi Mùi. Tuổi Mùi chắc chắn là hợp rồi”. Em lại nói tiếp: “Em sinh vào tháng 12, đó là mùa đông, cũng không hợp với  anh, sinh vào mùa xuân”. Tôi cười lần nữa: “Thì anh  nói với mẹ em sinh vào tháng 2, được không?”. Em cười thật tươi.

*

* *

Cầu Cần Thơ đã bắc qua sông Hậu. Xe rước dâu  khi đi qua chiếc cầu chắc đẹp như trong phim Hàn Quốc. Em hạnh phúc và tôi cũng hạnh phúc  khi bên  nhau. Sau khi “coi tuổi” cho tôi và em, mẹ gật đầu: “Hợp lắm”.

Còn giờ này thì tôi chuẩn bị đi Ô Môn. Có em, tôi mới biết rằng ở tận nơi xa lắc xa lơ kia có một địa danh nghe thật lạ. Còn em thì lí lắc: “Không có Ô Môn thì làm sao anh có được em”. Tôi  nhìn em, nói như trong phim Roméo và Juliette: “Em sinh ngày nào, tháng nào. Em tuổi con gì đều không quan trọng. Em sinh ở Ô Môn hay ở đâu cũng không quan trọng. Quan trọng là anh yêu em”.  Em thầm thì: “Nhưng em sinh ra ở Ô Môn, con gái Ô Môn yêu bền chặt”.

Chia sẻ bài viết