26/08/2017 - 17:00

Dưới cội mù u 

Bút ký: ĐĂNG HUỲNH

Mấy dòng này tôi viết cho bà ngoại, cho má, cho những người thân yêu nhất đời tôi, và cho những miền ký ức đã xa. Đó là miền ký ức có cội mù u nghiêng mình dưới dòng kinh xáng, có những mùa nước nổi linh đinh trái mù u chín rụng và có những đêm leo lét dưới ánh đèn mù u thuở khó nghèo. Chuyện đời, chuyện tình dưới cội mù u.

 Bông mù u. Ảnh: DUY KHÔI

Hồi còn sống, thỉnh thoảng ngoại lấy gói đồ gói trong chiếc khăn tay được giữ kỹ trong lòng chiếc lư hương lâu đời, lau chùi cẩn thận. Đó là đôi bông mù u nghe đâu đã truyền 3- 4 đời. Giờ, ngoại để lại cho má tôi, má vẫn thiêng liêng gìn giữ. Tôi cứ thắc mắc hoài sao gọi là bông mù u khi mà làm bằng vàng y 2 chỉ. Và rồi nhìn những trái mù u rụng trắng sân nhà, tôi tự trả lời cho mình. Mấy hôm rày, con dâu út về thăm má, má lụi hụi lấy đôi bông mù u trao lại cho vợ tôi, dặn kỹ: “Cất nghe con, cất cho kỹ. Nghèo khổ tới đâu cũng phải giữ”. Dâu út vừa mừng vừa lo, cái mà má kêu giữ là giềng mối, gia phong của dòng họ.

Tôi lớn lên, cây mù u đã cao lớn trước nhà, gie ra mé kinh. Giờ, mấy mươi năm sương gió đời người, về lại quê, mù u vẫn đón tôi bằng những chùm hoa trắng ngần, hương đưa ngào ngạt. Tôi gọi đó là mùi của quê hương. Xứ tôi có điện hơn chục năm nay, trước kia phải thắp sáng bằng đèn dầu nhưng không phải lúc nào cũng có tiền để mua dầu. Tôi được má cắt cử đi lượm trái mù u già chín rụng trôi trên dòng kinh. Má và các chị đem về đập vỏ, lấy ruột bên trong giã nhuyễn, trộn với bông gòn, “xỏ lụi” thành từng xâu, đem phơi khô để dành đốt. Đèn mù u cháy, tỏa ra mùi dễ chịu chính là ánh sáng má dành cho tôi trong những buổi tối ê a con chữ, trong những câu chuyện cổ tích quê mình. “Lục lăng” như tôi thì mê nhất là trò bắn đạn “cu li”. Thật ra, đạn cu li làm bằng thủy tinh, bán nhiều ở chợ nhưng thằng nào có trong tay chục viên đạn được coi là “đại gia” trong nhóm. Tôi cùng thằng Cò, thằng Thanh… rủ nhau đi vớt mù u già làm đạn. Những ngón tay thuần thục, dẻo quẹo bắn đạn mù u xa phải biết. Đạn mù u còn được lũ trẻ chúng tôi dùng để làm đạn ná bắn chim, ai bắn giỏi được mấy cô bạn gái đi chung để ý ít nhiều.

Nhắc đến cây mù u, tôi lại nhớ da diết tấm thớt mù u của ngoại, nhớ dáng ngoại liêu xiêu trong khói bếp chiều tà. Tấm thớt mù u có từ năm nào chẳng rõ mà ngoại dùng riết lên nước bóng ngời. Ngoại nói, thớt mù u không lên dăm, xài hoài tốt hoài, tốt nhứt trong các loại thớt. Từ tấm thớt mù u, ngoại vun vén cho con cháu những bữa cơm ngon, những âm ba dư vị mà giờ chỉ con trong ký ức. Ngoại xa rồi…

Trẻ quê với trò bắn đạn mù u. Ảnh: DUY KHÔI

Dưới cội mù u trước nhà, mỗi bận tôi đi học xa ở huyện về đều thấy cô nàng gánh nước mỗi chiều. Hỏi má, má nói cô Hai, cháu của bà dì kế bên, cha mẹ rủi sao bị bệnh mất hết nên về ở với ngoại. Cô gái có nụ cười duyên, gương mặt đượm buồn. Mỗi đêm, chẳng biết cô đọc sách gì mà ngồi chăm chăm dưới ngọn đèn mù u. Tôi thương rồi hình dáng ai đó mỗi chiều gánh nước ở bến sông bên gốc mù u già. Hồi còn sống, ngoại hay nói vui mấy câu này:

“Đèn mù u khi lu khi tắt
Đèn cầu sắt khi đỏ khi xanh
Anh có thương em đừng dỗ đừng dành
Gái ngoan thì chọn trai lành, lo chi”

Những buổi chiều về, tôi cắt tỉa mấy cây kiểng của cha, cô gái lại gánh nước, vẫn nụ cười duyên làm xao xuyến lòng tôi. Vậy mà sao một đợt đi học nữa về, nghe tin cô đã có chồng, lấy anh Sến chủ nhà máy chà gạo bên kia sông. Tôi buồn mà chẳng đau bởi đó chỉ là những mộng mị tuổi học trò. Má tôi thấy con buồn buồn, liền dỗ dành:

“Mù u bông trắng, lá quắn, nhụy huỳnh
Người ta không nghĩ tới mình thì thôi”

Cha tôi thì tánh hay cà rỡn:

“Mù u bông trắng, lá quắn, nhụy huỳnh
Thấy em gánh nước một mình anh thương”

Mới hay, đi hết cuộc đời, cha má vẫn hiểu tôi ngọn ngành hơn cả. Hơn năm sau, tôi đã là sinh viên năm nhất, về quê, buổi tối ngó sang nhà bà dì, vẫn leo lét ngọn đèn mù u, nhưng cô Hai không còn đọc sách mà nằm đưa võng ru con, chẳng biết giọng buồn hay vui:

“Bướm vàng đậu đọt mù u
Lấy chồng chi sớm tiếng ru thêm buồn”

Mối tình đầu của tôi là vậy, dưới cội mù u dậy hương bông trổ. Mối tình đi theo tháng năm dần quên lãng mà gốc mù u và cô gánh nước năm nào vẫn là hình ảnh đẹp trong tôi.

*

*     *

Nhà tôi ở một doi đất, cây mù u già tôi kể không biết có tự khi nào. Bà tôi nói thời còn con gái đã thấy cây mù u cao lớn; bà dì hàng xóm còn lớn tuổi hơn, nói khi về làm dâu xứ này đã lượm mù u dưới gốc cây. Rồi không biết hồi nào, doi đất ấy gọi là doi Mù U. Nhà tôi ở doi Mù U, đi đâu xa về nhác thấy bóng mù u vờn khuất là biết đã đến xứ nhà.

Dân xứ tôi có câu đố rất hay về loài cây này:

“Một mình hai tật đành cam
Trời sinh phải chịu biết làm sao đây”

Chẳng thể nào lý giải được cái tên mù u: “đã mù mà còn u”- bọn trẻ chúng tôi thường nói vậy. Tôi nhớ linh đinh mùa nước nổi quê mình, cùng các bạn trèo lên cây mù u rồi nhảy ùm xuống kinh, dòng nước đỏ phù sa như tưới mát tâm hồn tuổi thơ. Vì suốt ngày vào rừng, tắm sông, lội sình nên chúng tôi thường bị ghẻ nhọt. Những lúc ấy trái mù u như cứu tinh. Má lấy ruột trái mù u đâm nhuyễn lấy nước thoa lên vết thương, vậy là một hai ngày vết thương ráo mặt rồi lành ngay. Những lúc gặp mùa mề đay, má đốt bếp un trước nhà, bỏ lá và trái mù u vào đốt cho ra khói rồi hơ lên người. Hay thật, lúc sau những mụn mề đay “lặn” mất tiêu. Những tri thức dân gian đó giờ được khoa học ghi nhận, đã có nhiều nhà máy ra đời chỉ để chiết xuất tinh dầu mù u quê nhà.

Ông ngoại tôi thường đốn mù u để đóng xuồng, xài dưới nước rất bền. Xuồng mù u cũng là loại rẻ tiền nhưng 5-7 năm vẫn chưa thấm tháp gì. Ngoại nói cây mù u có chất dầu nên mối mọt “ngán”. Những gốc mù u quê tôi chằng chịt thẹo vết vì bom đạn chiến tranh, những vết hằn thời gian của một thời khói lửa. Ông ngoại còn kể cho tôi nghe chuyện đời xưa, hồi trào Tự Đức, khi quân Pháp đổ bộ lên cửa Thuận An, kéo binh vào thành Huế, quân ta mai phục hai bên đường vào đàn Xã Tắc, lấy trái mù u đổ ra đầy đường. Bọn giặc té sấp úp sấp ngửa, chạy tán loạn. Bởi thế mà có câu ca rằng:

“Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u”

 Mù u theo tôi bằng câu chuyện ngày xưa ông ngoại kể, thân thuộc với người miền Tây đến đỗi đi đâu cũng thấy. Cây mù u chẳng ai trồng mà vẫn xanh tốt, thẳng đứng giữa bão tố phong ba. Vậy rồi chẳng hiểu lẽ nào, cái tên mù u lại gợi chút nỗi niềm, một sự bẽ bàng, lỡ làng nào đó. Thử chiều chiều ra đứng hàng ba, ngó đám ong bầu vờn đọt mù u, nghe hương đưa trong gió trong mưa mà lặng lòng đến lạ. Nỗi u hoài chắc chỉ có ở người lữ thứ, tha phương.

Miền Tây một thuở mà cái gì nhiều, đông cũng được ví như mù u rụng. Cố nhà văn Sơn Nam từng có những ví von rất hay trong truyện ngắn của mình: “Cá sấu nhiều như mù u chín rụng”, “Cá gom lại nổi đầu khít rịt như trái mù”… Mù u quê tôi giờ đi vào câu ca, điệu hát, vào những vần thơ, dòng văn như hình ảnh đẹp của ký ức quê nhà, của hoài niệm chuyện xưa tích cũ. Tôi thì vẫn nhớ cội mù u trước nhà, nhớ doi Mù U quê hương và nhớ cô Hai gánh nước thuở nào, xin gửi trôi theo mù u chín rụng, tan quyện vào hương bông trắng nhụy huỳnh.

Dưới cội mù u, chuyện đời miền Tây tôi xin kể…

Chia sẻ bài viết