06/03/2008 - 10:19

Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ:

Được trao quyền tự chủ, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lớn

Trao quyền tự chủ cho các trường đại học (ĐH) là vấn đề đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các trường ĐH. Theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT sẽ giao quyền tự chủ nhiều hơn cho 14 trường ĐH trọng điểm trong cả nước, trong đó có Trường Đại học Cần Thơ. Nếu được giao quyền tự chủ, cùng với cơ hội sẽ “rộng đường” giải quyết nhiều vấn đề về cán bộ tài chính, mở ngành đào tạo, cấp bằng... trường cũng đối mặt với không ít thách thức trong tiến trình phát triển. Trả lời phỏng vấn của PV Báo Cần Thơ về vấn đề trên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết:

Quyền tự chủ của các trường ĐH là điều kiện hết sức cần thiết để phát triển các trường ĐH nói riêng và phát triển giáo dục bậc ĐH nói chung. Trong đó, bao gồm tự chủ cả về nguồn lực, chương trình, định hướng phát triển nhà trường... Nói cách khác là tự chủ một cách toàn diện. Quá trình giao quyền tự chủ cho các trường ĐH đã được bàn thảo, thống nhất về quan điểm và được chuẩn bị trong một thời gian khá dài. Theo dự kiến, trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ giao quyền tự chủ nhiều hơn, mạnh hơn, rộng hơn cho 14 trường ĐH trọng điểm trong cả nước, trong đó có Trường ĐH Cần Thơ. Sau đó, Bộ sẽ tiếp tục triển khai đến các trường khác. Thế nhưng, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa chính thức ban hành quyết định giao quyền tự chủ cho các trường.

* Thưa ông, như vậy Trường Đại học Cần Thơ sẽ có cơ hội phát triển rất lớn nếu được giao quyền tự chủ?

- Một trong những điều kiện để phát triển là phải hội nhập. Nếu được giao quyền tự chủ rộng hơn và mạnh hơn, trường có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội cả trong và ngoài nước. Như vậy, trường phải thật sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội về đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng vào đời sống, sản xuất. Hội nhập còn là cơ hội để Trường ĐH Cần Thơ bước song hành và có điều kiện so sánh về sự phát triển với các trường đại học trong và ngoài nước. Đây cũng là mong đợi của nhà trường bởi như thế, trường mới có điều kiện thu hút giảng viên, sinh viên quốc tế đến giảng dạy, học tập tại Trường ĐH Cần Thơ và ngược lại, đưa giảng viên, sinh viên của trường đi làm việc, học tập ở nước ngoài. Sinh viên của Trường ĐH Cần Thơ cũng có thể tham gia học tập, lấy các tín chỉ, bằng cấp của các cơ sở đào tạo ngoài nước.

Hiện nay, theo trang web: Webometrics.info của Tây Ban Nha, Trường ĐH Cần Thơ được xếp hạng thứ 47 trong 100 trường hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Webometrics.info xếp hạng các trường ĐH căn bản dựa vào chất lượng đào tạo, nghiên cứu, quảng bá của nhà trường qua trang web của trường. Thứ hạng này là sự tự hào của Trường ĐH Cần Thơ nhưng cũng đòi hỏi trường phải nỗ lực nhiều hơn trong hội nhập quốc tế. Có thể nói, được trao quyền tự chủ, nhiều cơ hội phát triển sẽ đến với nhà trường nhưng đi kèm theo đó là không ít thách thức.

* Vậy những vấn đề, thách thức nào ông quan tâm nhất khi thực hiện quyền tự chủ? Tại sao?

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang truy cập Internet tại Trung tâm Học liệu của trường.
Ảnh: BÍCH NGỌC 

- Tự chủ đại học liên quan đến rất nhiều vấn đề. Để phát huy tự chủ trong quản lý, lãnh đạo trường không còn “bao cấp” mà đã phân cấp quản lý một cách mạnh mẽ hơn. Trường ĐH Cần Thơ đang phân cấp quản lý cho các khoa, phòng theo 3 nội dung: nhiệm vụ; lộ trình thực hiện; nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, bao gồm cả về phương tiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, tài chính. Bao giờ cũng vậy, đi đôi với quyền tự chủ phải là cơ chế tự chịu trách nhiệm. Đây không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải tập làm dần dần.

Tuy nhiên, khi nói đến tự chủ ĐH, vấn đề mà tôi quan tâm nhất chính là tự chủ về nguồn lực tài chính bởi đây là một trong những điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của nhà trường. Nguồn lực tài chính không đủ mạnh thì rất khó để đầu tư cho phát triển. Tự chủ về nguồn lực tài chính không phải chỉ nói đến việc thu nhiều tiền mà còn phải nói đến sử dụng hợp lý nguồn lực tài chính và biết cách biến các dịch vụ của mình có thể có được làm tăng nguồn lực tài chính.

Thời gian qua, rất nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên Trường ĐH Cần Thơ được ứng dụng vào thực tế cuộc sống thông qua các trung tâm chuyển giao, tư vấn công nghệ. Để tăng nguồn thu, đồng thời xây dựng thương hiệu ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Cần Thơ đang xây dựng đề án thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ ĐH Cần Thơ. Đây sẽ là nơi chuyển giao công nghệ, các thành tựu nghiên cứu khoa học của trường ra bên ngoài và mang về nguồn thu để trường tiếp tục phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học. Kế đến là tiếp tục phát triển, mở rộng các hoạt động dịch vụ trực tiếp của trường, như: mở chi nhánh đào tạo ngoại ngữ ở các địa phương với chương trình, chất lượng đào tạo như tại Trường ĐHCT; liên kết với các viện, trường ở nước ngoài để đào tạo bằng cấp, trình độ quốc tế tại ĐBSCL...

* Đến nay, Trường ĐH Cần Thơ đã chuẩn bị như thế nào để có thể chủ động thực hiện lộ trình phát triển khi được trao quyền tự chủ, thưa ông?

- Cũng như tất cả các trường ĐH khác, Trường ĐHCT đã chuẩn bị hết sức tích cực, rốt ráo để có thể tiếp nhận quyền tự chủ khi Bộ GD&ĐT giao phó. Một trong những vấn đề hết sức quan trọng khi nói đến tự chủ ĐH là định hướng phát triển nhà trường. Trường ĐH Cần Thơ đã xây dựng đề án phát triển nhà trường đến năm 2020 và đề án này đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Từ khi đề án được phê duyệt, nhà trường tiếp tục thực hiện các định hướng phát triển; trong đó, có nhiệm vụ hết sức quan trọng là gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Cần Thơ vào sự phát triển của ĐBSCL cũng như của cả nước, của quá trình toàn cầu hóa trong giáo dục, đào tạo.

Một trong những công cụ để có thể thực hiện được định hướng đó là học chế tín chỉ. Cách nay 10 năm, Trường ĐHCT đã bắt đầu thực hiện học chế tín chỉ nhưng chỉ từ khoảng 2 năm trở lại đây mới thực hiện tín chỉ hóa một cách triệt để. Trường ĐH Cần Thơ đã làm lại chương trình, đảm bảo tinh thần của học chế tín chỉ là giảm khối lượng giờ giảng trên lớp, giảng viên chỉ gợi mở, đặt vấn đề, hướng dẫn để trên cơ sở đó, sinh viên tự học, học trên thực tế, trong phòng thí nghiệm, trong thư viện... Đồng thời, đảm bảo định hướng của trường trong phát triển là đẩy mạnh đào tạo theo hướng phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đẩy mạnh đào tạo sau ĐH là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với trường. Kế đến là đẩy mạnh đào tạo các nhóm ngành phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: cơ khí, điện tử, chế biến, xây dựng, công nghệ thông tin, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học...

Trường ĐHCT rất chú trọng đến vấn đề phát triển nguồn lực cán bộ giảng viên. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ giảng dạy qui chuẩn trên sinh viên qui chuẩn đối của Trường ĐH Cần Thơ là 1: 19. Trong khi đó, theo qui định của Bộ, tùy theo ngành, tỷ lệ này là 1: 22 đến 1: 30 sinh viên qui chuẩn; và phấn đấu trong vòng 5-10 năm nữa đạt tỷ lệ 1: 15 đến 1: 18 sinh viên qui chuẩn. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Trường ĐH Cần Thơ khá cao. Đội ngũ này được đào tạo, tiếp cận với khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến nên họ rất năng động và có sức trẻ để thực hiện bước dịch chuyển trong đào tạo theo yêu cầu phát triển.

* Một số ý kiến cho rằng khi các trường đại học được giao quyền tự chủ, trong đó, có tự chủ tài chính, học phí sẽ tăng, ít nhất là gấp đôi. Trong khi đó, đời sống người dân ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Trường Đại học Cần Thơ sẽ giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?

- Cho đến bây giờ, có thể nói, học phí mà sinh viên đóng cho nhà trường chưa cân bằng được chi phí đào tạo. Hiện nay, chi phí đào tạo dựa vào nguồn chi của Nhà nước và học phí của sinh viên. 10 năm nay, học phí không thay đổi; bù đắp của Nhà nước cho chi phí đào tạo không tăng theo đơn vị mỗi sinh viên hay ngành nghề mà chỉ tăng theo số lượng sinh viên, bình quân tăng 8-10% mỗi năm. Trong khi đó, chi phí đào tạo tiếp tục tăng lên do yêu cầu đầu tư trang thiết bị thí nghiệm thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo; đặc biệt là ở những ngành kỹ thuật cao đòi hỏi trang thiết bị hiện đại. Mặt khác, chế độ học bổng, miễn giảm học phí cho các sinh viên thuộc diện chính sách tiếp tục mở rộng nên ngày càng có nhiều sinh viên được miễn học phí và nhận học bổng từ nguồn thu học phí của trường. Nguồn lực tài chính dành cho phát triển nhà trường càng lúc càng giảm đi.

Vì vậy, sắp tới, yêu cầu về điều chỉnh học phí là không thể tránh khỏi. ĐBSCL là một trong những khu vực mà thu nhập, đời sống của người dân còn khó khăn, mặt bằng trình độ học vấn, khoa học kỹ thuật còn thấp so với những vùng khác. Cho nên làm thế nào để tạo điều kiện cho nhiều sinh viên có nhu cầu, có khả năng được học tập, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là vấn đề mà Trường ĐH Cần Thơ hết sức quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi trong nhà trường để có thể vận dụng các qui định, các chế độ chính sách của Nhà nước, một mặt vừa có định chế khuyến khích những sinh viên có khả năng đóng học phí thực hiện nghiêm qui định của Nhà nước. Mặt khác, những sinh viên diện chính sách vẫn có thể được hưởng chế độ ưu tiên trong đào tạo. Hiện nay, sinh viên cũng đã được vay tín dụng ưu đãi để trang trải chi phí học tập. Chính vì vậy, tăng học phí không phải là một vấn đề quá quan trọng mà theo tôi, quan trọng là làm sao để sinh viên được tiếp cận một cách dễ dàng với những dịch vụ tín dụng, những ưu đãi dành cho sinh viên. Trường ĐH Cần Thơ sẽ nỗ lực giải quyết bài toán học phí cho sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn theo hướng này.

* Xin cảm ơn ông!

SỸ HUIÊN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết