02/10/2009 - 20:46

Mùa tôm chính vụ năm 2009 ở Đồng bằng sông Cửu Long

Được mùa, chưa hết băn khoăn

Thu hoạch tôm sú ở HTX Thắng Lợi, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Hiện nay, tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang mùa thu hoạch rộ vụ tôm chính năm 2009. Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ nuôi tôm đầu tiên của năm 2009 thắng lợi với năng suất và giá thành sản phẩm đều cao. Dù vậy, người nuôi vẫn còn canh cánh nỗi băn khoăn, âu lo...

TRÚNG MÙA, TRÚNG GIÁ

Tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, nông dân phấn khởi vì được mùa tôm mà giá bán lại cao. Sau 4 tháng nuôi, đầm tôm 1ha của chú Trần Văn Chiến, xã Gia Thuận, cho năng suất thu hoạch 5,5 tấn, tỷ lệ hao hụt đầu con rất thấp, chỉ khoảng 15%. Thu hoạch xong, chú bán với giá 88.000 đồng/kg (cỡ 40 con/kg), lợi nhuận thu được trên 100 triệu đồng. Còn anh Lê Văn Hùng, ấp Dương Hòa, xã Phước Trung vừa thu hoạch 1,3ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt sản lượng lên đến 10 tấn. Với giá bán 53.000 đồng/kg, anh có lời khoảng gần 200 triệu đồng để có thể trả một phần nợ vay và tiếp tục thả tôm vụ 2...

Sau diễn biến giá tôm gây bất lợi cho nông dân ở năm 2008, bước vào năm 2009, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, diện tích thả nuôi đầu vụ chỉ đạt 50% diện tích. Nhưng với sự vận động của địa phương, diện tích thả tôm dần được lấp đầy. Theo nhiều người nuôi, vào thời điểm thu hoạch, giá tôm sú dao động khoảng 78.000-82.000 đồng/kg, có lúc giá tôm sú loại 40 con/kg lên đến 86.000-90.000 đồng/kg, giá tôm thẻ chân trắng 48.0000-50.000 đồng/kg. Theo tính toán, với giá trung bình như thế, người nuôi tôm sú lời khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, người nuôi tôm thẻ chân trắng lời khoảng 10.000 đồng/kg. Ông Hồ Thanh Hồng, cán bộ phụ trách thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông, cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện thả nuôi là 642ha, trong đó tôm sú 476,6ha, tôm thẻ chân trắng 165,7ha và chỉ có 22,5ha bị nhiễm bệnh.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, trong vụ I-2009, nông dân đã thả nuôi trên 3.800ha, trong đó có trên 1.638ha tôm sú nuôi thâm canh, 1.940ha tôm sú nuôi quảng canh, diện tích còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, Tiền Giang đã cơ bản thu hoạch dứt điểm tôm nuôi trong vụ I-2009 với sản lượng trên 7.000 tấn tôm thương phẩm. Bình quân mức lời đạt 15.000-20.000 đồng/kg tôm sú, 10.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng.

Từ khoảng hơn tháng nay, các huyện ven biển của tỉnh Trà Vinh vào vụ thu hoạch tập trung, giá tôm sú nguyên liệu tăng trở lại nông dân phấn khởi sẽ có điều kiện để thu hồi vốn hoặc trả nợ ngân hàng... Hiện nay, giá tôm sú nguyên liệu tại Trà Vinh tăng 8.000-15.000 đồng/kg so với giữa tháng 9-2009. Tôm sú loại 15 con/kg giá 148.000-150.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 85.000 đồng/kg; loại 60-100 con/kg giá 55.000-65.000 đồng/kg. Riêng tôm thẻ chân trắng loại 80 con/kg giá 50.000-55.000 đồng/kg; loại 100 con/kg giá 45.000-48.000 đồng/kg... Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, trong 9 tháng đầu năm các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và Trà Cú thu hoạch hơn 90% số lượng giống thả nuôi, sản lượng thu hoạch đạt hơn 12.400 tấn tôm thương phẩm. Diện tích nuôi tôm sú nuôi toàn tỉnh 20.000ha. Trong đó, nuôi công nghiệp là hình thức có năng suất thu hoạch cao nhưng diện tích cũng giảm đáng kể, từ 1.300ha năm 2008 giảm xuống còn 620ha trong năm 2009, giảm hơn 50% diện tích, nên đã làm sản lượng tôm sú giảm hơn 2.500 tấn.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thu hoạch hơn 30.000ha tôm sú, năng suất nuôi theo hình thức công nghiệp-bán công nghiệp đạt từ 3-3,5 tấn/ha, quảng canh cải tiến đạt trên 500kg/ha. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Vụ tôm năm 2009, Sóc Trăng trúng mùa tôm toàn diện, với trên 90% người nuôi tôm có lời, do diện tích tôm bị thiệt hại ít, chỉ gần 3.000ha, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, giá tôm ổn định từ đầu vụ đến nay. Hiện, tôm loại 30 con/kg giá 100.000-105.000 đồng/kg; 40 con/kg giá 85.000-87.000 đồng/kg; 50 con/kg giá 75.000-78.000 đồng kg. Với giá này, nông dân lời khoảng 30.000 đồng/kg.

Đặc biệt, hơn 8.000ha lúa-tôm ở huyện Mỹ Xuyên cũng cho kết quả khả quan và khẳng định là mô hình nuôi thủy sản bền vững. Ông Lý Tài ở xã Gia Hòa 1, áp dụng mô hình lúa tôm nhiều năm qua, cho biết: “ Vụ rồi tôi trồng lúa thơm ST cho lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/ha. Sau đó, tôi thả tôm và mới thu hoạch đạt hơn 300kg, bán được hơn 40 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư con giống, cải tạo ao chưa tới 10 triệu đồng”.

NHƯNG CÒN NHIỀU MỐI LO...

Dù giá tôm cao, năng suất tốt nhưng người nuôi tôm vẫn không hết băn khoăn. Bởi theo nhiều hộ dân, giá tôm hiện nay chỉ là nhất thời do những năm qua, giá tôm thấp, dịch bệnh hoành hành, nhiều hộ “treo” ao, chuyển đổi nghề do thiếu vốn dẫn đến lượng cung giảm. Khi sản lượng tôm tăng lên, giá sẽ xuống trở lại. Vì thế, đầu ra cho con tôm vẫn chưa ổn định.

Mặt khác, dù vụ tôm đầu năm thành công nhưng chưa thể giúp nông dân bù được thua lỗ của năm 2008. Trước nỗi lo nợ vay vẫn còn đó, rủi ro về dịch bệnh, giá cả vẫn đeo bám nông dân, chị Võ Thị Nị, nông dân nuôi tôm ở Tiền Giang, cho biết, tiền lời vụ tôm rồi không đủ trả nợ vay “nóng” bên ngoài và tiền nợ thức ăn cho đại lý. “Nếu một năm lời được hai vụ, lỗ một vụ thì có lời, còn nếu hai vụ lỗ, 1 vụ lời thì chắc lỗ. Nuôi tôm rủi ro cao lắm, giá tôm hiện nay như thế nhưng không thể biết ngày mai, làm sao yên tâm được. Trong khi đó, giá thức ăn hiện nay khá cao, người nuôi tôm rất khó lời khi giá tôm giảm trở lại. Nếu giá thức ăn giảm xuống chút ít nữa, người dân sẽ đỡ khổ hơn”- chị Nị bày tỏ lo âu.

Tại Trà Vinh có một nghịch lý đáng quan tâm là khi hiện nay diện tích, sản lượng tôm nuôi càng tăng nhanh theo từng vụ thì vào thời điểm thu hoạch đông ken nông dân đem tôm bán tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh lại lâm vào cảnh xếp hàng chầu chực ngày, đêm làm cho chất lượng tôm thương phẩm giảm, gây nhiều bức xúc. Ông Trần Văn Út, người dân nuôi tôm xã Mỹ Long Nam, kiến nghị: “Con tôm đem lên xí nghiệp dù ngày hay đêm cũng phải cân. Chớ để qua đêm hư hao ai chịu, làm như vậy là thiệt thòi cho nông dân. Nếu được đầu tư cơ sở thu mua tôm tại các xã nông dân ai cũng thích. Vì khi đó, bắt tôm lên được cân liền người dân khỏi hao tốn tiền xe đi lại ở đêm ngày. Được như vậy người dân mừng lắm.”

Tại Sóc Trăng, hiện nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Long Phú đã thả lấp vụ được trên 3.500ha tôm sú. Tuy nhiên, đã có gần 1.000ha tôm thả lại vụ này đã bị chết do mưa nhiều, độ mặn thấp... Ông Hứa Sỹ Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Châu, cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người nuôi tôm không thả nuôi trái vụ vì rủi ro cao, mà nên chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác như cá kèo, cua. Nhưng lợi nhuận từ con tôm sú năm nay hấp dẫn nên nhiều hộ vẫn thả nuôi trái vụ. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, 1 năm chỉ nuôi 1 vụ tôm mới bền vững. Nếu nuôi 2 vụ liên tiếp, hàm lượng cácbon, nitơ và các chất hữu cơ không hòa tan trong đất tăng cao, tôm dễ bị bệnh”.

Để hạn chế tình trạng nuôi tôm trái vụ, Sở NN&PTNT Sóc Trăng yêu cầu không thả tôm vụ 2 từ cuối tháng 8-2009. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp yêu cầu các cơ sở cung cấp giống trong tỉnh ngưng sản xuất giống, kiểm soát nguồn tôm giống nhập tỉnh, khuyến khích phát triển mô hình lúa-tôm... để sản xuất bền vững.

TÂM-DŨNG-HÂN

Chia sẻ bài viết