19/03/2016 - 09:40

Đường trở lại khó khăn

 

Sáng sớm 18-3, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (ảnh) đã khởi hành đi Dubai (thuộc Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất), chỉ vài giờ sau khi Bộ Nội vụ ban hành một thông báo loại tên ông khỏi danh sách kiểm soát xuất cảnh (ECL).

Giới truyền thông nước này phát nhiều hình ảnh cho thấy ông Musharraf rời khỏi nhà với một đoàn xe bảo vệ nghiêm ngặt để đến sân bay của thành phố cảng Karachi. Ông vào phi trường bằng cổng dành cho nhân viên và khởi hành đi Dubai trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates.

Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ sân bay cho biết viên tướng đã nghỉ hưu xuất hiện trong tâm trạng "thoải mái". "Tôi là một người lính và tôi yêu quê hương mình. Tôi sẽ trở lại trong một vài tuần hoặc vài tháng" – ông Musharraf nói với truyền thông Pakistan tại sân bay. Cựu tướng 73 tuổi cho biết ông ra nước ngoài để "điều trị căn bệnh đã có từ chục năm qua nhưng hiện đang phát sinh nhiều biến chứng". Cố vấn của ông, Farogh Naseem, trước đó cũng nói rằng thân chủ cần phải ra nước ngoài để tiến hành một cuộc phẫu thuật đốt sống bị gãy, phương pháp điều trị "chưa có ở Pakistan".

Trước đó vào ngày 17-3, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Nisar Ali Khan công bố tại một cuộc họp báo rằng chính phủ đã quyết định cho phép Musharraf ra nước ngoài để điều trị, sau khi Tòa án tối cao dỡ bỏ lệnh cấm xuất ngoại đối với cựu tổng thống hôm 16-3. Theo bộ trưởng Ali Khan, ông Musharraf đã cam kết sẽ đối mặt với tất cả các vụ kiện chống lại ông tại tòa án và đã "hứa sẽ trở lại trong vòng 4-6 tuần".

Theo hãng tin Anh Reuters, tướng Musharraf đã lật đổ Nawaz Sharif vào năm 1999 trong một cuộc đảo chính không đổ máu và lãnh đạo Pakistan cho đến khi nền dân chủ được lập lại vào năm 2008. Sau hơn 4 năm sống lưu vong ở nước ngoài, tháng 3-2013, ông trở về nước với mục tiêu tham gia tranh cử. Tuy nhiên, cựu tổng thống đã bị cấm tham gia các cuộc bầu cử và thay vào đó là đối mặt với một loạt cáo buộc, đồng thời bị cấm xuất ngoại và chịu lệnh quản thúc tại gia ở thành phố Karachi.

Tháng 1-2016, ông Musharraf được tuyên bố trắng án trong vụ sát hại thủ lĩnh ly khai Baloch Nawab Akbar Bugti hồi năm 2006. Tuy nhiên, ông vẫn còn đối mặt với 4 cáo buộc khác gồm: tội phản quốc để áp đặt tình trạng khẩn cấp, sa thải các thẩm phán trái pháp luật, ám sát nhà lãnh đạo đối lập Benazir Bhutto và tiến hành cuộc đột kích chết người tại Thánh đường Đỏ ở Thủ đô Islamabad.

THANH TRÚC (Theo AFP, Reuters, IANS)

THANH TRÚC (Theo AFP, Reuters, IANS)

Chia sẻ bài viết