24/10/2014 - 14:23

Đừng xem thường khi trẻ bị viêm VA

Tỷ lệ viêm VA chiếm khoảng 30% các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tái phát và có các biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Phương, Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu cung cấp những kiến thức cơ bản về căn bệnh phổ biến này.

* Khi trẻ đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán viêm VA, vậy VA là gì ?

- VA là 2 chữ viết tắt của cụm từ tiếng Pháp "Végétation Adenodes". Ở Việt Nam thường sử dụng danh từ "VA". VA là một tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng gần cửa mũi sau thuộc vòng bạch huyết Waldayer. Vòng bạch huyết này gồm có 6 amidan tạo thành, trong đó có amidan vòm gọi là VA. Các amidan này sắp xếp tạo thành vòng bạch huyết quanh vùng hầu họng, có chức năng giúp cơ thể tạo nên miễn dịch. Trẻ em mới sinh ra đã có VA và phát triển mạnh từ 1- 5 tuổi, đến 13- 14 tuổi thì teo dần. Một số người lớn vẫn còn thì gọi là VA tồn lưu.

* Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm VA, thưa bác sĩ ?

- Trẻ bị viêm VA cấp thường có biểu hiện như sốt cao 38-39oC, có khi co giật, nghẹt tắc mũi cả 2 bên, tăng khi nằm (trẻ phải thở bằng miệng). Sau đó, trẻ xuất hiện chảy nước mũi đục như mủ tăng dần và một số trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy…). Viêm VA mạn là tình trạng VA quá phát sau nhiều lần viêm cấp. Trẻ nghẹt mũi thường xuyên, chảy mũi xanh, 2 bên mũi lúc nào cũng có nước mũi, trẻ thường xuyên thở bằng miệng và thỉnh thoảng có những đợt cấp bộc phát. Ngày nay, với sự ra đời của máy nội soi mũi họng, giúp chẩn đoán chính xác bệnh viêm VA và phân biệt các khối u khác ở vòm mũi họng.

Nội soi mũi cho trẻ bị viêm VA tại Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu. Ảnh: H.H

* Trẻ viêm VA có nguy hiểm không ?

- Viêm VA thường không nguy hiểm tính mạng nhưng thường tái phát và gây các biến chứng như: viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa thanh dịch, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa… Ngoài ra, khi VA quá phát to, chèn ép vào cửa mũi sau, gây nghẹt mũi nên trẻ phải thở bằng miệng, khi đó lượng oxy vào cơ thể thấp hơn. Thiếu oxy, trẻ trở nên lừ đừ, không năng nổ, kém thông minh, hay ngủ gật, học hành sa sút… Nếu VA quá phát to phối hợp với viêm amidan khẩu cái làm tắc nghẽn hô hấp, gây nên hội chứng ngừng thở trong lúc ngủ. Thêm vào đó, tình trạng cơ thể thiếu oxy và thừa CO2 dễ dẫn đến biến chứng lên phổi và tim. Nếu mũi không hoạt động lâu ngày thì xương hàm trên không phát triển đúng, nhỏ hơn so với xương hàm dưới; hàm trên vẩu, răng mọc lỏm chỏm; xương hàm dưới nhô ra, da xanh, miệng há, 2 mắt mở to…gây dị dạng mặt hay gọi là " bộ mặt VA".

* Điều trị trẻ viêm VA ra sao? Khi nào phải nạo VA, thưa bác sĩ ?

- Trong những đợt viêm cấp tính, bác sĩ điều trị nội khoa bằng kháng sinh, kháng viêm, loãng dịch tiết, rửa mũi, hút mũi cho trẻ... Chỉ định nạo VA trong các trường hợp: Viêm VA mạn tính có nhiều đợt viêm cấp trong năm; viêm VA gây các biến chứng (viêm tai giữa, viêm nhiễm đường hô hấp tái diễn); viêm VA có kèm theo hội chứng ngừng thở trong lúc ngủ; viêm VA gây khó thở, giọng nói khác thường; viêm VA gây dị dạng mặt.

* Sau khi nạo VA có bị tái phát không, thưa bác sĩ ?

- Trước đây, không có nội soi, nạo VA theo phương pháp gây tê, bằng thìa Moure, không quan sát được khối VA nên dễ bị sót lại gây tái phát. Ngày nay, bác sĩ thường nạo VA qua nội soi trên, gây mê nội khí quản và sử dụng các kỹ thuật cao như: đốt hút coblator hay máy cắt hút Hummer, dễ dàng kiểm soát khối VA, tránh biến chứng, nguy cơ tái phát.

* Nạo VA có ảnh hưởng chức năng miễn dịch của trẻ không ?

- Nhiều người cho rằng VA có chức năng miễn dịch và không nên nạo, vì nạo VA sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ... Trên thực tế, VA chỉ có chức năng giới hạn và không phải là cơ quan duy nhất, giúp cơ thể tạo nên miễn dịch. Mặt khác, khi VA bị viêm quá phát sẽ làm bít tắc cửa mũi sau, gây cản trở trẻ thở bằng mũi, khả năng tạo nên miễn dịch cũng bị hạn chế. Ngoài ra, VA to gây ứ đọng dịch và mủ ở mũi trẻ, cũng là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn gây bệnh, từ đó gây ra các viêm nhiễm ở các khu vực lân cận như: mũi, xoang, họng, tai giữa, phế quản... Trẻ thường xuyên bị thiếu oxy não nên ảnh hưởng sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ… Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi trường hợp viêm VA đều phải nạo mà nạo VA phải đúng chỉ định.

* Theo bác sĩ, làm gì để phòng ngừa trẻ bị VA?

- Cần giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ như: nhỏ nước muối sinh lý 9‰ hay xịt dung dịch Xisat vào mũi trẻ. Khi trẻ bị chảy nước mũi thì việc rửa mũi và hút mũi rất quan trọng, loại bỏ mủ và dịch viêm khỏi mũi, làm trẻ dễ thở mau khỏi bệnh. Khi trẻ bệnh thì nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị tốt bệnh viêm VA, tránh các biến chứng.

* Xin cảm ơn bác sĩ !

H.H (thực hiện)

Chia sẻ bài viết