19/07/2018 - 07:29

Đừng mãi trông chờ vào “giải cứu”... 

Nhiều năm nay, câu chuyện “giải cứu” nông sản ở nước ta đã trở nên quá quen thuộc. Hiện nay, ngoài lúa được tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ vào vụ thu hoạch rộ thì nhiều mặt hàng nông sản khác mỗi khi rớt giá, dội chợ, giải pháp đầu tiên được ngành chức năng đưa ra là “giải cứu”. Trên thực tế, chúng ta đã từng chứng kiến chiến dịch “giải cứu” thanh long, hành, tỏi, dưa hấu, củ cải trắng, su hào, thịt heo... Hiệu quả hỗ trợ bước đầu dành cho người nông dân qua các đợt “giả cứu” là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là câu chuyện “giải cứu” này sẽ còn tiếp diễn đến khi nào?

Người dân TP Cần Thơ
Người dân TP Cần Thơ "giải cứu" thịt heo vào tháng 6-2017. Ảnh: MỸ THANH

Theo phản ánh từ một số địa phương, mặc dù Nhà nước đã có quy hoạch, trong đó tính đến yếu tố cung-cầu thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát thực hiện quy hoạch không dễ. Nguyên nhân là do số hộ nông dân tham gia sản xuất nhỏ lẻ quá lớn, diện tích đất nông nghiệp lại manh mún khiến việc điều tiết sản xuất và dự báo thị trường gặp khó khăn. Việc kiểm soát nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng vô cùng nan giải. Bởi khi nông sản nào được giá, nông dân sẽ ồ ạt đầu tư sản xuất... Có thể thấy, đây là những nút thắt nhiều năm qua của nền nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đầu ngành, để chấm dứt tình trạng “giải cứu” nông sản, vai trò định hướng của cơ quan chức năng là hết sức quan trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh lặp lại tình trạng nông sản dư thừa, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng quy hoạch sản xuất phù hợp gắn với phát triển theo chuỗi. Theo đó, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân trong bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bảo đảm cân bằng cung - cầu nông sản cho thị trường. “Không ai có thể “giải cứu” giúp chúng ta mãi, mà bản thân nông dân, doanh nghiệp phải tự cứu mình. Trong khi đó, liên kết giữa nông dân-doanh nghiệp quá lỏng lẻo, tình trạng bẻ kèo, phá vỡ hợp đồng thường xuyên diễn ra. Và để chấm dứt tình trạng này, 2 bên phải đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thời điểm, đúng số lượng, đúng chất lượng và đúng giá”- ông Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhận định.

Có thể thấy, việc kêu gọi “giải cứu” nông sản chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy.  Còn về lâu dài, nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại thì doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng không còn quá nhiệt tình với việc “giải cứu” nữa. Bởi bài toán của doanh nghiệp là lợi nhuận, họ không thể mua giá cao; người tiêu dùng cũng không thể ép lòng chọn sản phẩm giá đắt khi thị trường đang dư thừa. Do đó, Nhà nước phải linh hoạt hơn nữa trong việc thăm dò, đưa ra dự báo đón đầu nhu cầu từ thị trường để kịp thời thông tin đến nông dân lẫn doanh nghiệp. Bởi khi nhận được dữ liệu chính xác thì nông dân, doanh nghiệp mới biết phải trồng cây gì, nuôi con gì và ở mức độ bao nhiêu là phù hợp. Mặt khác, để hạn chế tình trạng nông dân đổ xô trồng - chặt, ngành nông nghiệp cần thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để định hướng nông dân, tránh tình trạng sản xuất tự phát. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, tăng cường chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm sẽ phần nào giảm thiểu tình trạng được mùa, rớt giá, trông đợi vào “giải cứu”.

Nước ta có gần 100 triệu dân nhưng lại xảy ra tình trạng thị trường nông sản bị ứ hàng không tiêu thụ được là do chúng ta quá bị động, phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường nội địa. Và giải pháp cho vấn đề này là phải phát triển thị trường nội địa để nông sản được tiêu thụ ngay trên sân nhà. Ông Phạm Văn Quỳnh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nói: “Trừ một số mặt hàng đặc thù cho thị trường xuất khẩu, còn lại hầu hết các ngành hàng đều có tỉ trọng tiêu thụ nội địa cao. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước ngày càng yêu cầu cao về các loại nông sản chất lượng, an toàn. Do đó, để nông sản Việt chinh phục được người tiêu dùng Việt, nông dân cần phải chuyển đổi sang sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao. Về phía Nhà nước phải trợ lực xây dựng hệ thống thu mua, vận chuyển, phân phối hàng hóa theo dây chuyền hiện đại khẩn trương và thực chất hơn để giảm thất thoát, hạ giá thành, tạo thế cạnh tranh hiệu quả cho nông sản Việt”. 

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết