23/09/2017 - 14:02

Đừng làm “khách trọ” 

Người xưa có câu “Đàn ông quản nhà, đàn bà quản bếp” để nhấn mạnh vai trò, phân công trách nhiệm từng giới đối với việc xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, nam nữ bình quyền, trách nhiệm “quản nhà - quản bếp” cần được chia sẻ, san bằng cho cả hai.

Ngó lơ mọi việc  

Rất nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ gia đình chị K. (quận Ninh Kiều). Anh H., chồng chị K, là mẫu người đàn ông giỏi kiếm tiền. Thế nhưng, anh nồng nhiệt đối với công việc, các mối quan hệ xã hội bao nhiêu, thì lơ là trách nhiệm gia đình bấy nhiêu. Chị K. tâm sự: “Theo tôi, người đàn ông trọng sự nghiệp nhưng phải dành thời gian để tâm việc gia đình. Tôi im lặng thì thôi, chớ lên tiếng phàn nàn là vợ chồng bất hòa, cự cãi”.

Ngày càng có nhiều nam giới xem việc nội trợ, nấu nướng là trách nhiệm chung của vợ chồng. Trong ảnh: Các gia đình cùng tham gia Hội thi nấu ăn do Hội LHPN quận Ninh Kiều tổ chức. Ảnh: TRÂM ANH

Xã hội hiện đại, phụ nữ cũng phải ra ngoài làm việc, mưu sinh như nam giới, trong khi, đàn ông đôi lúc “quên” vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chị Nguyễn Thanh Hương (quận Ninh Kiều) bộc bạch: “Ngoài đi làm kiếm tiền, chồng tôi chẳng quan tâm, để ý việc gì trong nhà. Về nhà chỉ biết đọc báo, xem ti vi, mặc cho vợ “đầu tắt mặt tối”. Ngay khi tôi mua vật dụng mới, nếu không nói, anh cũng không thèm hỏi. Con đi học thêm môn gì, tiền học ra sao đều không biết tới. Tôi có cảm giác anh chỉ là khách trọ trong nhà…”. Tương tự, nhiều chị cảm thấy “quá tải” với vai trò, gánh nặng của mình. Bởi chồng các chị chỉ chăm chăm ra ngoài làm việc, hằng tháng đưa cho vợ một số tiền. Còn lại, các chị phải tự cân, đong, đo, đếm, cân đối chi tiêu, sắp xếp mọi việc... Đó là chưa kể những ông chồng còn quan niệm lạc hậu, xem việc nội trợ, bếp núc là của phụ nữ, nhỏ nhặt; đàn ông chỉ thích hợp việc “đại sự”. Đó cũng là một trong nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình. 

Cộng đồng trách nhiệm

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các ông chồng, bà vợ trở thành “khách trọ” trong gia đình, đôi khi bắt nguồn từ người bạn đời. Có thể do người chồng quá giỏi giang, đảm đương gánh vác mọi việc, từ kiếm tiền đến cân đối chi tiêu. Ở những gia đình này, người phụ nữ hầu như không có tiếng nói, bởi tất cả đều tuân theo ý chồng. Chị T. (quận Bình Thủy) tâm sự: “Trong gia đình, chồng tôi đi làm kiếm tiền, cũng là người quản lý tiền và nghiễm nhiên quyết định mọi việc. Lúc đầu, tôi cũng góp ý nhưng không kết quả gì nên tôi chọn cách im lặng cho êm chuyện…”.

Trong thực tế, rất nhiều gia đình lâm cảnh giống chị T. Từ việc không có thu nhập rồi mất dần vị thế. Cứ nghĩ nín lặng, nhẫn nhịn cho qua để giữ gìn hòa khí, lâu dần tự biến mình thành “người ngoài cuộc”. Chị Lê Ngọc Hạnh (quận Ninh Kiều) bộc bạch: “Tuy chồng lo lắng mọi thứ, ra đường giỏi kiếm tiền, về nhà chăm lo gia đình, nhưng tôi không chủ quan, lơ là. Hạnh phúc phải xây dựng trên cơ sở cảm thông, chia sẻ mới lâu bền”.

Bên cạnh đó, nhiều chị em quá cầu toàn, mong muốn mọi việc trong nhà phải sắp xếp theo ý mình. Chồng, con chỉ là người thực hiện, không cần có ý kiến. Anh Nguyễn Văn Hiếu (quận Ninh Kiều) tâm sự: “Vợ tôi đảm đang, tháo vát, sắp đặt hầu hết việc lớn, nhỏ trong nhà. Cũng vì quá kỹ tính và cầu toàn nên việc gì vợ tôi cũng tự làm…”. Cũng theo anh Hiếu, do vợ đảm đang nên anh hầu như không biết việc nhà. Có lần bạn bè đến chơi, vợ đi làm chưa về, cả nhóm định vào bếp làm vài món ăn nhưng hỏi anh vật dụng nấu bếp để đâu, anh đều không biết. Cuối cùng cả nhóm ngồi chờ vợ anh về làm giúp… Sau lần đó, anh thấy mình có lỗi với vợ nhưng mỗi lần anh ngỏ ý giúp việc nhà, vợ đều từ chối vì sợ anh làm không đúng ý.  

Khác với vợ anh Hiếu, chị Nguyễn Thanh Hương (quận Ninh Kiều) có “chiêu” để chồng cùng tham gia việc nhà. Từ chỗ chỉ biết suốt ngày đi làm kiếm tiền, nay chồng chị Hương biết làm một số công việc lặt vặt trong bếp, tự nấu ăn khi vợ vắng nhà, còn tự nguyện đăng ký đưa đón con đi học mỗi ngày. Chị Hương tâm sự: “Trước đây, chồng tôi hay nói đàn ông ra ngoài làm ăn, mang tiền về đưa vợ là xong trách nhiệm. Việc nội trợ, nấu nướng cỏn con là của phụ nữ. Nhưng nhiều lần thấy vợ quá mệt nhọc với “núi” việc nhà, sức khỏe giảm sút cùng lời tỉ tê của vợ… anh dần thay đổi quan niệm”.

TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết