07/05/2008 - 23:26

Đừng để phải trả giá đắt !

Khi nhiều quốc gia trên thế giới đang mải mê chạy đua phát triển kinh tế bằng cách đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, công nghệ hóa, số hóa, thì bất ngờ, cả nhân loại bị sốc khi nhận thấy đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Trong nước, mới đây đã diễn ra “cơn sốt” giá gạo, cho dù Chính phủ khẳng định Việt Nam không thiếu gạo. Thế nhưng, giá gạo trên thị trường vẫn đắt gấp đôi so với cách đây hơn 1 tháng!

Giá gạo trong nước tăng có phần do tác động tất yếu từ việc giá lương thực thế giới tăng, lại được đẩy lên bởi tình trạng đầu cơ! Tuy nhiên, từ tình hình “sốt” giá gạo mới đây, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề phát triển công nghiệp trên địa bàn cả nước thời gian qua và chiến lược phát triển thời gian tới như thế nào, để không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 7 năm qua (2001-2007), tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp trên địa bàn cả nước khoảng 500.000ha (chiếm hơn 5% đất nông nghiệp đang sử dụng). Đặc biệt, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi và chuyển sang mục đích đô thị hóa, công nghiệp hóa năm sau luôn cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng trong năm 2007, diện tích đất trồng lúa cả nước đã giảm 125.000 ha. Con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra còn đáng lo hơn nhiều: 50% số đất nông nghiệp bị thu hồi trong thời gian qua nằm trong những vùng canh tác trọng điểm- trong đó, 80% diện tích thuộc loại đất màu mỡ. Nhiều diện tích đất phì nhiêu ở những tỉnh được xem là cái nôi của nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng đang ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho sản xuất công nghiệp. Hàng ngàn hecta đất nông nghiệp ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã biến thành đất công nghiệp. Nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của cả nước, cũng đang hy vọng làm giàu nhanh bằng cách biến đất nông nghiệp thành đất công nghiệp! Đó là chưa kể đến việc hàng trăm héc ta đất canh tác ở một địa phương cũng đã và đang được chuyển đổi để xây sân Golf. Trước thực trạng này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo: Nếu cứ tiếp tục như vậy, nền an ninh lương thực sẽ bị “hiểm nguy”!

“Có thực mới vực được đạo”, ông cha xưa đã nói như vậy. Còn trong một thế giới toàn cầu và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, muốn vươn lên làm giàu, con đường phát triển công nghiệp sẽ là lối đi nhanh nhất. Hẳn chúng ta đều biết, 10 người nông dân nước ta làm ra 10 tấn lúa trong vòng 6 tháng trời, giá trị cũng chỉ bằng một kỹ sư công nghệ sản xuất ra mấy con chíp máy tính trong vòng 8-9 tiếng đồng hồ. Thực tế là vậy, nhưng vấn đề đặt ra là phát triển công nghiệp phải dựa trên mô hình tổng thể, thống nhất và được điều tiết vĩ mô bởi cơ quan điều hành cao nhất là Chính phủ. Kinh nghiệm ở một số quốc gia như: Mỹ, Anh, Australia, Hàn Quốc... cho thấy, họ không bao giờ phát triển các thành phố công nghiệp, khu công nghiệp ở những nơi đất đai phì nhiêu, màu mỡ mà luôn đặt ở những nơi đất nông nghiệp không thể phát huy hiệu quả canh tác. Tiền thu về từ thuế, Chính phủ điều tiết một phần đáng kể để phát triển hài hòa an sinh xã hội đối với các vùng, miền và cư dân cả nước.

Còn ở ta, công nghiệp vẫn đang phát triển nhưng quá manh mún, theo kiểu mạnh ai nấy làm; ở đâu có địa thế đẹp, ở đấy ồ ạt làm công nghiệp. Cách làm như thế không dựa trên quy hoạch tổng thể và lợi ích quốc gia mà chỉ dựa trên lợi ích cục bộ của tỉnh,thành; thậm chí là lợi ích nhóm. Tại sao chúng ta lại không đẩy mạnh xây dựng hạ tầng tốt để phát triển công nghiệp ở những nơi đất đai khô cằn, như vùng duyên hải miền Trung? Tại sao chúng ta lại “băm nát” nhiều vùng đất nông nghiệp màu mỡ ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa chính của cả nước, nơi nuôi sống hơn 83 triệu dân hiện tại và cả trăm triệu dân trong tương lai - để làm công nghiệp?

Câu hỏi này, chỉ có thể trả lời được từ cấp Chính phủ. Bài toán thiếu lương thực đang trở nên nhãn tiền. Nếu bây giờ chúng ta không kịp thời điều chỉnh thực trạng bất cập này thì cái giá phải trả trong tương lai (chỉ một vài thập kỷ sau) sẽ vô cùng đắt.

ĐỨC HẠNH

Chia sẻ bài viết