15/06/2018 - 21:01

Từ những sự cố của y tế

Đừng để lan tỏa tâm lý nghi ngại 

Vụ việc người bệnh tử vong sau vài giờ tiêm thuốc ở phòng khám ngoài giờ của một y sĩ đang công tác tại Trạm Y tế xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền vào đầu tháng 6-2018 đã làm gia tăng sự lo lắng của người dân về chất lượng hoạt động của các đơn vị y tế cơ sở. Đồng thời, đặt ra câu hỏi về vai trò quản lý, giám sát của ngành đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Trạm Y tế có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Những vụ sai phạm liên tiếp

Vừa qua, người dân ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền xôn xao về việc cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi của ông Nguyễn Văn Hòa (78 tuổi) theo yêu cầu của gia đình ông Hòa, để xác định nguyên nhân tử vong. Trước khi ông Hòa mất khoảng 2 giờ, tức trưa 4-6, ông Hòa cảm thấy mệt trong người, thuê xe ôm chở đến phòng khám ngoài giờ của y sĩ Mai Thanh H. (ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền). Bệnh nhân có triệu chứng ban đầu là đau vùng thượng vị, ăn khó tiêu, kèm theo mệt. Tại phòng khám này, bệnh nhân được y sĩ H. cho thuốc uống và tiêm thuốc bồi dưỡng cơ thể. Sau khi chích thuốc về nhà, ông Hòa nằm nghỉ và khoảng 2 giờ sau đó, người nhà phát hiện ông tử vong.

Thanh tra Sở Y tế thành phố cho biết, về nguyên nhân gây cái chết của ông Hòa, phải đợi kết quả của cơ quan pháp y. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều sai phạm tại phòng khám bệnh ngoài giờ của y sĩ H. Y sĩ này đăng ký dịch vụ tiêm chích thay băng theo y lệnh của bác sĩ nhưng thực tế, lại tự ra y lệnh và tiêm thuốc, vi phạm lỗi thực hiện vượt quá hành vi chức năng. Cơ quan chức năng ra quyết định tạm ngưng hoạt động, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm.

Một tháng trước đó, vụ việc ở Trạm Y tế phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt cũng gây xôn xao dư luận khi y sĩ của trạm bỏ đi chợ trong lúc người bệnh đang truyền dịch. Người bệnh diễn biến trở nặng và tử vong trên đường chuyển đến Bệnh viện (BV) Đa khoa quận. Sau sự việc, y sĩ bỏ trực nhận hình thức cảnh cáo với các vi phạm được xác định, gồm: cán bộ y tế chưa khai thác hết bệnh sử của bệnh nhân, rời bỏ vị trí trực gây hậu quả nghiêm trọng, cũng như không tuân thủ quy định chuyển bệnh.

Cũng tại địa bàn quận Thốt Nốt, đầu năm 2018, vụ việc “bác sĩ google” do một thanh niên tự học kiến thức trị bệnh trên Internet nhận khám chữa bệnh cho người dân tại nhà, trong khi không có chứng chỉ hành nghề cũng không có giấy phép hoạt động của phòng khám.

Lực lượng "mỏng", quản lý không xiết?

Trước các sự cố trên, người dân không khỏi băn khoăn, đắn đo khi lựa chọn các đơn vị y tế khám chữa bệnh. Cô Lê Ngọc Được, 60 tuổi, ở xã Giai Xuân cho biết, ngại đến trạm y tế hay BV huyện vì chờ đợi lâu, ít được quan tâm săn sóc và nhất là thuốc thiếu. Không ít bà con khi có bệnh chọn đến phòng mạch tư để được phục vụ nhanh, thuốc men đầy đủ. Một số người nghe ai giới thiệu bác sĩ ở đâu giỏi thì tìm đến, trị vài bữa không khỏi thì đến luôn các BV lớn ở trung tâm thành phố. Bác sĩ CKII Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Khi các sự cố xảy ra, chúng tôi kịp thời xử lý, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm; đồng thời, rút kinh nghiệm cho các đơn vị để đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Trong quá trình hoạt động của các đơn vị y tế, khó có thể tránh khỏi các sự việc trên".

Dù vậy, không thể không đề cập đến trách nhiệm quản lý của ngành chức năng. Bác sĩ Trần Bá Thành, Trưởng Phòng Y tế huyện Phong Điền, cho biết: “Mỗi năm một lần đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề y dược tư nhân và mạng lưới tổ y tế ấp. Đối với những đơn vị có dấu hiệu vi phạm thì kiểm tra nhiều hơn. Phòng khám của y sĩ H. có giấy phép hoạt động của Sở Y tế thành phố, nhưng sai ở chỗ y sĩ H. thực hiện những công việc vượt quá khả năng chuyên môn. Lúc chúng tôi kiểm tra thì không phát hiện sai phạm. Vì lực lượng mỏng, Phòng Y tế chỉ có 3 người, nên chúng tôi gặp khó, không quản lý xiết”.

Tình trạng nhân lực "mỏng" không chỉ riêng đối với tuyến huyện. Bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, Chánh Thanh tra Sở Y tế cũng chia sẻ, với hơn 2.000 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố, trong khi nhân lực của thanh tra chỉ có vài người, nên mỗi quý, kết hợp với các đơn vị địa phương tổ chức một đợt kiểm tra, nhưng không kiểm tra toàn diện mà chỉ kiểm tra những đơn vị có nguy cơ, có dấu hiệu vi phạm.

Y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, đồng thời góp phần giảm tải cho tuyến trên. Thành phố Cần Thơ có mạng lưới 85 trạm y tế đạt bộ tiêu chí về y tế cơ sở, đóng góp rất lớn vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng. Thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở của thành phố được quan tâm đầu tư từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến nhân lực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Hệ thống y tế cơ sở còn được kỳ vọng rất nhiều với định hướng phát triển toàn diện mô hình bác sĩ gia đình. Thế nên, những sự cố vừa qua, dù là những vụ việc đơn lẻ, nhưng cũng gây tác động tiêu cực, làm giảm uy tín của ngành y tế đối với người dân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với hệ thống y tế cơ sở, nên cần sớm được chấn chỉnh.

Có thể thấy, việc chẩn đoán đúng tại y tế cơ sở trong những trường hợp cấp cứu để chuyển tuyến kịp thời, trong những trường hợp có nguy cơ đe dọa tính mạng, giúp người bệnh được điều trị, giữ lại mạng sống. Theo kết quả giám định của hội đồng chuyên môn, đối với bệnh nhân ở Thốt Nốt, chẩn đoán nguyên nhân tử vong do nhồi máu cơ tim. Còn bệnh nhân ở Phong Điền, theo ý kiến của một bác sĩ, khả năng cao nhất cũng do bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp vùng dưới nên có triệu chứng giống như đau dạ dày. Nếu phát hiện ra nhồi máu cơ tim cấp và chuyển tuyến trên điều trị kịp thời, đã không có sự cố đáng tiếc xảy ra.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết