27/09/2018 - 21:03

Đừng để “khó càng thêm khó”! 

Không chỉ ở Cần Thơ mà nhiều địa phương trong cả nước cũng đang tìm mọi cách phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Thực trạng ai cũng thấy là văn hóa đọc ngày càng giảm. Tại Cần Thơ, nhiều giải pháp vực dậy phong trào đọc sách được triển khai: đầu tư xây dựng hệ thống thư viện công cộng đến tận xã, phường, thị trấn; luân chuyển, phục vụ sách lưu động… Đặc biệt, Hội Sách Cần Thơ tổ chức 2 năm 1 lần cho thấy nỗ lực gầy dựng văn hóa đọc của Cần Thơ.

Thiếu nhi đọc sách tại cuộc triển lãm sách báo lưu động do Thư viện TP Cần Thơ tổ chức tại huyện Phong Điền.

Hiện tại, nước ta đã có Pháp lệnh Thư viện và đang soạn thảo Luật Thư viện, được đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2019 của Quốc hội. Ngoài ra, các Đề án của Chính phủ: Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” cũng đang được triển khai có hiệu quả.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về tình trạng: “Một số địa phương chủ trương, kế hoạch sáp nhập cơ học thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các thiết chế văn hóa khác có thể dẫn tới tình trạng hệ thống thư viện bị phá vỡ”. Rõ ràng, có thể do áp lực về biên chế, kinh phí hoạt động… nên một số địa phương đã sáp nhập thư viện công cộng vào nhà văn hóa, trung tâm văn hóa hoặc các điểm phục vụ văn hóa. Tuy nhiên, việc làm này là “con dao hai lưỡi” khi mà cơ sở vật chất đã được đầu tư, việc sáp nhật có thể khiến thu hút bạn đọc thêm khó khăn và hệ thống thư viện bị phá vỡ. Rõ ràng, chủ trương sáp nhập cơ học này khiến việc phát huy văn hóa đọc “khó càng thêm khó”. Qua chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể  thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc không sáp nhập cơ học thư viện với các thiết chế văn hóa khác.

Ở một khía cạnh khác, trong dự thảo Luật Thư viện đang được lấy ý kiến, Điều 15 có quy định: thư viện ngoài công lập đủ điều kiện đăng ký hoạt động khi có vốn tài liệu từ 5.000 bản sách trở lên và các tài liệu khác, có phục vụ từ 1.000 bạn đọc thường xuyên trở lên. Theo các cán bộ thư viện trong cả nước, điều này là quá xa vời, bất khả thi và đề nghị giảm xuống khoảng còn 3.000 bản sách và 300 bạn đọc thường xuyên. Bởi, với quy định như phải kiểm kê danh mục vốn tài liệu, không có nhiều ưu đãi với loại hình thư viện tư nhân thì việc kêu gọi xã hội hóa thư viện là điều rất khó khăn. Theo lãnh đạo Vụ Thư viện, Việt Nam hiện có hơn 20.000 phòng đọc, tủ sách phục vụ cộng đồng dân cư, thôn xóm, nhưng vấn đề đăng ký rất khó. Trong 10 năm qua, mới có khoảng 60 thư viện thực hiện đăng ký; thư viện tư nhân ở cụm dân cư thì chỉ thông báo với chính quyền địa phương.

Để gỡ khó cho hệ thống thư viện công cộng, những vấn đề trên cần thiết phải được cân nhắc và tính đến việc tham gia của cộng đồng, chung tay xây dựng văn hóa.

Bài, ảnh: DUY LỮ

Chia sẻ bài viết