27/06/2008 - 21:57

Đừng đánh mất gia đình!

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay mang chủ đề “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”. Hướng đến ngày này, nhiều nơi trên cả nước diễn ra những hoạt động nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống gia đình Việt Nam để nhắc nhở mọi người cùng giữ gìn và phát huy. Nhưng vì sao Ngày Gia đình Việt Nam năm nay lại có chủ đề “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”?

Theo kết quả khảo sát (năm 2005) của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tại 8 tỉnh, thành phố, hàng năm có 2,3% gia đình có các hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% gia đình có hành vi bạo lực về tinh thần và 30% cặp vợ chồng xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Còn theo báo cáo của các Sở Y tế vùng ĐBSCL (năm 2005) có tới 1.319 bệnh nhân nhập viện do bạo lực gia đình, trong đó có hơn 1.000 người tự tử, 30 người chết... Đó là số liệu từ năm 2005, trong khi từ năm 2006 đến nay tình trạng bạo lực trong gia đình xuất hiện ngày càng nhiều đến mức báo động.

Đầu năm nay, dư luận ở TP Biên Hòa, Đồng Nai hết sức bất bình trước sự việc có một người mẹ xích chân 2 con trai của mình (học sinh lớp 8) vào cột điện ngay lề đường trước sự chứng kiến của bao người qua lại. Gần đây, ở Bạc Liêu cũng vừa phanh phui vụ một thanh niên bị cha mẹ xiềng xích nhiều ngày dẫn đến kiệt sức, loạn thần... Hơn hai tuần trước, tại Hà Nội, dư luận xôn xao khi có một ông chồng nhốt vợ vào chuồng chó ngay cửa ra vào cửa hàng bán chó của mình trước sự chứng kiến của nhiều người qua lại. Gần đây nhất (17-6-2008), tại huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) có chàng rể chém mẹ vợ (vì can ngăn anh ta chém vợ mình) và chém luôn người em vợ... Thật không khỏi giật mình khi hàng ngày xem đài, đọc báo lại thấy những vụ án mạng hay những vụ bạo hành trong gia đình như: cha (mẹ) ruột giết con đẻ, con giết cha, cháu giết bà, chồng giết vợ... mỗi lúc một dày hơn. Những vụ bạo hành gia đình mà khi nghe qua nhiều người không khỏi bàng hoàng!

Nhưng đó chỉ mới là những sự việc “bề nổi” của bạo lực gia đình đã được phanh phui trước dư luận. Còn những “mặt chìm” của nó, có lẽ khó có thể thống kê một cách cụ thể. Bởi vì, có những kiểu bạo lực gia đình về mặt tinh thần mà nạn nhân khó có thể giãi bày với ai. Thời gian gần đây, trên các diễn đàn về Hôn nhân và gia đình xuất hiện nhiều câu chuyện như: vợ than phiền chồng lo chạy theo danh vọng, quên đi trách nhiệm của người chồng người cha; chồng trách vợ chỉ biết chuyện “ngoài đường” (cơ quan, xã hội) không làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ; người mẹ than phiền, lo lắng về đứa con bất trị; anh chị em ruột trong gia đình mâu thuẫn nhau chỉ vì tranh giành gia tài... Nhiều người hy vọng nói ra những điều này để mong tìm được sự chia sẻ, thông cảm và chí ít cũng có được một lời khuyên... Thế còn những người không thể tâm sự được với ai, không tìm được cho mình một lối thoát, thì sao? Và bạo lực gia đình dù ở dạng nào nó cũng giống như mũi dao nhọn đâm thẳng vào gia đình - tế bào xã hội, hủy hoại lần hồi truyền thống văn hóa tốt đẹp về gia đình vốn đã được gầy dựng từ bao đời nay.

Trong khi đó, ở nhiều nơi trong cả nước nhiều gia đình vẫn giữ được những truyền thống quí báu, trong đó có những chuẩn mực của các thế hệ trong gia đình Việt Nam xưa và nay. Nhiều gia đình đã chọn lọc những điều hay trong lễ giáo gia đình xưa để kết hợp vào việc giáo dục con cái sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Thời gian qua, nhiều gương điển hình đã được vinh dự đại diện cho hàng triệu gia đình tiêu biểu trên toàn quốc tham dự các đại hội tuyên dương về ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học... Điều này khẳng định rằng, giá trị cao đẹp về truyền thống gia đình Việt Nam vẫn đang được nhiều người quan tâm gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu. Và vì thế, bạo lực gia đình trở thành một vấn nạn xã hội mà mỗi người trong chúng ta cần phải kiên quyết loại trừ.

Lúc sinh thời, cụ Phan Bội Châu đã từng khẳng định về vai trò của gia đình: “Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở chúng ta: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình” (bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân gia đình tháng 1-1959). Điều này càng khẳng định giá trị hết sức to lớn của gia đình; sự gắn kết, mối tương quan giữa gia đình và xã hội, mà chúng ta phải biết trân trọng giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp đó.

Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay, thêm một lần nữa nhắc nhở mỗi người trong chúng ta cần nhìn lại chính mình trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Còn gì vui sướng hơn khi trong những vất vả giữa đời thường, hay những lúc bị vấp ngã trong cuộc sống... người ta tìm được sự động viên, an ủi của những người thân trong gia đình... Ở nơi đó còn có cả một động lực to lớn thúc đẩy người ta phấn đấu vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội...

XUÂN QUYÊN

Chia sẻ bài viết