09/06/2016 - 15:16

Dùng dằng nửa ở nửa về

Đúng hai tuần nữa cử tri xứ sương mù sẽ đi bỏ phiếu quyết định tiếp tục ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)sau 43 năm chung sống với không ít lần "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Giữa lúc hai phe chủ trương nói "Không" và "Có" với EU đang ráo riết vận động vào phút chót thì các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho kết quả trái ngược nhau, nhưng có điểm chung là rất sít sao. Cụ thể, thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 7-6 cho thấy 48% ủng hộ ra đi và 44% muốn ở lại. Trong khi đó, khảo sát cùng ngày của tổ chức What UK Thinks lại cho ra tỷ lệ lần lượt là 49% và 51%.

Nhiều người Anh đang phân vân giữa ở lại hay rời bỏ EU.

Thủ tướng David Cameron, đứng đầu phe nói "Có", mới đây cảnh báo rằng bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ không khác nào hành động kích nổ trái bom đặt dưới nền kinh tế Anh. Theo tính toán của phe này, rời EU sẽ khiến mỗi gia đình Anh mất thu nhập 4.300 bảng/năm, qui mô của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới giảm 6% vào năm 2030, xuất khẩu phải chịu thêm khoản thuế 5,6 tỉ bảng mỗi năm...

Trong khi đó, hai nhân vật chủ chốt của phe nói "Không" là cựu Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson (người được xem là có khả năng thay thế Thủ tướng Cameron) và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove cho rằng nếu ở lại với EU, nước Anh chỉ hao tiền tốn của mà lại phải mất bớt quyền lực vào tay Brussels. Anh là nước đóng góp nhiều thứ ba cho ngân sách EU (chỉ sau Đức và Pháp), với 13 tỉ bảng hồi năm ngoái trong khi được chi trở lại chỉ 4,5 tỉ bảng. Phe này cũng cho rằng ở lại với EU buộc Anh phải tiếp nhận hàng trăm ngàn người nhập cư mỗi năm, nên ngoài gánh nặng kinh tế còn khiến tình trạng tội phạm gia tăng...

Chưa biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 23-6 tới sẽ như thế nào nhưng sự kiện này đang tác động rất tiêu cực tới tiến trình nhất thể hóa EU. Thăm dò của Pew tại 10 nước thành viên cho thấy ngày càng có nhiều người hoài nghi về ngôi nhà chung của 28 quốc gia châu Âu. Tại Hy Lạp, quốc gia đang bị EU ép phải thắt lưng buộc bụng mới cho vay nợ, chỉ có 27% người được hỏi có cái nhìn tích cực về EU. Đáng ngại là ngay tại hai đầu tàu của khối, tỷ lệ ủng hộ EU cũng sụt giảm mạnh, chỉ còn 50% ở Đức (giảm 8% so với năm ngoái) và 38% ở Pháp (giảm 17%).Thậm chí một cuộc thăm dò hồi cuối tháng 5 của YouGov cho thấy nếu tổ chức trưng cầu dân ý sẽ có tới 29% người Đức bỏ phiếu rời EU, mà nguyên nhân chính là do nước này đã phải tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư chỉ riêng trong năm ngoái.

Trở thành thành viên EU từng là mơ ước của nhiều quốc gia châu Âu. Thế nhưng cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro và bây giờ là khủng hoảng nhập cư đang khiến hấp lực của khối này giảm sút. Do vậy cũng dễ hiểu khi người Anh, vốn không mặn mà lắm với EU mà biểu hiện dễ thấy là kiên quyết không tham gia đồng tiền chung, "dùng dằng nửa ở nửa về" như vậy.

Quốc Khánh

Chia sẻ bài viết