11/01/2018 - 10:20

Phát triển diện tích cây ăn trái

Đừng chạy theo phong trào! 

Thời gian qua, nhiều nông dân khấm khá hẳn lên nhờ chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng các loại cây ăn trái. Song, do còn mang tính tự phát, chạy theo phong trào và chất lượng nguồn cây giống đầu vào chưa đảm bảo nên nông dân dễ gặp rủi ro trong sản xuất , tiêu thụ sản phẩm.

Hệ lụy cho đầu ra

Thực tế cho thấy, có nhiều loại trái cây có giá khá cao trong các năm trước nhưng gần đây đã nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp, do cung có dấu hiệu vượt cầu vì nông dân ồ ạt trồng. Điển hình là cây mãng cầu xiêm hay một số loại cây có múi như: cam xoàn, cam sành…

Giá mãng cầu xiêm tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang chỉ ở mức 7.000-8.000 đồng/kg. Trong ảnh: Thu mua mãng cầu xiêm tại một vựa trái cây ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ông Huỳnh Văn Năm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng cây ăn trái phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Các năm trước, giá cam xoàn ở mức khá cao, từ 27.000-40.000 đồng/kg trở lên. Nhưng bước vào vụ thu hoạch rộ năm 2017, giá cam xoàn loại đẹp chỉ còn ở mức 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nông dân trồng cam xoàn không có lời do chi phí đầu tư khá lớn, trong khi năng suất và chất lượng trái cũng chưa được đạt cao vì còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật trồng”. Ông Nguyễn Văn Liêm ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: Giá trái mãng cầu xiêm tại địa phương hiện chỉ 7.000-8.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm trước giá từ 15.000-20.000 đồng/kg trở lên”. Tương tự, giá các loại cam sành, chanh không hạt từ mức trên dưới 20.000 đồng/kg đã giảm về mức rất thấp, có thời điểm chỉ còn 5.000-8.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ  chậm, khiến nông dân phải lao đao. Ông Huỳnh Hữu Hiệp ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre,  có 2 công đất trồng bưởi da xanh và 10 công trồng sầu riêng. Theo ông Hiệp, trước đây, giá loại trái cây đặc sản bưởi da xanh luôn ở mức khá cao, từ 40.000 đồng/kg trở lên, nhưng gần đây giá bưởi da xanh loại 1 nhiều lúc chỉ còn ở mức 30.000-35.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân khiến giá bưởi da xanh giảm do nhiều loại bưởi và cây có múi được đẩy mạnh phát triển trồng tại ĐBSCL và nhiều vùng miền trong nước, nhưng đầu ra xuất khẩu trái cây có múi  còn hạn chế.

Theo nhiều nông dân tại ĐBSCL, vấn đề họ lo nhất là đầu ra của các loại trái cây còn quá bấp bênh. Hiện nay, tuy đã có các đơn vị, doanh nghiệp đứng ra liên kết sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng số nông dân trồng cây ăn trái có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp còn rất khiêm tốn. Trái cây của nông dân tại nhiều địa phương chủ yếu được bán cho thương lái cùng các vựa thu mua và phần lớn phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Hoạt động trồng cây ăn trái tại nhiều nơi còn tự phát, chạy theo phong trào và theo giá cả. Do vậy, rất dễ gặp cảnh bị rớt giá do thừa hàng dội chợ,  khi khâu chế biến, bảo quản trái cây sau thu hoạch còn khá yếu.

Chọn lựa giống cây thích hợp  

 Theo tính toán của nhiều nhà vườn,  chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, nông dân thường phải mất thời gian trồng khoảng 2 năm trở lên cây mới bắt đầu ra trái chiến. Chi phí đầu tư cho cả giai đoạn này là từ vài chục triệu đồng đến trên một trăm triệu đồng/công đất, tùy loại cây trồng. Nếu lựa chọn được loại cây ăn trái cho chất lượng trái ngon, năng suất tốt và bán được giá, nông dân dễ dàng thu hồi vốn và bắt đầu có lãi chỉ sau 1-2 năm cây cho thu hoạch trái. Tuy nhiên, khi lựa chọn sai loại cây trồng hoặc mua nhầm nguồn cây giống không đảm bảo, nông dân có nguy cơ không thu hồi được vốn đầu tư. Trong trường hợp nông dân mua nhầm cây giống cho năng suất, chất lượng trái kém khó bán được giá cao hoặc cây giống bị nhiễm bệnh, trồng mới cho trái cây đã bắt đầu bị hư.

Vườn sầu riêng  của ông Huỳnh Hữu Hiệp ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Vườn sầu riêng  của ông Huỳnh Hữu Hiệp ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ông Huỳnh Văn Năm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng cây ăn trái phường Thuận Hưng, cho rằng: “Việc chọn sai giống cây trồng phải chặt bỏ, trồng cây mới! Rất tốn kém thời gian và chi phí!”. Cũng theo ông Năm, thời gian qua, nhiều hộ dân trồng cam xoàn đến lúc thu hoạch khó bán được giá cao vì trái cam bị khô sượng ít nước hoặc bị chua, không ngon ngọt như bản chất vốn có của cam xoàn do nguồn cây giống không đảm bảo chất lượng, cây bị lai tạp và ghép vào các gốc ghép không phù hợp, nhất là ghép gốc chanh. Ngoài ra, chất lượng trái cam còn giảm do nông dân chăm sóc và bón phân, xịt thuốc chưa đúng cách. Tới đây, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân, đặc biệt cần tăng cường quản lý chất lượng cây giống ăn trái.

Hiện nay, việc phát triển trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL diễn ra rất nhanh và mạnh do nông dân nhận thấy đây là một trong những hướng đi cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính quyền các địa phương cũng đã và đang tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây ăn trái ngon, đặc sản giúp mang lại giá trị cao. Tuy nhiên, do còn thiếu các quy hoạch chung và hướng dẫn cụ thể trong việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái nên nhiều địa phương còn gặp khó trong công tác quy hoạch và định hướng sản xuất. Cây ăn trái cũng là loại cây trồng mới tại nhiều địa phương vốn xưa nay làm lúa nên ngành chức năng cũng gặp khó và hạn chế trong việc định hướng, hỗ trợ nông dân về chọn giống, kỹ thuật trồng, thị trường… Do vậy, nông dân cần sáng suốt và quan tâm tìm hiểu kỹ về các loại cây ăn quả để lựa chọn cây trồng phù hợp, tránh sản xuất chạy theo phong trào, ồ ạt trồng rồi chặt bỏ.

Hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành chức năng cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, định hướng trồng cây ăn trái dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng miền, địa phương, gắn với nhu cầu thị trường và hỗ trợ, tạo gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời, xây dựng ngay các quy trình canh tác cụ thể đối với từng loại cây ăn trái để nông dân áp dụng nhằm sản xuất ra các loại trái cây đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, cần cập nhật thường xuyên, liên tục các thông tin về tình hình phát triển trồng cây ăn trái, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật chăm sóc cây, cách phòng trị sâu bệnh… cho nông dân và có các khuyến cáo, cảnh báo kịp thời về tình trạng thừa nguồn cung.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết