02/07/2018 - 21:41

Đừng bỏ lỡ cơ hội phát triển thị trường nội địa 

Với hơn 96 triệu dân, thị trường nội địa được đánh giá vô cùng tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt. Từ thực tế này, tháng 9-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 634/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án). Từ đó, TP Cần Thơ đã chủ động xây dựng kế hoạch, lên phương án cụ thể để định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp chinh phục “sân nhà” thay vì chỉ chú trọng cho hoạt động xuất khẩu. Trao đổi với Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết:

Để đưa Đề án vào triển khai trong thực tiễn, Sở Công Thương tham mưu UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015- 2020 của TP Cần Thơ. Hằng năm, chúng tôi ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015 - 2020. Ngành công thương còn trực tiếp vận động các doanh nghiệp kinh doanh thương mại ưu tiên bán các mặt hàng sản xuất trong nước, nhất là các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trên địa bàn thành phố.

Để tăng tỷ lệ bao phủ hàng Việt, doanh nghiệp cần liên kết xây dựng thị trường, tạo sức cạnh tranh với các hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh: Người dân mua rau sạch tại Trung tâm Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản quận Cái Răng.
Để tăng tỷ lệ bao phủ hàng Việt, doanh nghiệp cần liên kết xây dựng thị trường, tạo sức cạnh tranh với các hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh: Người dân mua rau sạch tại Trung tâm Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản quận Cái Răng.

Nhằm tăng độ bao phủ và tạo điều kiện để ngày càng nhiều người Việt tiếp cận hàng Việt, Sở Công Thương thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ. Đồng thời, đa dạng kênh phân phối hiện đại, phát triển các loại hình kinh doanh mới: cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, chợ đêm… phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thành phố và khách tham quan du lịch đến với Cần Thơ. Ngành công thương còn tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp thành phố với doanh nghiệp các tỉnh, thành trong cả nước nhằm củng cố, phát triển kênh tiêu thụ hàng hóa. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố, hằng năm tổ chức từ 5-6 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đông dân cư. Mỗi phiên chợ có trung bình 20-25 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tham gia, đón trên 20.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.

* Quá trình triển khai thực hiện Đề án, TP Cần Thơ có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- Trước hết, nói về khâu sản xuất, hiện nay hàng hóa sản xuất trong nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng không đồng đều; mẫu mã, bao bì chưa thiết kế bắt mắt nên khó chinh phục người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm nông sản, nông dân có tập quán bán nông sản tại vườn, không phân loại; không sản xuất theo quy trình tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP…); không xây dựng thương hiệu; công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm… Đó là những lý do khiến nông sản của thành phố chưa tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý sính ngoại, là rào cản không nhỏ trong hành trình hàng Việt chinh phục sân nhà. Hiện nay số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng Việt chưa nhiều, hệ thống phân phối chưa bao phủ, rộng khắp ở địa bàn các quận, huyện ngoại thành; mẫu mã chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm còn hạn chế nên phần nào tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt, mua bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất chân chính và thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng. Mặt khác, cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hàng Việt chưa thiết thực, chủ yếu mang tính chất vận động nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn và không mặn mà với việc phát triển hệ thống phân phối trong nước.

* Thưa ông, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% như Đề án đã được phê duyệt, TP Cần Thơ đã đề ra các giải pháp cụ thể gì?

 

Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, trên 70% người dân biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Đồng thời, tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam...

- Thị trường nội địa không đơn giản chỉ là một phân khúc thị trường mà còn là “hậu phương” vững chắc cho các doanh nghiệp. Bởi, muốn cạnh tranh được ở thị trường quốc tế thì trước hết phải cạnh tranh được trên “sân nhà”. Để hàng Việt khẳng định vị thế tại thị trường nội địa, TP Cần Thơ tiếp tục bám sát 4 nhóm giải pháp: sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng; sản phẩm tiêu thụ có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng kênh phân phối theo chuỗi giá trị, bao tiêu sản phẩm có mã QR code truy xuất nguồn gốc; tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức người tiêu dùng.

Do đó, các sở, ngành hữu quan cần phối hợp với Sở Công thương và quận huyện để nắm bắt thông tin, dự báo tốt cung cầu thị trường, thực hiện chương trình bình ổn thị trường sát hợp với tình hình thực tế. Về phía ngành công thương, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất và phân phối. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch đưa hàng Việt về bán lưu động ở vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư để người tiêu dùng tiếp cận được hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục được quan tâm hơn nữa giúp người tiêu dùng hiểu về chương trình, nhận biết chất lượng hàng hóa để tạo tâm lý an tâm, thoải mái khi mua sắm. Mặt khác, doanh nghiệp cần có cái nhìn nghiêm túc hơn để không bỏ lỡ cơ hội phát triển thị trường nội địa bằng cách liên kết xây dựng thị trường, tiêu thụ sản phẩm của nhau, tạo sức cạnh tranh với các hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài…

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết