11/09/2017 - 10:28

Đức đề xuất giải quyết khủng hoảng Triều Tiên theo mô hình Iran 

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 10-9 cho biết nước này đang chuẩn bị tham gia một sáng kiến ngoại giao nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời đề xuất tiến hành thương lượng với Bình Nhưỡng theo format từng áp dụng thành công với Iran.

Ông Kim Jong-un tham dự buổi lễ (diễn ra ngày 9-9) chúc mừng các nhà khoa học và chuyên gia tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 2-9.

Năm 2015, Nhóm P5+1, gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) cùng với Đức, đã đạt được một thỏa thuận lịch sử với Tehran. Theo đó, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đối lấy việc hầu hết các lệnh cấm vận đối với nước này được dỡ bỏ. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần dọa xem xét lại thỏa thuận được ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama nhưng đến nay, theo xác nhận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran vẫn tuân thủ các cam kết của mình.

“Nếu sự tham gia của chúng tôi được mong đợi, tôi sẽ lập tức nói đồng ý”, Thủ tướng Merkel phát biểu với tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung. “Tôi có thể mường tượng một mô hình như vậy sẽ được sử dụng để kết thúc cuộc xung đột Triều Tiên. Châu Âu và đặc biệt là nước Đức cần chuẩn bị để đóng một vai trò tích cực trong đó”, bà nói thêm. Lãnh đạo Đức cũng khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, bởi “một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cùng ngày khẳng định chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng là mối đe dọa lớn nhất đối với Tokyo kể từ Thế chiến thứ hai. Ông cho biết Nhật Bản ủng hộ nỗ lực của Mỹ trong việc thông qua một nghị quyết của HĐBA (dự kiến bỏ phiếu vào hôm nay), trong đó hạn chế nguồn cung dầu cho Bình Nhưỡng. “Nếu lượng dầu đưa đến Triều Tiên, chủ yếu từ Trung Quốc, giảm thông qua áp lực của cộng đồng quốc tế thì sẽ khó cho Triều Tiên vận hành lực lượng tên lửa của họ”, Bộ trưởng Onodera giải thích trên truyền hình NHK.

Ngoài cấm vận dầu mỏ, Mỹ còn đề xuất cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may (kim ngạch lên tới 752 triệu USD hồi năm ngoái), trục xuất lao động Triều Tiên ở nước ngoài bởi đây được xem là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng cho chính quyền Bình Nhưỡng, đóng băng tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un và một số quan chức cao cấp khác.

Tuy nhiên, những đề xuất này khó nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh và Mát-xcơ-va, hai láng giềng cũng là đối tác thương mại chủ chốt của Bình Nhưỡng. Được biết, hầu hết hàng dệt may của Triều Tiên được xuất khẩu qua ngả Trung Quốc và ngành dệt may Trung Quốc cũng thuê mướn nhiều lao động giá rẻ người Triều Tiên. Trong khi đó, Nga sử dụng nhân công Triều Tiên trong lĩnh vực khai thác gỗ và xây dựng.

Nhưng khó được HĐBA thông qua nhất là đề xuất phong tỏa một phần đường biển đối với Bình Nhưỡng. Cụ thể, tàu hải quân của bất kỳ thành viên nào của LHQ cũng có quyền khám xét các tàu Triều Tiên bị nghi ngờ chở hàng cấm. Người ta lo ngại những hành động như vậy sẽ dẫn tới nổ súng.

Lường trước việc dự thảo nghị quyết không được thông qua, Washington dự phòng “Kế hoạch B”, theo đó sẽ cắt đứt quan hệ với bất kỳ quốc gia nào tiếp tục giao dịch với Triều Tiên. Nhưng điều này xem ra cũng khó thực hiện không kém bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên nhưng cũng là bạn hàng số một của Mỹ với kim ngạch song phương lên tới hơn 578 tỉ USD hồi năm ngoái, trong đó Trung Quốc xuất sang Mỹ gần 463 tỉ USD. 

QUỐC KHÁNH (Theo Guardian, Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết