20/04/2013 - 21:03

Đưa vốn ra thị trường gỡ khó cho sản xuất

Thị trường tín dụng sẽ khởi sắc thời gian tới.
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Vốn cho sản xuất luôn là vấn đề “nóng” của nhiều doanh nghiệp (DN). Thời điểm này, mặt bằng lãi suất (huy động và cho vay) đều giảm so với trước, nhiều DN cho biết không thiếu vốn sản xuất, chỉ lo đầu ra của sản phẩm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đưa ra lời khuyên dành cho các DN: “Hiện nay DN chưa được đầu tư mới thì cần duy trì hoạt động hiện có, khi nào có đầu ra ổn định mới phát triển sản xuất. Mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm nữa trong thời gian tới”. Đây là tín hiệu tích cực cho các DN.

Mặt bằng lãi suất giảm

Năm 2012, GDP của TP Cần Thơ tăng 11,55% so năm 2011, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi bình quân cả nước, CPI được kiềm chế ở mức thấp… là kết quả của sự nỗ lực của nhiều ngành chức năng thành phố, DN, người dân… Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn năm 2012 tăng 21,55% so với cuối năm 2011. Tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay đạt 42.436 tỉ đồng, tăng 4,22% so cuối năm 2011, nhưng nét tích cực là cơ cấu tín dụng cho nông nghiệp, phát triển nông thôn chiếm 37,7% trong tổng dư nợ. Quý I/2013, huy động vốn của các TCTD có giảm 3,2%, nhưng dư nợ cho vay tăng 2,1%... Tổng dư nợ cho vay đến cuối quý I/2013 là 43.323 tỉ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2012. “Qua đó khẳng định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn tín dụng trên địa bàn đã bước đầu phát huy hiệu quả”- ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ khẳng định.

Theo thống kê của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, lãi suất đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. So với cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất (huy động và cho vay) trên địa bàn giảm, mức giảm gắn liền với việc chấp hành các quy định của NHNN về trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam. Riêng lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao) hiện nay không quá 11%/năm. Một số TCTD áp dụng sản phẩm ưu đãi, với lãi suất thấp hơn 11%/năm đối với khách hàng truyền thống, khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Mặt khác, tình trạng nắm giữ, đầu tư ngoại tệ giảm rõ, thị trường vàng từng bước ổn định theo định hướng điều hành của NHNN. Việc quản lý thị trường vàng miếng trên địa bàn theo cơ chế mới, góp phần trực tiếp ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặt bằng lãi suất giảm, nhiều giải pháp điều hành tiền tệ, đưa dòng vốn ra thị trường theo chủ trương của NHNN đã phát huy hiệu quả. Theo phản ánh của nhiều DN ngành gạo, thủy sản trên địa bàn thành phố thì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại DN chấp nhận được. Ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ), cho biết: “Các DN chế biến xuất khẩu được ưu tiên vốn, xin vay bao nhiêu ngân hàng cũng giải ngân. Hạn mức của công ty là 500 tỉ đồng, hiện đã vay 30% hạn mức này, lãi suất khá ưu đãi. Sở dĩ chúng tôi không vay hết hạn mức vì thị trường đang khó”. Tuy nhiên, trên thực tế không phải DN nào cũng có cơ hội như Nam Hải, nhiều DN vẫn rất “khát” vốn. Ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) băn khoăn: “Các DN nhỏ, siêu nhỏ luôn khát vốn. Khát vốn trung và dài hạn, mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng niêm yết 11-12%/năm, nhưng nhiều DN phải “đốt đuốc” đi kiếm, hiện mức này là 14-15%/năm và DN không còn tài sản thế chấp để vay. Hiện có nhiều DN vay lãi suất trên 12%/năm rất nhiều và không còn nguồn để trả cho ngân hàng để được vay lãi suất thấp hơn. Trong khi hợp đồng đầu ra khó. Để tồn tại, một số DN thành viên CBA phải mượn vốn xoay vòng, không dám vay ngân hàng và sản phẩm đầu ra của DN này là đầu vào của DN kia”. Trong khó khăn, DN nhỏ và vừa luôn bị “tổn thương” nhiều nhất. Lãi suất giảm, nhưng cơ hội tiếp cận không phải DN nào cũng có được.

Để cung- cầu vốn gặp nhau

Tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ tăng trưởng 2,1% trong quý I/2013, nhưng vốn huy động của các TCTD lại giảm 3,2%. Tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lưu ý với lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ rằng: Nếu huy động vốn của các TCTD không tốt thì khó đảm đương vốn đầu ra cho sản xuất kinh doanh, chi nhánh cần rà soát lại vấn đề này để có giải pháp điều chỉnh hợp lý. Nợ trên cả nước giảm cuối năm 2012 do NHNN và các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu các tháng cuối năm. Tuy nhiên, nợ xấu đang có chiều hướng tăng lại trong quý I/2013 và TP Cần Thơ tỷ lệ nợ xấu đang chiếm đến 4,02% trên tổng dư nợ, chi nhánh cần vào cuộc quyết liệt hơn để đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng. Đồng thời, chi nhánh và các TCTD thường xuyên tiếp xúc với DN để tìm cách tháo gỡ khó khăn, đối thoại trực tiếp với DN để cung- cầu vốn gặp nhau. NHNN chi nhánh đóng vai trò trung gian trong việc kiểm tra, giám sát xem các TCTD đã áp dụng đầy đủ các cơ chế, chính sách cho DN vay chưa, áp dụng hợp lý hay không.

Lý giải vấn đề tăng trưởng tín dụng quý I/2013, theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, tín dụng tăng do chủ yếu các TCTD thực hiện chủ trương cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2012- 2013, còn các lĩnh vực tín dụng khác chưa thấy chuyển động rõ nét. Trên thực tế có rất nhiều DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi họ cần vay vốn trung và dài hạn thì rất khó tìm. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nói: “Lãi suất cho vay trung- dài hạn 14-15%/năm thì DN không chịu nổi, tôi chia sẻ với DN. Nhưng thực tế hiện nay còn ngân hàng đã huy động vốn trung- dài hạn ở mức 10,5-12%/năm thì khó mà giảm lãi suất đầu ra. Vốn trung và dài hạn hiện chiếm khoảng 20% tổng vốn huy động, do niềm tin vào thị trường, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô chưa được cao, nên người dân chưa mạnh dạn gởi tiền tiết kiệm trung và dài hạn”. Thống đốc cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2013 toàn hệ thống ngân hàng khoảng 10- 12%, NHNN sẽ cố gắng ổn định tỷ giá trong năm nay để tạo điều kiện cho các DN xuất nhập khẩu. Đồng thời, cố gắng giảm lãi suất cho vay, làm sao cuối năm 2013 đưa lãi suất cho vay về xoay quanh mức 10%. Còn hiện nay lãi suất cho vay trên 15% hiện chiếm xấp xỉ 16% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tại TP Cần Thơ mức cho vay lãi suất trên 15% hiện chiếm 20% tổng dư nợ. 

Theo phản ánh của đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, hiện tồn kho của DN ngành khá nhiều, khó vay vốn để đầu tư hoàn chỉnh các dự án còn dở dang. DN bất động sản hiện không dám vay để chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội vì vay phải thay đổi công năng, thay đổi kết cấu nhà… trong khi nhu cầu thị trường chưa khởi sắc. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, cho rằng: Hàng tồn kho của DN lớn và để giải quyết vấn đề này không phải một sớm, một chiều mà cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong Quý I/2013, GDP cả nước tăng 4,89% và có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 8% trong năm nay. Từ nhiều cơ sở này thì mặt bằng lãi suất ngân hàng có thể giảm 1-2% nữa thời gian tới để góp phần cùng các ngành kiềm chế lạm phát, đưa dòng vốn vào sản xuất.

Song Nguyên

 

Chia sẻ bài viết