23/07/2017 - 10:14

Đưa pháp luật đến người dân

TTH - Thời gian qua, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức: thông qua các phương tiện truyền thông; tủ sách pháp luật; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý... Từ đó, góp phần tạo chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật trong cuộc sống.

Các đạo hữu Thánh thất Cao Đài, quận Ô Môn, tìm hiểu quy định pháp luật. 

Từ đầu năm đến nay, công tác PHPBGDPL đạt nhiều kết quả khả quan. Mô hình tủ sách pháp luật, quán cà phê pháp luật hoạt động khá hiệu quả và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Hiện nay, trên toàn thành phố có 110 điểm “Quán Cà phê pháp luật”. Các tủ sách hoặc kệ sách đặt tại điểm quán đảm bảo có từ 50 đầu sách trở lên, với số lượng từ 100 đến 300 quyển, chủ yếu là sách luật, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hàng ngày, tại các điểm quán có khoảng 15 đến 20 lượt khách nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức kiến thức, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Ngoài ra, ở Thới Lai, tủ sách pháp luật được đặt tại 2 điểm chùa Khmer (1 điểm chùa Rummanivongsa tại thị trấn Thới Lai; 1 điểm chùa Xêrâyvongsa tại xã Định Môn); đồng thời thực hiện mô hình “Điểm hẹn pháp luật” tại chùa. Qua đó, tổ chức sinh hoạt pháp luật vào ngày 15 hàng tháng. Nội dung sinh hoạt là những quy định, chính sách về dân tộc và quy định pháp luật có liên quan. Tại Ô Môn, tủ sách pháp luật đặt ở chùa Bôthisômrôm, phường Châu Văn Liêm và tổ chức sinh hoạt pháp luật hàng tháng.

Bà Huỳnh Thái Như Ngọc, Trưởng Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết, thời gian gần đây, hoạt động PHPBGDPL cho các đối tượng đặc thù được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Cụ thể: Đối với đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội thì các ngành, đoàn thể ở địa phương răn đe giáo dục kết hợp tuyên truyền pháp luật; hoặc giáo dục, kết hợp tuyên truyền chủ trương, pháp luật cho các đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Sở cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc; phổ biến pháp luật cho đối tượng người khuyết tật; đối tượng người lao động tại Ban Quản lý Các khu chế xuất - Công nghiệp Cần Thơ về Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật mới có liên quan. Các hình thức PBGDPL cho học sinh được tổ chức thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đố vui, sinh hoạt chuyên đề, như: “Trường em xanh, sạch, đẹp, an toàn”; “Khi tôi 18”; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm…

 Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác PBGDPL vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Việc nhân rộng các mô hình về PBGDPL chưa được phát huy; chưa xây dựng được mô hình mới về PBGDPL. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động chưa đồng đều, do kiêm nhiệm công tác hoặc do việc luân chuyển cán bộ, nhất là đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn; về  kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác xã hội hóa hoạt động PBGDPL chưa được thực hiện rộng rãi. Kinh phí hoạt động của Hội đồng PHPBGDPL các cấp chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là đối với cấp xã. Kinh phí phục vụ công tác PBGDPL của nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chủ yếu sử dụng từ kinh phí chi thường xuyên. Ông Trần Tấn Lợi, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Công tác tuyên truyền triển khai các quy định pháp luật hiện nay chỉ phát huy hiệu quả tích cực ở cấp quận, huyện còn việc triển khai đến các xã, phường còn nhiều hạn chế (chỉ một vài đơn vị triển khai đến cấp xã). Việc sinh hoạt, hoạt động của các quán cà phê pháp luật chưa sâu, đa phần các tủ sách được giao lại cho chủ quán quản lý, nhưng lại không có kinh phí hỗ trợ để hoạt động”.

Để công tác PHPBGDPL đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Hội đồng PHPBGDPL đã đề ra nhiều giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân. Theo ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật, ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan, thì trên website của Viện cũng thường xuyên đăng tải các nội dung liên quan các quy định pháp luật mới, hoặc nhiều vấn đề người dân còn thắc mắc. Qua đó, không chỉ góp phần tăng cường công tác tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn để người dân dễ cập nhật, tìm hiểu thông tin. Ông Nguyễn Trần Hiếu, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội cựu chiến binh (CCB) TP Cần Thơ, chia sẻ: “Hội CCB thành phố đã thành lập các mô hình câu lạc bộ, photo các tài liệu về các quy định pháp luật để lồng ghép tuyên truyền pháp luật. Ngoài ra, tại hoạt động báo cáo viên hàng tháng, Hội đều dành thời gian để tuyên truyền các quy định mới của pháp luật đến các hội viên”. Còn ông Võ Văn Chín, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL thành phố thì nhấn mạnh: Hội đồng PHPBGDPL sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, tổng kết, nhân rộng các mô hình có hiệu quả đã và đang được triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở, họp báo, thông cáo báo chí, đối thoại chính sách pháp luật và trong hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Hội đồng PHPBGDPL thành phố cũng chú trọng việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật. Qua đó, giúp mọi người từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật. l

P.Nguyễn

Chia sẻ bài viết