14/10/2009 - 20:39

Đưa kiến thức pháp luật đến với dân

Người dân được tư vấn pháp luật tại phường Thuận An, quận Thốt Nốt. Ảnh: P.Y

Quanh năm lo việc đồng áng, làm thuê, làm mướn vất vả, hầu như người dân ở nông thôn không còn thời gian để tham gia những đợt tuyên truyền pháp luật của địa phương hoặc đến tủ sách pháp luật của địa phương để tìm hiểu. Đến lúc cần giấy CMND nộp hồ sơ đi làm hay sổ hộ khẩu để làm giấy khai sinh cho con trẻ đến trường... thì họ lại lúng túng không biết gặp ai, làm giấy ở đâu, hoặc xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp tài sản, đất đai giải quyết, khiếu nại thế nào... Vì thế, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Cần Thơ (TTTGPLNN-TP) đã mở các chi nhánh ở các quận, huyện nhằm tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho người dân.Tuy nhiên, nhu cầu về tư vấn pháp luật đối với người dân là rất lớn nên TTTGPLNN-TP vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến trợ giúp pháp lý lưu động.

“Khát” pháp luật

Hơn 7 giờ, Đoàn trợ giúp pháp lý đến phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Đông đảo bà con có mặt từ rất sớm, từ các bà cụ, đến chị em phụ nữ, thanh niên ở các khu vực... đều nôn nóng chờ gặp cán bộ tư vấn. Người cầm sẵn tờ giấy ghi nội dung mình cần hỏi, người ôm cả một sơ-mi giấy tờ để khi luật sư hoặc cán bộ của TTTGPLNN-TP cần thì đưa ra. Chị Võ Thị Sương, khu vực Thới Bình B, phường Thới An, nói: “Nghe có đoàn trợ giúp pháp lý về, tôi mừng lắm. Đây là lần đầu tôi nhờ tư vấn. Suốt ngày lo làm lụng đầu tắt mặt tối, đâu nghĩ tới việc làm giấy tờ. Bây giờ con tôi 9 tuổi rồi mà chưa có khai sinh, không nhập vào hộ khẩu được, xin đi học cũng không được, mới thấy việc làm giấy tờ hết sức quan trọng. Hôm nay, tôi đến nhờ luật sư hướng dẫn thủ tục làm khai sinh, xin nhập hộ khẩu”. Luật sư Huỳnh Quan Minh, Cộng tác viên của TTTGPLNN-TP, hỏi han cụ thể rồi hướng dẫn tỉ mỉ để chị Sương làm giấy khai sinh cho cháu. Nghe xong, chị Sương bớt vẻ căng thẳng, nói: “Vậy mà trước giờ, tôi cứ sợ đến công an người ta làm khó, rồi không biết đường làm nên cứ ở nhà”. Do cuộc sống khó khăn, nhiều người dân quanh năm phải đi làm thuê, làm mướn, những đợt tuyên truyền pháp luật ở địa phương họ cũng không có thời gian tham gia. Anh Lê Văn Kề, ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt, nhà đông anh em, thường xuyên phải đi làm mướn xa, không am hiểu các quy định của pháp luật, mà địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật, gia đình anh cũng không hay biết để tham gia. Nay, anh Kề muốn vay vốn sản xuất nhưng không biết thủ tục vay như thế nào? Biết có đoàn luật sư đến tư vấn, anh đã có mặt từ sớm để mong được luật sư hướng dẫn thủ tục vay vốn ở Ngân hàng Chính sách Xã hội. Sau khi được Luật sư Nguyễn Văn Hóa chỉ dẫn anh đến UBND phường để được hướng dẫn các thủ tục và điều kiện vay vốn ở Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Kề vui mừng, bày tỏ: “Tưởng thủ tục phức tạp, không dám đến Ủy ban phường hỏi sợ phiền phức, ai ngờ thủ tục đơn giản vậy, tôi sẽ làm nhanh hồ sơ để được vay tiền, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế gia đình”. Cũng là người được Luật sư Nguyễn Văn Hóa hướng dẫn tận tình, ông Lý Hồng Bé ở phường Thốt Nốt, nói: “Đất trong gia đình tranh chấp thưa kiện tới lui hoài nhưng tôi không biết đường đi nước bước. Giờ nghe luật sư hướng dẫn đã thông suốt. Tôi sẽ theo đó mà làm, chắc vụ việc sớm kết thúc, gia đình khỏi buồn phiền lo lắng, mất ăn mất ngủ”. Nguyên là ông nội của ông Lý Hồng Bé mất để lại hai phần đất (không có di chúc) một phần đất ruộng vườn, một phần là đất mồ mả ông bà. Sau khi gia đình chia đất xong, một thời gian sau, chú của ông Bé tự ý đi làm Giấy CNQSDĐ đối với phần đất mồ mả không thông qua gia đình, cả gia đình không ai đồng ý nhưng không biết làm sao ngăn cản. Khi được luật sư hướng dẫn, ông Bé cho biết sẽ đến phường làm thủ tục yêu cầu thu hồi Giấy CNQSDĐ của người chú.

Giải tỏa tâm lý

Biết tâm lý của người dân sợ đến cơ quan hành chính Nhà nước nên các cán bộ của TTTGPLNN-TP và luật sư hướng dẫn người dân rất kỹ, viết giấy giới thiệu của TTTGPLNN-TP để người dân thuận lợi trong việc làm giấy tờ. Hiện TTTGPLNN-TP đã có 5 chi nhánh ở các quận huyện như: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Phong Điền, Ô Môn, Cờ Đỏ. Ông Đặng Thanh Tuấn, Phó Giám đốc TTTGPLNN-TP, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Trung tâm thực hiện được 9 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, do yêu cầu từ các chi nhánh của tại TTTGPLNN-TP ở những quận, huyện hoặc địa phương có những vụ việc rắc rối, hòa giải không được đã yêu cầu TTTGPLNN-TP mở đợt lưu động để hòa giải và tư vấn cho người dân. Tùy theo số lượng vụ việc ở địa phương mà TTTGPLNN-TP cử từ 2 đến 4 luật sư, 2 cán bộ của TTTGPLNN-TP để hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng cho người dân”.

Luật sư Nguyễn Văn Hóa, Cộng tác viên của TTTGPLNN-TP, nói: “ Có đi các chuyến trợ giúp pháp lý ở nhiều địa phương mới thấy hiểu biết của người dân về pháp luật còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, tâm lý sợ đến các cơ quan công quyền của bà con rất lớn, đó là một trong những lý do bà con tự mình làm mình thiệt thòi. Thành ra với nhiều giấy tờ tùy thân, người dân không biết đi làm ở đâu, hay những vụ việc đơn giản nhưng do không hiểu biết pháp luật, dẫn đến cự cãi, gây mất hòa khí gia đình. Khi được cán bộ, luật sư của TTTGPLNN-TP phân tích thì họ hiểu ra nhiều vụ việc, tìm cách tháo gỡ”. Như trường hợp tranh chấp trong gia đình ông Nguyễn Hữu Luyện ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, suýt nữa anh em trong nhà phải đưa nhau ra tòa. Nguyên là bà Nguyễn Thị Ngẫm (mẹ ông Luyện) chết có làm di chúc để lại tài sản cho anh em ông. Nhưng ông Nguyễn Hữu Kiên (em trai ông Luyện) không đồng ý, cho rằng căn nhà mẹ ông để lại cho ông Luyện là do ông cất. Tại buổi hòa giải, luật sư đã phân tích cho gia đình hiểu quá trình UBND huyện Thốt Nốt cấp Giấy CNQSDĐ cho bà Ngẫm không ai khiếu nại tranh chấp, do đó, quyền sở hữu thuộc toàn quyền cá nhân bà Ngẫm. Năm 2006, bà Ngẫm làm di chúc và có chứng thực của UBND xã Thạnh An. Khi bà Ngẫm chết, di chúc được mở. Căn cứ vào di chúc, anh em ông Luyện được hưởng các phần đất do mẹ ông phân chia. Bên cạnh việc đưa ra các chứng cứ về pháp luật, luật sư đã hỏi rõ nguyên nhân, phân tích về mặt tình nghĩa cho ông Luyện và ông Kiên hiểu để thống nhất về việc chia tài sản. Qua trình bày của hai bên, luật sư động viên, thuyết phục ông Luyện đã có nhà riêng thì nên nhường phần căn nhà cho ông Kiên; ông Luyện đồng ý, chấp nhận lấy phần đất. Còn về phía ông Kiên, luật sư lý giải, nay ông Luyện đã đồng ý giao nhà thì ông Kiên nên tạo điều kiện cho ông Luyện đăng ký quyền sử dụng đất, dù sao ông Luyện đã nhường một bước, hơn nữa căn cứ theo di chúc nếu ông Kiên kiện ra tòa thì thiệt thòi vẫn về ông Kiên. Thế là, khúc mắc được giải tỏa, hai anh em khoác vai nhau vui vẻ ra về”. Luật sư Hóa cho biết thêm: “Nhiều vụ việc chúng tôi hòa giải không thành, đa phần là do người trong cuộc quá cố chấp, hay thách thức nhau, cuối cùng phải ra tòa, vừa mất thời gian, vừa tốn kém tiền bạc. Còn có người hiểu sai về pháp luật, như mình là con út thì đương nhiên được hưởng toàn bộ tài sản mà không chịu chia tài sản cho anh chị em khác...”. Anh Lê Văn Hận, cán bộ TTTGPLNN-TP, chia sẻ: “Hiện nay, ở hầu hết các xã, phường, nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn pháp luật của người dân cũng rất nhiều, mà họ lại ngại đến cơ quan chức năng để hỏi. Khi có đoàn trợ giúp pháp lý đến thì họ mạnh dạn hỏi những thắc mắc về pháp luật, trình tự thủ tục làm các loại giấy tờ. Nhiều hôm vụ việc nhiều quá, đoàn làm việc đến chiều nhưng người dân vẫn chịu khó ngồi đợi. Xúc động nhất là cảnh những bà con sau khi vụ việc được giải quyết xong, đã bật khóc tại chỗ dường như những uẩn khúc đã được giải bày, làm sáng tỏa, khiến họ nhẹ nhàng”.

Qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, bà con các địa phương như trút được gánh nặng về những âu lo, thắc mắc về các thủ tục làm giấy tờ, hiểu thêm về pháp luật. Họ sẵn sàng cầm những tờ giấy hướng dẫn của TTTGPLNN-TP để đi làm giấy tờ cần thiết, giải quyết các vụ việc của bản thân, gia đình. Nhiều bà con ra về còn trao đổi với nhau: “Lần sau đoàn trợ giúp pháp lý có về địa phương thì rủ thêm nhiều bà con khác lại nhờ tư vấn, thật bổ ích”. Và họ khoe với nhau mình có tấm danh thiếp ghi địa chỉ Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý tại địa phương, khi nào họ có vướng mắc về pháp luật thì tìm đến đây để giải bày...

NGỌC MINH

Chia sẻ bài viết