13/08/2014 - 22:01

Đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả ngày càng cao

Mua bán hàng tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG 

Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ thời gian tới. Báo Cần Thơ lược ghi một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu về giải pháp thúc đẩy Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ:

Phải làm cho người dân thấy được quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ khi dùng hàng Việt

 

- Chúng ta cần linh hoạt trong các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Cuộc vận động, làm cho Cuộc vận động sát với thực tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng cơ quan, đơn vị, làm cho mọi người thấy được quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ mà tự giác tin dùng hàng Việt.

Để cuộc vận động đạt hiệu quả ngày càng cao và đi vào chiều sâu, thành phố phải tập trung nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn, sâu hơn công tác vận động tuyên truyền. Tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cả hệ thống chính trị, chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng và cả doanh nghiệp để làm ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý và mẫu mã phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra, thành phố tiếp tục vận động doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh dịch vụ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với hàng hóa, dịch vụ làm ra. Từ đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước của thành phố phải là người hỗ trợ, giúp đỡ các thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý để nâng cao hiệu suất, chất lượng hàng Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Quan tâm xây dựng thương hiệu đặc sản hàng hóa, dịch vụ của từng địa phương trong thành phố và xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng Việt đến các địa bàn dân cư. Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương trên địa bàn sử dụng hàng nội địa khi mua sắm tài sản công. Phấn đấu trong thời gian tới người tiêu dùng TP Cần Thơ sẽ chuyển từ “ưu tiên” sang “tin dùng” hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ:

Phiên chợ hàng Việt - giải pháp đưa hàng Việt “bám rễ” ở vùng nông thôn

 

5 năm qua, thực hiện Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức 24 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, với doanh số bán hàng trên 12,7 tỉ đồng. Các phiên chợ đã góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng về hàng Việt, giúp người dân tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, với sự tham gia của khoảng 60 gian hàng của 30 doanh nghiệp. Tại các phiên chợ có tổ chức nhiều chương trình hoạt động, trong đó các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới và tìm hiểu nhu cầu thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm với nhà phân phối và bán lẻ tại địa phương. Tuy nhiên, Trung tâm chỉ có khả năng tổ chức từ 6-10 phiên chợ/năm. Tức mỗi quận, huyện (ngoại trừ quận Ninh Kiều và Cái Răng không tổ chức do có nhiều siêu thị) chỉ tổ chức được 1 phiên chợ/năm. Do vậy, thời gian trống còn lại rất nhiều. Tới đây, các quận, huyện cần chủ động tổ chức thêm nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn trên địa bàn. Mặt khác, các địa phương cần xác định nhu cầu tiêu dùng và rà soát lại các nhà phân phối hàng hóa. Trên cơ sở đó phối hợp với Trung tâm và các sở, ngành hữu quan của thành phố để mời gọi các doanh nghiệp đưa các loại hàng hóa phù hợp về địa phương, giúp “dòng chảy” hàng hóa doanh nghiệp Việt bám chặt thị trường nông thôn.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ sẽ quan tâm phối hợp với các doanh nghiệp, siêu thị tổ chức các phiên chợ hàng Việt dài ngày hơn, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Việc tổ chức các phiên chợ sẽ chú ý đưa về các xã, nhất là các xã vùng sâu, không chỉ tập trung thực hiện tại trung tâm quận, huyện như trước…

Bà Dương Thị Năm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Co.opmart Cần Thơ (Siêu thị Co.opmart Cần Thơ):

Doanh nghiệp cần “đồng hành” với người tiêu dùng

 

Hàng Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng nhập ngoại trong “quá trình chọn mua” của người tiêu dùng”. Muốn cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp Việt phải tìm tòi, nghiên cứu, phân khúc kỹ càng thị trường mục tiêu để làm ra các sản phẩm đạt mong muốn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phải đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ sản xuất mới để sản phẩm làm ra có tính năng vượt trội. Hơn nữa, doanh nghiệp cần đề ra chiến lược phát triển, tư duy sáng tạo khác biệt, mẫu mã theo phong cách chuyên nghiệp, hệ thống phân phối hiệu quả và chế độ hậu mãi tốt, đón đầu xu thế tiêu dùng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng…Tất cả các yếu tố này sẽ tạo tiềm lực phát triển bền vững, mang lại thành công cho doanh nghiệp, xây dựng niềm tin sâu sắc từ phía người tiêu dùng.

Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, Co.opmart Cần Thơ nói riêng và hệ thống Co.opmart nói chung luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm và tăng cường áp dụng các chính sách tối ưu về giá, giúp thu hút người tiêu dùng. Siêu thị Co.opmart Cần Thơ chủ trương làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà phân phối chiến lược để chia sẻ dữ liệu về khách hàng, sức mua và tình hình thị trường, từ đó có chính sách, chiến lược giá phù hợp. Bên cạnh nỗ lực giữ giá, siêu thị cũng thống nhất với các nhà cung cấp, chấp nhận chia sẻ chi phí, cắt giảm lợi nhuận để thực hiện liên tục các chương trình khuyến mãi sâu, luân phiên giảm giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu, đẩy sức mua hàng nội địa…

Ông Lù Cẩm Sáng, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cờ Đỏ:

Lãnh đạo, đảng viên phải nêu gương

 

Thực tế cho thấy, tâm lý sính ngoại của một bộ phận người dân vẫn còn. Vì vậy, ưu tiên dùng hàng Việt rất cần sự nêu gương từ lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước, cũng như của cán bộ đảng viên. Nhà nước cần thể chế hóa ưu tiên dùng hàng Việt vào các quy định mua sắm tài sản công, đầu tư công và trong chi tiêu công. Trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, thành phố cần chỉ đạo khuyến khích xây dựng và duy trì đều đặn các chương trình, các chuyên mục về hàng Việt. Qua đó, giúp người tiêu dùng không chỉ thấy được lợi ích kinh tế cá nhân, ưu điểm nổi trội của hàng hóa Việt Nam sản xuất, mà còn nhấn mạnh tinh thần và tình cảm cộng đồng để mọi người hiểu rằng dùng hàng Việt còn là giúp đỡ người lao động có công ăn việc làm, tôn vinh thương hiệu và giá trị hàng Việt Nam. Tới đây, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam-TP Cần Thơ (đơn vị Thường trực của Ban chỉ đạo Cuộc vận động tại thành phố) cần tiếp tục cụ thể hóa Cuộc vận động thông qua kế hoạch vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể…

Thực tế 5 năm triển khai Cuộc vận động, huyện Cờ Đỏ đã rút ra được nhiều bài học quý. Cuộc vận động phải được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong tổ chức thực hiện để tạo thành phong trào hành động cách mạng và phải được xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thứ hai, phải xem công tác tuyên truyền, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là việc làm thường xuyên và liên tục đối với các ngành, các cấp. Đặc biệt là ngành tuyên giáo, các cơ quan thông tin truyền thông và các tổ chức đoàn thể phải cùng vào cuộc. Thứ ba, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại là vô cùng quan trọng. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường với giá cả cạnh tranh. Các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức trách nhiệm và cái tâm đối với việc sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Có làm như vậy, Cuộc vận động mới đi vào cuộc sống.

Bà Lê Thị Chi Lan, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, công nhân-Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ:

Cần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân

 

Cuộc vận động được phát động từ năm 2009. Lúc đó, tôi cũng còn e ngại, chỉ mua sắm những hàng hóa đơn giản để sử dụng nhưng chưa nhiều. Sau đó, nhận thấy hàng Việt trên thị trường rất phong phú, mẫu mã đẹp, đa dạng nhưng giá lại rẻ, tiết kiệm được chi phí cho gia đình nên tôi mạnh dạn mua sắm nhiều hơn. Qua thời gian sử dụng, tôi thấy hàng sản xuất trong nước chất lượng không thua kém gì hàng ngoại nhập. Từ đó, tôi đã có những chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động, ưu tiên sử dụng hàng trong nước; đồng thời, tuyên truyền vận động người thân, bạn bè, hàng xóm cùng sử dụng hàng Việt.

Là một người tiêu dùng, tôi mong muốn các cấp, các ngành cần quan tâm phát triển thị trường Việt Nam. Bởi dân số ngày càng tăng, nếu nền thương nghiệp trong nước yếu kém, hàng hóa mẫu mã xấu, lạc hậu, tụt hậu không tiêu thụ được, nhiều lao động sẽ thất nghiệp dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu... Để Cuộc vận động đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng và toàn xã hội, các cấp chính quyền cần tiếp tục phối hợp, tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để Cuộc vận động triển khai có hiệu quả, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp; đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp muốn đưa thương hiệu Việt nhanh chóng đến với người tiêu dùng, ngoài việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thì phải hạ giá thành sản phẩm phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền; tìm giải pháp giảm chi phí bán hàng, chi phí quảng bá, tăng cường giới thiệu sản phẩm, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh và rộng cho hàng Việt. Từ đó hàng Việt sẽ là một phần không thể thiếu đối với mọi người tiêu dùng Việt Nam. Mỗi người tiêu dùng Việt Nam sẽ góp phần vào công cuộc phát triển đất nước chỉ bằng một hành động nhỏ thay đổi thói quen sử dụng hàng hóa của mình.

Khánh Trung (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết