15/03/2017 - 21:00

Đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế Nông nghiệp vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, Chương trình "Kết nối cung cầu" thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác, nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, tương xứng với lợi thế sẵn có của nền nông nghiệp vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập.

Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thời gian qua, kết quả khoa học và công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về về xuất khẩu nông lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, tôm, cá tra… Nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng có hiệu quả; nhiều loại trái cây đặc sản được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu sang các thị trường lớn có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng như Mỹ, châu Âu.

Doanh nghiệp tham gia Chương trình "Kết nối cung cầu" tại "Festival Quốc tế Nông nghiệp vùng ĐBSCL".

Tại Festival Quốc tế Nông nghiệp vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp tham gia đã giới thiệu các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi đến kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Quá, Phó Giám đốc Marketing và Phát triển sản phẩm của Công ty cổ phần Giống Cây trồng Trung ương, chia sẻ: "Lần này, công ty giới thiệu 2 giống lúa thơm RVT, Đài Thơm 8 chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gạo hạt trong, dài, thơm... Công ty cũng giới thiệu các giống bắp nếp HN88, bắp nếp tím dẻo HN66, giống đậu nành chịu mặn… để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL". Theo ông Quá, trong chiến lược phát triển tại ĐBSCL, đầu tháng 3-2017, công ty đã thành lập Chi nhánh tại tỉnh Đồng Tháp với mong muốn từng bước đầu tư thích hợp tại ĐBSCL. Công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận các bộ giống mới, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận trong sản xuất lúa; gắn với chuyển giao các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực trồng trọt.

Có thể khẳng định, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được xem là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường. Anh Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: "Được thành lập từ tháng 6-2016, đến nay, HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng có 30 thành viên với diện tích ao nuôi 30ha. Kể từ khi thành lập, HTX nuôi tôm theo quy trình công nghệ do doanh nghiệp chuyển giao nên năng suất tôm đạt cao, bình quân mỗi ao nuôi diện tích 1.400m2 cho thu hoạch khoảng 9 tấn tôm/vụ nuôi 3 tháng. Sản lượng tôm của toàn HTX có thể đạt 270 tấn/vụ và cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến tôm trên địa bàn". Theo ông Diện, xã viên trong HTX rất tích cực tham gia nuôi tôm theo quy trình an toàn vì tiết kiệm chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra. HTX cũng mong muốn tiếp cận vốn ưu đãi để mở rộng quy mô, diện tích nuôi theo quy trình siêu thâm canh.

Liên kết đầu tư thỏa đáng

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những doanh nghiệp về khoa học công nghệ ở ĐBSCL tham gia Festival Quốc tế Nông nghiệp vùng ĐBSCL và đã ký kết với một số hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi tôm để liên kết chuyển giao quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh áp dụng công nghệ Biofloc. Ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, cho biết: "Quy trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo công nghệ ít thay nước của công ty đã được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản chính thức công nhận. Hiện nay, công ty đã tiến hành chuyển giao quy trình nuôi tôm này cho một số tỉnh ĐBSCL và các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình…". Theo ông Xuân, với trách nhiệm của một doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty mong muốn chuyển giao rộng rãi quy trình nuôi siêu thâm canh để tiết kiệm chi phí cho nông dân, tăng đáng kể sản lượng tôm phục vụ chế biến xuất khẩu có thể truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Khoa học, công nghệ là nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững. Vấn đề là làm thế nào để các tác nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp có thể hợp tác, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chia sẻ: "cả nước hiện có 8 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tuy nhiên, công tác phát triển thị trường khoa học và công nghệ còn nhiều khó khăn; mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Nhu cầu về công nghệ và chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp vẫn chưa được thể hiện rõ nét". Do đó, cần thúc đẩy mối liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, sản xuất thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân, đơn vị có nhu cầu tiếp cận công nghệ để đem khoa học công nghệ đến gần với nông nghiệp hơn nữa.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, các ngành các cấp cùng doanh nghiệp đang tích cực tập trung đầu tư, nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, cải tiến thiết bị, sản phẩm, quy trình kỹ thuật, các loại giống cây trồng và vật nuôi phục vụ nông nghiệp; công nghệ bảo quản sau thu hoạch... Song song với chuyển giao công nghệ, mối quan tâm hàng đầu vẫn là tìm kiếm đầu ra ổn định cho hàng hóa nông sản, tránh rủi ro đầu tư cao nhưng giá trị thấp. Bởi lẽ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra khối lượng nông sản lớn. Nếu không khảo sát thị trường, xây dựng phương án tiêu thụ hợp lý thì sản phẩm làm ra sẽ không bán được, dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của đất nước. 

Bài, ảnh : MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết