10/11/2017 - 19:42

Du lịch Đồng Tháp 

Từ đầu năm 2017 đến nay, du lịch tỉnh Đồng Tháp thu hút trên 2,4 triệu lượt du khách, tăng 33% so với cùng kỳ, đứng nhất cụm phía Đông vùng ĐBSCL, doanh thu đạt trên 450 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Những khởi sắc trên là kết quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết xây dựng các tour và phát triển điểm đến nổi bật cho du lịch xứ Sen hồng.

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh.

Lượng khách du lịch về Đồng Tháp tập trung đông tại các điểm tham quan trọng điểm. Nổi bật là Vườn Quốc gia Tràm Chim- khu Ramsar có tầm quan trọng quốc tế, xếp thứ 2.000 trên thế giới và thứ 4 ở Việt Nam- với các chương trình tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi như làm ngư dân; tham quan, thu hoạch lúa trời; xem vườn chim sinh sản hoặc đi săn chuột đồng, sân chim rộng hàng chục héc-ta cùng nhiều loài chim bay rợp trời… Vùng đất ngập nước rộng khoảng 7.500ha này còn có hai loài hoa đồng nội: nhĩ cán tím và hoàng đầu ấn, được đông đảo du khách đặc biệt yêu thích. Lượng khách tham quan Tràm chim năm nay tăng trên 40% so với cùng kỳ.

Khu di tích Xẻo Quýt cũng là một điểm đến hấp dẫn. Nơi đây một thời được mệnh danh là “thủy đạo thép” kiên cường, vùng đất bưng biền huyền thoại; nay đã được triển khai chương trình trải nghiệm thú vị như “một ngày làm nông dân” đã thu hút đông đảo các công ty lữ hành đưa vào chương trình tham quan như: dỡ chà, giăng lưới bắt cá, bắt vịt trên sông, đua xuồng…

Du khách cũng có thể đến với Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng ở huyện Cao Lãnh, nơi có hơn 1.600ha tràm gắn với dự án bảo tồn cây tre, cây tràm, sen, súng và hệ sinh thái Đồng Tháp Mười đa dạng và phong phú. Ở đây, du khách được trải nghiệm ẩm thực đồng quê; có thể tự tay chèo bơi xuồng ba lá, ngắm các loài chim cư ngụ tại rừng tràm và trải nghiệm dịch vụ vận chuyển bằng xe bò, mua các mặt hàng đặc sản mắm cá lóc, cá linh, cá chốt, mật ong tràm…

Đến với làng hoa kiểng Sa Đéc, khách được hướng dẫn, giới thiệu tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ hoa kiểng, chụp hình lưu niệm trong làng hoa. Rời thành phố Sa Đéc về Lai Vung, du khách ghé làng nghề bánh tráng, nem, đóng xuồng ghe, đan bội, đan cần xé, đan lờ lọp. Ngoài ra, khách có thể tham quan một số làng nghề được phát triển, khôi phục như nghề đan mê bồ ở thành phố Cao Lãnh; các nghề làm khô cá lóc, làm dưa kiệu ở huyện Tam Nông; nghề dệt chiếu, đan lục bình ở huyện Cao Lãnh…

Nhiều điểm du lịch mới cũng thu hút đông du khách như 7 điểm tham quan du lịch vườn quýt hồng, vườn thanh long ở Lai Vung, mô hình du lịch homestay “Ngôi nhà hoa Ếch”, “Ngôi nhà tre Phong- Levent”, khu du lịch sinh thái Hương Quê ở thành phố Sa Đéc, khu du lịch sinh thái Tân Thuận Đông- thành phố Cao Lãnh, xem mùa hoa nhĩ cán tím, hoa hoàng đầu ấn tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, các điểm tham quan vườn cây ăn trái, đồng sen ở huyện Tháp Mười, khu vui chơi Happy Land- Hùng Thy với nhiều dịch vụ và trò chơi mới lạ hấp dẫn.

Để thu hút du khách vào mùa du lịch cao điểm cuối năm, tỉnh Đồng Tháp đang tích cực quảng bá vẻ đẹp của vùng đất Sen hồng với chuỗi sự kiện hấp dẫn tại Tuần lễ Văn hóa- Du lịch Đồng Tháp tại Khu du lịch Văn hóa Phương Nam; tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch nhân Lễ giỗ lần thứ 88 Cụ Nguyễn Sinh Sắc; Hội chợ nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Đồng Tháp…

Đồng thời, Đồng Tháp sẽ hoàn thiện sản phẩm và phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại làng hoa kiểng Sa Đéc, khu du lịch Đồng sen Tháp Mười; vườn quýt hồng, làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông, làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh, dệt chiếu Định Yên... Phát triển thêm các dịch vụ trải nghiệm, trò chơi dân gian, tái hiện “Chợ ma” tại chợ chiếu Định Yên. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Phối hợp xây dựng tour, tuyến du lịch mới gắn với tham quan du lịch sinh thái nông nghiệp làng nghề: làng hoa kiểng Sa Đéc, làng nghề ghe xuồng và nem Lai Vung, khu Du lịch văn hóa Phương Nam và du lịch cộng đồng ở xã Tân Thuận Đông - TP Cao Lãnh…

NGUYỄN TOÀN

Chia sẻ bài viết