03/12/2017 - 17:41

Du học sinh- cầu nối giữa châu Phi và Trung Quốc 

Tờ China Daily cho biết, các sinh viên châu Phi mới đây đã đổ xô đến một hội chợ việc làm dành riêng cho du học sinh lục địa đen đang học tập tại Trung Quốc.

“Anh có thuê sinh viên đến từ Ghana không?” - Ebenezer Yeboah, một sinh viên Ghana đang theo học năm cuối chương trình thạc sĩ kế toán tài chính tại Đại học Công nghệ Hà Bắc, đặt câu hỏi bằng thứ tiếng Hoa chưa được lưu loát tại hội chợ việc làm do Hội Hữu nghị Nhân dân Trung Hoa với nước ngoài và Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế (UIBE) tổ chức ở Bắc Kinh hồi trung tuần tháng 11. “Kinh tế Trung Quốc rất quan trọng” – Yeboah giải thích lý do tại sao muốn tìm việc tại các công ty Trung Quốc. Anh tin rằng làm việc cho một doanh nghiệp như vậy sẽ giúp mình có được kinh nghiệm quý báu từ nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. Yeboah cho hay, đối với những sinh viên theo học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế và tài chính, Trung Quốc cung cấp cho họ “khóa học thực tiễn tốt nhất”. Được biết, Yeboah đã phải bắt chuyến tàu cao tốc từ Vũ Hán, nơi anh đang học, đến Bắc Kinh tham dự hội chợ việc làm để "không lỡ bất kỳ cơ hội nào”.

Sinh viên châu Phi trò chuyện với nhà tuyển dụng Trung Quốc tại hội chợ việc làm. Ảnh: China Daily

Trong khi đó, Munyemana Jean de Dieu, sinh viên người Rwanda  đang theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Điện lực Đông Bắc ở tỉnh Cát Lâm, đến hội chợ bởi nhiều công ty Trung Quốc đang mở rộng hoạt động kinh doanh của họ sang Rwanda và anh muốn làm việc ở đó. Jean de Dieu đã gửi hồ sơ tới 10 công ty tham gia hội chợ, trong đó có Tập đoàn xe tải nặng Trung Quốc (CNHDT), nơi sản xuất một nửa số xe tải hạng nặng mà Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi và có văn phòng chi nhánh tại Rwanda. Theo Wang Liujie, giám đốc kinh doanh tại văn phòng châu Phi của CNHDT, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh đã giúp nhiều công ty đến làm ăn tại châu Phi. Do đó, các ứng viên biết ngôn ngữ và văn hóa địa phương “rất được hoan nghênh”.

Gong Qian, lãnh đạo văn phòng liên lạc quốc tế của Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Tiesiju, cho biết những người phỏng vấn đầu tiên trò chuyện với các ứng viên châu Phi bằng tiếng Hoa để kiểm tra kiến thức cơ bản của họ về ngôn ngữ, sau đó đọc hồ sơ và tìm hiểu kinh nghiệm của họ. “Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tiếp cận tốt hơn các thị trường nước ngoài, bao gồm châu Phi, thì họ phải thuê nhân viên địa phương, và sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc là nguồn tốt nhất vì họ có kiến thức và mối quan hệ với cả hai nước” – ông Gong nói. Còn Lin Guijun, phó hiệu trưởng UIBE, nhận định việc tuyển dụng những sinh viên châu Phi đang theo học tại Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình địa phương hóa của các công ty Trung Quốc.

Ước tính, gần 400 sinh viên châu Phi đang theo học tại Trung Quốc đã tham dự hội chợ việc làm nói trên. Trước đó, khoảng 1.000 sinh viên đến từ 52 quốc gia châu Phi đã nộp hồ sơ trực tuyến để mong có được một trong số gần 500 việc làm tại 66 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Trung Quốc mà trong đó phần lớn đều có chi nhánh hoặc văn phòng kinh doanh ở châu Phi.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết