01/10/2014 - 20:44

Dự án Luật Căn cước công dân, đột phá về cải cách thủ tục hành chính

Trên thực tế, mỗi công dân Việt Nam sở hữu rất nhiều loại giấy tờ, do các cơ quan chức năng cấp và quản lý. Điều này đã gây ra không ít khó khăn khi người dân đi làm một thủ tục hành chính (TTHC). Vì vậy, việc xây dựng Dự án Luật Căn cước công dân (CCCD) được nhiều chuyên gia về quản lý xã hội đánh giá là một giải pháp tối ưu, nhằm đảm bảo sự đồng bộ của pháp luật về hộ tịch, cư trú, dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo bước đột phá quan trọng trong công tác cải cách TTHC, giảm bớt giấy tờ, tạo thuận tiện cho người dân khi giao dịch hồ sơ, TTHC...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, có đến 1.300 TTHC có liên quan đến giấy tờ tùy thân, trong đó, có 356 TTHC có liên quan trực tiếp đến Giấy chứng minh nhân dân. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho người dân khi đi làm TTHC. Đặc biệt, do công tác quản lý và ý thức của người dân chưa cao nên việc người dân đến tuổi nhưng chưa làm Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân đã quá hạn nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp đổi theo quy định, dẫn đến những rắc rối trong giao dịch hành chính.

Dự án Luật CCCD gồm 7 chương, 42 điều. Theo đó, Thẻ CCCD thay thế Giấy chứng minh nhân dân và là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ Cơ sở dữ liệu CCCD. Trên thẻ có nơi đăng ký thường trú của công dân, thông tin về họ, tên khai sinh, họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc. Các thông tin này được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên công dân có thể sử dụng thẻ CCCD để chứng minh, thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác. Mặt khác, trên thẻ CCCD có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi thực hiện các TTHC, thực hiện các giao dịch dân sự. Các cơ quan, tổ chức có thể kiểm tra, khai thác các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến cho Dự án Luật Căn cước công dân do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: CTV

Vừa qua, Văn phòng HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự án Luật CCCD. Đa số các ý kiến tán thành với Dự án Luật và cho rằng có nhiều điểm quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới, như: Quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tập hợp thông tin cơ bản về công dân được dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; quy định cấp thẻ CCCD cho công dân từ khi được sinh ra và thay thế Giấy chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và các giấy loại tờ công dân khác có liên quan, mang tính hệ thống và thống nhất, tạo bước đột phá trong quản lý dân cư, góp phần tinh giảm được nhiều TTHC về các loại giấy tờ công dân. Bên cạnh đó, Dự án Luật cũng đảm bảo sự tiện lợi cho công dân trong giao dịch hành chính cũng như các giao dịch khác.

Mặc dù, Dự án Luật có nhiều điểm quan trọng, góp phần làm cho công tác quản lý Nhà nước về dân cư được hệ thống và chặt chẽ hơn so với các quy định của pháp luật hiện hành, làm đơn giản hóa TTHC về giấy tờ công dân, nhưng suy cho cùng, chỉ là hiện đại hóa Giấy khai sinh của công dân bằng thẻ CCCD, chứ nhìn tổng thể chưa mang tính đột phá về mặt quản lý xã hội. Vì việc tích hợp nhiều thông tin về một công dân như trong Dự án Luật chưa thay thế được các loại giấy tờ của các cơ quan khác nhau quản lý, chẳng hạn như: về hộ tịch, kết hôn, ly hôn, khai tử… Hơn nữa, nhiều khả năng Dự án Luật này chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước đối với ngành công an, chứ về mặt quản lý xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng Dự luật, trong đó, quy định lưu trữ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm tất cả thông tin liên quan đến công dân từ khi sinh ra cho đến khi chết, gồm các thông tin về nhân thân; đặc điểm sinh học; nhận dạng; quan hệ xã hội (kết hôn, ly hôn, số lần kết hôn, số con, số lần vi phạm pháp luật…). Mặt khác, nếu tất cả các thông tin liên quan đến công dân được cập nhật vào kho dữ liệu quốc gia và được quản lý một cách hệ thống, chặt chẽ theo quy định của pháp luật, thì khi đó từng công dân sẽ có sự điều chỉnh các hành vi của mình để thích nghi, phù hợp với các quy tắc xử sự trong xã hội...

Đóng góp Dự án Luật CCCD, ông Trần Tấn Lợi, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Cờ Đỏ, cho rằng: Quy định cấp thẻ CCCD từ khi sinh ra theo như quy định của Dự án Luật là chưa phù hợp. Vì đứa trẻ ở giai đoạn dưới 14 tuổi thay đổi nhân dạng rất nhanh, nên công tác nhận dạng của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Hơn nữa, ở độ tuổi này chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và các giao dịch dân sự. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo Luật quy định độ tuổi từ 14 tuổi trở xuống chỉ đăng ký khai sinh là được và từ đủ 14 tuổi trở lên mới đăng ký CCCD, vì khi đó đặc điểm nhận dạng phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đồng tình với quy định của Dự án Luật lại cho rằng: Các thông số, dữ liệu về công dân hoàn toàn có thể cập nhật trong những lần cấp đổi CCCD sau này, khi công dân đủ 15 tuổi sẽ bổ sung dấu vân tay và ảnh chân dung… do đó, quy định như Dự án Luật là phù hợp.

Bên cạnh đó, một vài ý kiến cho rằng Dự án Luật quy định làm thẻ CCCD đối với trẻ từ 14 tuổi trở xuống, nhưng chưa quy định rõ thời điểm bắt đầu đăng ký ở độ tuổi nào, nên dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn nữa để việc thực hiện được thống nhất trên cả nước; đồng thời, cũng đề nghị quy định thêm biện pháp chế tài đối với trường hợp quá hạn đăng ký thẻ CCCD, nhằm làm tăng trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong việc đăng ký thẻ CCCD, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước…

Theo lộ trình của Dự án Luật, đến hết năm 2015 hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi cả nước. Từ năm 2016, thực hiện việc nhập thông tin cơ bản về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân; các cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để giải quyết TTHC cho công dân.

Như vậy, việc cấp thẻ CCCD theo công nghệ tiên tiến có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết, góp phần đơn giản hóa TTHC, giấy tờ cho công dân , từng bước thực hiện chính phủ điện tử là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật cũng như chuẩn bị các yếu tố để thực thi cần có sự quan tâm, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, để đạt được mục tiêu tạo bước tiến lớn về cải cách TTHC, tăng cường sự quản lý nhà nước và tạo sự thuận lợi hơn cho người dân…

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết