20/11/2018 - 09:51

Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018)

Đột phá từ đội ngũ nhà giáo 

Đội ngũ cán bộ, nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Ngành giáo dục thành phố Cần Thơ đã, đang thực nhiều giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ thầy cô giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Yêu nghề  

Các trường THPT trên địa bàn thành phố những ngày này rộn ràng không khí mừng Tết thầy cô 20-11. Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở vật chất, nên thầy trò nhà trường vẫn còn “ở nhờ” cơ sở của Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp TP Cần Thơ. Điều kiện khó khăn nhưng không khí thi đua giảng dạy, nghiên cứu khoa học của thầy trò nơi đây vẫn sôi nổi. Thạc sĩ Trương Thị Minh Hải, Tổ trưởng Tổ Hóa, cho biết: “Bên cạnh giảng dạy, tôi đang tập trung nghiên cứu khoa học. Đây là hoạt động trải nghiệm bổ ích, gắn liền giữa lý thuyết với thực hành, thực tiễn lao động sản suất; không chỉ khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của học sinh, giáo viên được nâng cao năng lực bản thân về những kiến thức có liên quan đến đề tài nghiên cứu”.

Nhằm ghi nhận thành tích đóng góp của các thầy cô cho ngành giáo dục thành phố, dịp kỷ niệm 20-11 này, nhiều nhà giáo được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

5 năm công tác, cô Minh Hải luôn được tin tưởng về năng lực chuyên môn. Tuy 2 con còn nhỏ, sau khi học xong chương trình thạc sĩ, cô Hải chịu khó tham gia các lớp học bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp giảng dạy mới, nghiên cứu khoa học. Năm học 2017-2018, cô Hải hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện đề tài đạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố, quốc gia. Quả ngọt từ Cuộc thi này là kết quả những tháng ngày miệt mài trong phòng thí nghiệm thực hành, trải nghiệm từ thực tế sản xuất của cô Hải và học trò. Theo cô Hải, ngoài nỗ lực của thầy trò, còn có sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo ngành, trường, đồng nghiệp; bởi quá trình nghiên cứu có nhiều vấn đề cần sự trợ giúp của thầy cô. “Quan trọng vẫn là ý tưởng đề tài mới, có khả năng ứng dụng thực tế. Khi xác định đề tài nghiên cứu, giáo viên hướng dẫn định hướng cho học sinh tìm tài liệu, sắp xếp… Vì vậy, bản thân giáo viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng truyền tải kiến thức cho học sinh”, cô Hải chia sẻ.

Là một trong những lá cờ đầu khối trường THPT thành phố, Trường THPT Châu Văn Liêm dịp 20-11 này vinh dự nhận Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hiện có 120 cán bộ, giáo viên; trong đó có 31/94 giáo viên trên chuẩn (chiếm gần 33%). Theo cô Lê Di Thanh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, so với 10 năm trước đây, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn ở mức 8%-10%, nay con số này gần 33%. Đây là nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường. Trường còn tạo điều kiện cho thầy cô học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, lắng nghe tâm tư để giải quyết khó khăn của đội ngũ. “Quan trọng nhất là động viên, khuyến khích tinh thần tự học của giáo viên. Một khi xây dựng đội ngũ vững vàng chuyên môn, đạo đức, chính trị, thì trường ngày càng phát triển vững mạnh”, cô Thanh chia sẻ.

Giờ học của cô trò Trường THPT Châu Văn Liêm. 

Dù đã quá trưa nhưng một số giáo viên Trường Mầm non Sao Mai (quận Ô Môn) tranh thủ giờ trẻ ngủ để tìm tòi nghiên cứu thêm tài liệu, làm sáng kiến kinh nghiệm. Cô Trần Thị Út, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có truyền thống giáo viên chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là yếu tố giúp trường đạt được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 6-2018 vừa qua. Một trong những trường tốp đầu bậc học mầm non ngành giáo dục thành phố.

41 tuổi đời, hơn 20 năm tuổi nghề, với cô Út, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo vững chuyên môn là điều cô tâm đắc nhất. Trước khi trường chia tách với Trường Mầm non Sen Hồng (tháng 11-2014), có 42 giáo viên, trong đó chỉ có 3 người đạt trình độ cao đẳng; còn lại trình độ 9 cộng 3, 12 cộng 2. Trong khi định hướng của trường đang xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Trường phát động phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong giáo viên. Cô Út kể: “Các cô rất chịu khó, sắp xếp việc nhà, việc trường, tranh thủ vào thứ bảy, chủ nhật để học nâng chuẩn; trong đó 7 cô học đại học ở Ô Môn. Một số cô lên tận trung tâm TP Cần Thơ để học. Nhờ vậy, đến năm 2015, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 60%, góp phần giúp trường đảm bảo đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2015”. Hiện Trường Mầm non Sao Mai có 30 cán bộ, giáo viên (100% đạt chuẩn và hơn 88% trên chuẩn), trường đang phấn đấu đến năm 2020 tất cả cán bộ giáo viên có trình độ trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy, chăm sóc trẻ.

Xây dựng đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên

Nhiều năm qua, giáo dục - đào tạo thành phố ngày càng phát triển về quy mô, chất lượng. Đội ngũ thầy cô giáo là một trong những yếu tố làm nên thành công này. Với yêu cầu không ngừng đổi mới giáo dục, ngành phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp học, trên cơ sở đó tăng cường số lượng giáo viên theo quy mô. Từ khoảng 9.500 cán bộ, giáo viên (năm 2004), nay có khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên; trong đó giáo viên 100% đạt chuẩn, từ 16%-90% trên chuẩn (tùy bậc học).

Giờ đọc truyện của cô trò Trường Mầm non Sao Mai, quận Ô Môn. 

Đặc biệt trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo (từ năm 2013), tùy đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị mà có cách làm khác nhau để phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên. Quận Ô Môn là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo. Thầy Võ Công Tuấn, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn, cho biết: Giáo dục quận nhà hiện nay đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ; trong đó đội ngũ thầy cô giáo phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Hiện ngành giáo dục quận được giao biên chế 1.477 cán bộ, công chức (100% đạt chuẩn và hơn 70% trên chuẩn ở các bậc học). Thầy Tuấn chia sẻ: Ngành chủ động, phát huy nội lực; đưa cán bộ, giáo viên đi đào tạo bằng nhiều nguồn, của địa phương hoặc khuyến khích tự học; huy động xã hội hóa giáo dục để chăm lo cho giáo dục. Ngành, trường vận động thầy, cô học tập nâng cao trình độ thông qua các phong trào thi đua, cống hiến sức lực trong công tác.

Tương tự, ngành giáo dục tất cả các quận huyện; hay các trường THPT (Châu Văn Liêm, Hà Huy Giáp, Bùi Hữu Nghĩa...) phát triển khá mạnh về đội ngũ nhà giáo. Các đơn vị trực thuộc thành phố đang tuyển dụng 53 giáo viên THPT, để đảm bảo số lượng, tỷ lệ giáo viên trên lớp cho năm học 2018-2019. Song băn khoăn hiện nay của lãnh đạo ngành giáo dục, đối với giáo viên thuộc các quận huyện (theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV), ngành còn thiếu 706 nhân sự ở các bậc học. Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, chi biết: Ngành tiếp tục đánh giá, điều chỉnh bổ sung và khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng. Cơ quan quản lý ngành phối hợp với các sở ban ngành để có chính sách ưu đãi ngành, biện pháp phát huy khả năng sáng tạo, để đội ngũ nhà giáo có động cơ thực hiện nghề nghiệp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, góp phần tích cực phát triển và đổi mới giáo dục.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết