17/06/2010 - 21:37

Đồng vợ, đồng chồng tham gia công tác xã hội

Không còn nặng lo về đời sống kinh tế gia đình, gần 10 năm nay vợ chồng cô Trần Thị Ảnh và chú Hà Văn Bảy, ngụ ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tích cực tham gia hoạt động xã hội. Những việc làm của cô chú đã giúp đỡ rất nhiều những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tạo được niềm tin yêu, quý mến nơi bà con lối xóm...

Đến ấp Nhơn Bình hỏi thăm về gia đình cô Trần Thị Ảnh, người dân nơi đây đều hết lòng ngợi khen vì vợ chồng cô luôn nhiệt tình với công tác xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô Ảnh là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Bình, tính tình vui vẻ, cởi mở nên nhà cô lúc nào cũng đông vui, rôm rả tiếng cười nói của các chị em trong xóm ấp. Chị Lại Thị Đẹp, hội viên trong mô hình chăn nuôi heo ấp Nhơn Bình, nói: “Nhiều chị em trong ấp Nhơn Bình rất biết ơn chị Ảnh. Tôi là một trong những người được chị Ảnh vận động chăn nuôi heo và được giới thiệu vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phong Điền để làm ăn, nhờ vậy đời sống gia đình tôi mới đỡ phần khó khăn”.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong 5 đứa con của chị Đẹp đã có 2 đứa con phải nghỉ học sớm, lao động phụ giúp cha mẹ. Chồng chị Đẹp lo chăm sóc 2 công vườn (trồng xoài, chuối, cóc...), thỉnh thoảng thì được người ta thuê làm phụ hồ hay làm cỏ mướn, chị thì mua bán nhỏ (chủ yếu là mua đi bán lại các loại: cóc, chuối...), thu nhập gia đình không ổn định. Gần 2 năm nay, chị Đẹp tham gia mô hình chăn nuôi heo, được hỗ trợ 1 con giống, 4 bao thức ăn (do Hội liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ và Dự án CACCODEME Thụy Sĩ tài trợ, khi các hội viên bán heo thì sẽ trả lại tiền con giống) nên mỗi đợt bán heo, trừ chi phí chăn nuôi, chị Đẹp lời được khoảng 1 triệu đồng/con. Từ đó, gia đình chị tăng thêm nguồn thu nhập. Chị Đẹp bộc bạch: “Có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, chúng tôi sẽ cố gắng lo cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng”. Được cô Ảnh vận động, bà Lại Thị Ơn tuổi đã ngoài 70 (hội viên trong mô hình chăn nuôi heo) cũng đã có cuộc sống ổn định khi có thêm 1 khoản thu nhập từ chăn nuôi heo.

Cô  Ảnh và chú Bảy đang kiểm tra những chậu hoa kiểng lục bình trước khi giao cho Hợp tác xã Kim Hưng. 

Mô hình chăn nuôi heo ấp Nhơn Bình được thành lập vào tháng 4-2008, với 15 hội viên. Đến nay, có 56 hội viên tham gia. Ngoài ra, cô Ảnh còn vận động nhiều phụ nữ tham gia mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình (thành lập tháng 7-2009), lúc đầu có 30 hội viên, hiện nay tăng lên khoảng 50 hội viên. Chị Trần Thị Ngọc Vĩ, ngụ ấp Nhơn Bình, cho biết: “Chị Ảnh luôn tìm hiểu đời sống của các chị em trong xóm ấp, rồi tận tình giúp đỡ những ai có hoàn cảnh khó khăn”. Chồng chị Vĩ làm nghề thợ hồ, mỗi ngày thu nhập không cao, còn chị nội trợ, chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Mọi sinh hoạt gia đình đều trông cậy vào chồng chị Vĩ. 2 năm nay, chị Vĩ tham gia vào 2 mô hình chăn nuôi heo và đan chậu hoa kiểng lục bình nên mức thu nhập gia đình được nâng lên. Mỗi ngày chị Vĩ đan được 8 chậu hoa kiểng lục bình, trừ chi phí, chị kiếm trên 30.000 đồng. Chị Vĩ rất vui vì đã phụ giúp được chồng trong trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.

Cô Trần Thị Ảnh, tuổi đã ngoài 50, là giáo viên Trường Mầm non Nhơn Ái, ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái. Khoảng 10 năm nay, cô đảm đương thêm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Bình. Cô Ảnh chia sẻ: “Công việc nào cũng có ý nghĩa, có niềm vui riêng, chỉ cần mình sắp xếp thời gian thì công việc sẽ đâu vào đấy. Trong ấp có nhiều phụ nữ, ngoài thời gian nông nhàn thì thường không có việc làm, thu nhập gia đình bấp bênh nên tôi nghĩ mình phải làm việc gì đó giúp đỡ các chị em, để họ vươn lên thoát nghèo”.

Năm 1980, cô Ảnh lập gia đình cùng chú Hà Văn Bảy. Cô chú có 3 người con: Hà Thị Thảo (SN 1981) - giáo viên tiểu học, đã lập gia đình; Hà Thị Mộng Dung (SN 1990), đang học ngành Mầm non, Trường Đại học Đồng Tháp và Hà Thị Như Ngọc (SN 1995), chuẩn bị học lớp 10. Theo lời cô Ảnh thì trước đây gia đình rất khó khăn về kinh tế. Lúc lập gia đình, cô chú được cha mẹ cho ra riêng, với 1 căn nhà lá, vách ván gòn, chỉ 2 năm thì căn nhà đã xuống cấp. Chú Bảy trước đây công tác ở Phòng Nông nghiệp huyện Ô Môn (cũ), nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chú chuyển sang nghề mua cây bạch đàn, chở bằng ghe rồi về bán lại ở các xã của huyện Phong Điền, Cái Răng... Vào những kỳ nghỉ hè, cô Ảnh theo phụ giúp chú Bảy, mỗi chuyến đi buôn là 1 tuần mới về nhà. Chú Bảy tâm sự: “Nhớ lại lúc đó nhà cửa thì ọp ẹp, mỗi lần trời mưa là các con phải ngồi trên giường vì nền nhà bị ngập nước. Khi đi xa về, nhìn thấy các con ngồi co ro trên giường, vợ chồng tôi không cầm được nước mắt”. Khó khăn không làm lùi được ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo của cô chú. Dành dụm chắt chiu từng đồng, từng cắc năm 2002, cô chú đã cất được căn nhà tường khá rộng rãi.

Chú Bảy từng ước nguyện: “Chỉ cần cuộc sống gia đình ổn định, tôi sẽ toàn tâm toàn ý đóng góp sức mình cho công tác xã hội”. Chính vì lẽ đó mà 4 năm qua, chú Bảy tham gia tích cực cộng tác viên dân số xã Nhơn Ái, năm 2009, chú làm Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Nhơn Bình. Theo lời nói vui của cô Ảnh thì chú Bảy là trợ thủ đắc lực giúp cô hoàn thành vai trò của chi hội trưởng. Mỗi khi cô Ảnh đi họp hội hay đi vận động thì chú Bảy đều đưa cô đi rồi rước cô về. Chú còn giúp cô thu gom, kiểm tra sản phẩm của các hội viên trong mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình, rồi giao lại cho Hợp tác xã Kim Hưng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng... Khi cô Ảnh không có ở nhà thì mọi công việc trong gia đình từ giặt giũ, nấu nướng đến chăm sóc mười mấy con heo đều do chú Bảy và cô con gái út đảm đương. Mỉm cười thật tươi, cô Ảnh nói: “Khi tôi tham gia công tác hội, chồng tôi ủng hộ hết mình, sẵn sàng giúp đỡ khi tôi cần và luôn chia sẻ công việc với tôi”.

Bà Phan Tuyết Sương, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Nhơn Ái, cho biết: “Nhiều năm liền, chị Ảnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ tinh thần vận động tích cực của chị Ảnh, nhiều phụ nữ đã tham gia vào các mô hình làm ăn, giải quyết được công ăn việc làm, kinh tế gia đình có chuyển biến tốt. Tại ấp Nhơn Bình, phụ nữ có 2 mô hình làm ăn đạt hiệu quả là: đan chậu hoa kiểng lục bình và chăn nuôi heo. Hiệu quả từ những mô hình này nên Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Bình đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của UBND TP Cần Thơ, Hội liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ và Ban dân vận TP Cần Thơ”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết