20/02/2010 - 10:22

Đồng nhân dân tệ - Mối quan ngại lớn của Mỹ

Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi tháng 11-2009. Ảnh: AFP

Căng thẳng chính trị leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng tác động rõ nét tới quan hệ kinh tế song phương. Thực tế, Trung Quốc đã triển khai trừng phạt kinh tế Mỹ khá lâu trước khi Tổng thống Barack Obama tiếp xúc với Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Khu tự trị Tây Tạng hôm 18-2. Từ tháng 12-2009 đến nay, Trung Quốc bán ra 34 tỉ USD trái phiếu của Mỹ và tỏ ý sẽ tiếp tục. Động thái này có thể làm Trung Quốc thua lỗ về mặt tài chính nhưng với 755 tỉ USD trái phiếu Mỹ mà nước này còn nắm giữ, Washington có lý do để lo ngại hành động phá giá tiếp theo từ Bắc Kinh. Trong khi đó, theo Nhật báo Phố Wall (Mỹ), Washington dự kiến trong vài tháng tới sẽ tăng cường sức ép lên Bắc Kinh xung quanh vấn đề đồng nhân dân tệ (NDT) bị định giá thấp.

Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt với Mỹ về việc Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton gặp Đạt Lai Lạt Ma, nhân vật mà Bắc Kinh cáo buộc đang vận động cho Tây Tạng độc lập khỏi Trung Quốc. Thực tế, căng thẳng giữa hai bên đã lên tới đỉnh điểm sau thông báo của Washington hồi tháng 1 rằng Mỹ sẽ bán vũ khí cho Đài Loan với giá trị lên tới 6,4 tỉ USD, tiếp sau tranh cãi giữa Bắc Kinh với Google về những cuộc tấn công trên mạng và bất đồng về chương trình hạt nhân của Iran.

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, cùng chia sẽ lợi ích chiến lược về những vấn đề như CHDCND Triều Tiên và không phổ biến vũ khí hạt nhân, nên quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ đảm bảo sự hợp tác. Sự kiện 5 tàu chiến Mỹ, trong đó có hàng không mẫu hạm USS Nimitz, neo đậu 4 ngày ở Hồng Công từ hôm 16-2 là một minh chứng. Tuy nhiên, một số mặt trong quan hệ Mỹ - Trung đang ngày càng “nóng”. Lâu nay các quan chức Mỹ lo ngại việc đồng NDT bị định giá thấp tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng cao (10%) trong khi Trung Quốc đạt thặng dư thương mại lớn. Năm ngoái thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 226,83 tỉ USD, thấp hơn so với giai đoạn 2006-2008, nhưng đây vẫn là mức thâm hụt lớn nhất của Mỹ với nước ngoài.

Washington cũng đã có hành động trả đũa thương mại với Bắc Kinh. Tháng 9-2009, đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk thông báo áp thuế nhập khẩu lên một số mặt hàng vỏ xe Trung Quốc, nhằm đối phó với cơn lũ vỏ xe giá rẻ từ nước này. Dự kiến vào tháng 4 tới, Mỹ sẽ quyết định việc có đưa Trung Quốc vào diện “nước thao túng tiền tệ”, theo Luật cạnh tranh và thương mại Omnibus năm 1988. Về mặt kỹ thuật, động thái như vậy nếu xảy ra sẽ không dẫn tới bất kỳ hành động nào chống lại Trung Quốc từ phía Mỹ, nhưng việc vận dụng một đạo luật hiếm khi sử dụng (không có nước nào bị Mỹ áp dụng luật này từ năm 1994), có thể chọc giận Bắc Kinh, và giúp Quốc hội Mỹ có thêm “vũ khí” thúc ép hành động chống Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tăng tỷ giá đồng NDT với USD hồi tháng 7-2005, sau nhiều năm kiềm chế hiệu quả. NDT tăng khoảng 21% so với đồng bạc xanh giai đoạn tháng 7-2005 đến tháng 7-2008, khi Bắc Kinh “tái kiểm soát” do khủng hoảng kinh tế làm giảm xuất khẩu và lo ngại sụt giảm kinh tế. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc những lợi ích về đồng NDT, bởi bất kỳ diễn biến nào của đồng tiền này cũng sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu và việc làm. Quá nhiều sức ép bên ngoài có thể buộc Trung Quốc không khoan nhượng về tỷ giá hối đoái, vấn đề mà Bắc Kinh xem là việc nội bộ. Đây sẽ là thách thức lớn của Mỹ trong thời gian tới.

N. MINH (Theo WSJ, IST)

Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi tháng 11-2009. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết