07/04/2012 - 22:27

Các vùng kinh tế trọng điểm

Động lực phát triển cho cả nước

Một góc đô thị Cần Thơ nhìn từ trên cao.
Ảnh: MINH HUYỀN

Hiện nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), bao gồm: vùng KTTĐ phía Bắc, vùng KTTĐ phía Nam, vùng KTTĐ miền Trung và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng KTTĐ này với diện tích tự nhiên khoảng 90.770 km2, chiếm trên 27% tổng diện tích chung của cả nước; dân số trung bình (năm 2010) trên 44,5 triệu người, chiếm trên 50% dân số của cả nước. Giai đoạn 2006 - 2010, các vùng KTTĐ phát triển khá toàn diện, khẳng định vị thế là đầu tàu của các vùng trong cả nước... Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến của một số đại biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (2006-2010) và định hướng phát triển (2011-2015) vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

* ÔNG CAO VIẾT SINH, THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CÁC VÙNG KTTĐ PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC TRONG THỰC HIỆN CÁC CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

Giai đoạn 2011-2015, 4 vùng KTTĐ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 9-10%, gấp 1,3-1,4 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước. Nâng tỷ trọng GDP của vùng so với cả nước từ 67% năm 2010 lên đến 75% năm 2015; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 khoảng 3.000 USD/người, gấp 1,5 lần so với bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng giao thông vận tải trên cơ sở cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cảng biển, đường sắt, đường ô tô, đường thủy và đường hàng không, hiện đại hóa phương tiện và hình thức vận tải; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế đô thị thành các trung tâm phát triển thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm mới cho khoảng 5,5 triệu lao động...

Để thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020, các vùng KTTĐ phải đi trước một bước trong thực hiện các đột phá chiến lược phát triển kinh tế. Ngoài việc thực hiện tốt quyết định số 159/2007/QĐ -TTg, ngày 10-10-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương đối với các vùng KTTĐ, yêu cầu tất cả các Bộ, ngành và các địa phương thuộc 4 vùng KTTĐ thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau: Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, vùng Bắc trung bộ - Duyên hải Trung bộ, vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng KTTĐ Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt. Các bộ, ngành rà soát điều chỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sản phẩm cho phù hợp với chiến lược của cả nước, quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch vùng KTTĐ... Các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng KTTĐ, quy hoạch ngành để tạo tính liên kết hợp lý, phù hợp...

* BÀ NGUYỄN THỊ XUÂN THU, THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CẦN TẬP TRUNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Để ngành nông nghiệp các vùng KTTĐ khẳng định và phát huy lợi thế, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành hữu quan tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án thủy lợi hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2011-2015, các dự án có hiệu quả và các công trình cấp bách; tiếp tục đầu tư Chương trình đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước trong các vùng KTTĐ. Tăng mức đầu tư cho khai thác hải sản, trước hết là cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá; cho phép mở rộng thí điểm hợp tác, liên doanh trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với các đối tác nước ngoài ở một số ngư trường có độ nhạy cảm về an ninh quốc phòng thấp. Đầu tư xây dựng đội tàu kiểm ngư, đội tàu dịch vụ công ích thu mua hải sản trên biển, đảm bảo an toàn cho ngư dân yên tâm sản xuất, bám biển để giảm chi phí di chuyển. Hỗ trợ và hoàn thành xây dựng các tuyến đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô và các xã chưa có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã; tăng vốn hỗ trợ cho các địa phương đầu tư phòng chống sạt lở sông, suối,... Tăng vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Đề nghị các địa phương các vùng KTTĐ, trên cơ sở quy hoạch, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ phù hợp để chủ động phòng chống lũ lụt; đẩy mạnh công tác lập đề án nông thôn mới cho các xã và chỉ đạo thực hiện lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết...

* ÔNG NGÔ THỊNH ĐỨC, THỨ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CẦN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ KHAI THÁC SỬ DỤNG CÓ HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN BIỂN

Trong các vùng KTTĐ, các địa phương có tuyến ven biển đi qua bao gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh (Vùng KTTĐ miền Bắc); Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (Vùng KTTĐ miền Trung); Bà Rịa- Vũng Tàu, TP HCM, Tiền Giang (Vùng KTTĐ miền Nam); Cà Mau, Kiên Giang (Vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long). Các đường ven biển trong các vùng KTTĐ khoảng 1.449km, tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 47.143 tỉ đồng. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện khoảng 23% khối lượng so với quy hoạch cần thực hiện trước năm 2020. Nếu tính cả khối lượng các đoạn tuyến đã đầu tư hoàn thành trước đây thì trong các vùng KTTĐ đã và đang đầu tư được khoảng 53% nhu cầu. Các dự án hoàn thành chủ yếu là các đoạn tuyến đi trùng quốc lộ, cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư. Các dự án đang triển khai là các đoạn cao tốc, quốc lộ, đường địa phương có vai trò quan trọng liên kết vùng hoặc có nhu cầu vận tải lớn cần thực hiện đầu tư nhằm khai thác lợi thế tuyến ven biển. Nguồn vốn ngân sách nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế nên nhiều đoạn tuyến đã phê duyệt dự án đầu tư (khoảng 332,4km) nhưng vẫn chưa thể khởi công do chưa bố trí được vốn (kinh phí 16.565 tỉ đồng). Nếu xét đến cả các đoạn đang lập dự án (277km), tổng nhu cầu vốn lên đến 28.465 tỉ đồng...

Nhìn chung, tiến độ triển khai đầu tư các đoạn tuyến đường ven biển theo quy hoạch vẫn còn chậm, chủ yếu đã được đầu tư trong giai đoạn trước 2011. Từ nay đến 2020 cần đầu tư tiếp các đoạn tuyến còn lại để đảm bảo mục tiêu thông tuyến đường ven biển trước năm 2020 như quy hoạch được phê duyệt. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến trong các vùng KTTĐ để làm động lực thúc đẩy các khu vực liên quan cùng phát triển, khai thác sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển, tăng cường củng cố an ninh quốc phòng (kết hợp đường với hệ thống đê biển và hệ thống phòng thủ ven biển), hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, tạo thuận lợi phòng chống, xử lý, ứng phó thiên tai. Các địa phương chủ động lồng ghép các dự án đường ven biển vào các chương trình, dự án có liên quan như (khu kinh tế, khu du lịch, công trình quốc phòng, biển đông hải đảo...); xây dựng các phương án đầu tư đường ven biển để đảm bảo tính chủ động đầu tư của địa phương, tránh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

* ÔNG NGUYỄN THANH SƠN, CHỦ TỊCH UBND TP CẦN THƠ
QUAN TÂM NHIỀU HƠN ĐẾN PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Để phát huy hơn nữa vai trò của vùng KTTĐ ĐBSCL, vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông cần phải được quan tâm nhiều hơn; đặc biệt là hệ thống luồng cho tàu lớn vào chở hàng, nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu thông qua hệ thống cảng ở ĐBSCL. Vấn đề này, thời gian qua, mặc dù Nhà nước có đầu tư nhưng tiến độ nhiều dự án còn chậm, có giải pháp tình thế là nạo vét luồng hàng năm nhưng còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu... Cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp là điện. Thời gian qua Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn được xác định là một trung tâm lớn của vùng nhưng mới đưa vào hoạt động được 1 tổ máy nên việc cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất còn hạn chế. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã được đầu tư nâng cấp nhưng thời gian qua chưa mở được đường bay quốc tế nào. Đây có thể nói là một cửa ngõ làm tiền đề để thu hút đầu tư nhưng chưa được khai thác tốt. Góc độ của thành phố, thay mặt các tỉnh trong vùng KTTĐ, đề nghị Chính phủ, Ban điều phối các vùng KTTĐ quan tâm, có kế hoạch triển khai nhanh tiến độ các dự án đã được triển khai. Thời gian qua, Ban điều phối các vùng KTTĐ có kế hoạch điều phối, bám sát các kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các bộ để phát huy hiệu quả hoạt động các vùng KTTĐ nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc hình thành tiểu ban điều phối cấp vùng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. TP Cần Thơ sẽ phối hợp với các tỉnh, trao đổi với nhau để thành lập một tiểu ban điều phối, đề ra kế hoạch điều phối thống nhất với nhau để khai thác lợi thế của từng địa phương và toàn vùng.

* ÔNG LÊ MINH TRÍ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP HỒ CHÍ MINH
PHẢI LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH, ỔN ĐỊNH VÀ BỀN VỮNG

Các vùng KTTĐ cần nghiêm túc nhìn lại quá trình phát triển từ đó có giải pháp, mục tiêu nhằm phát huy tiềm năng, tìm lực... Các địa phương vùng KTTĐ đều có lợi thế, thế mạnh riêng nhưng chưa có nơi nào, địa phương nào xác định được mục tiêu, thế mạnh, tiềm lực hay các lĩnh vực mũi nhọn của vùng KTTĐ trong quá trình phát triển. Bởi lẽ các địa phương ít nhiều còn quan tâm lợi ích của địa phương, chưa mạnh dạn làm vai trò điều phối cho vùng. Nếu muốn phát triển nhanh, ổn định và bền vững cần phải liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên kết với các vùng KTTĐ khác và các địa phương khác. Vấn đề này, tôi đề nghị thời gian tới, cần chia làm nhiều dạng điều phối. Điển hình như: Liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng các mục tiêu, các ngành mũi nhọn... của các vùng KTTĐ thì vai trò điều phối phải là Chính phủ. Các vấn đề về hạ tầng giao thông, chống ngập, môi trường... thì từng chuyên ngành giao cho từng bộ ngành hữu quan phụ trách. Nếu trong quá trình thực hiện còn có những gút mắc trình Chính phủ xem xét, giải quyết. Ngoài vai trò chủ trì của Chính phủ, của bộ, ngành hữu quan trong phân công các chuyên ngành, chuyên đề,... cần quan tâm phát huy lợi thế của địa phương đi trước. Vấn đề này rất quan trọng cần phải được nghiên cứu, rút kinh nghiệm nhằm hạn chế những phát sinh như: tập trung dân cư, ô nhiễm môi trường,.... của các địa phương đi sau trong quá trình phát triển...

Thời gian qua, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển có lúc mạnh, có lúc khó khăn nhưng lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp của các vùng KTTĐ và cả nước liên tục tăng. Vấn đề này cần được các địa phương xem xét, đánh giá để tiếp tục phát huy và có định hướng cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng như thế nào phù hợp với thế mạnh của các vùng KTTĐ và cả nước..

HÀ TRIỀU (lược ghi)

Một góc đô thị Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết